Tháo gỡ khó khăn cho miền núi

ALĂNG NGƯỚC 27/10/2014 08:33

Tập trung tìm các giải pháp hiệu quả, tháo gỡ khó khăn, giúp đồng bào miền núi có hướng phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững,… là những nội dung quan trọng tại cuộc họp giữa UBND tỉnh với lãnh đạo các huyện miền núi Nam - Bắc Trà My vừa qua.

Tập trung giảm nghèo

Là một trong những địa phương của tỉnh còn tỷ lệ hộ nghèo rất cao vì đời sống người dân huyện Nam Trà My chủ yếu dựa vào lúa rẫy. Do tập tục canh tác lạc hậu nên hằng năm, năng suất lúa mùa thường rất thấp, khiến đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tính đến cuối năm 2013, toàn huyện vẫn còn 4.527 hộ thuộc diện nghèo, chiếm tỷ lệ hơn 72% dân số và được phân chia thành 3 nhóm: nghèo do thiếu vốn, phương tiện sản xuất hoặc không có lao động; nghèo do chây ì, lười lao động, trông chờ, ỷ lại và nhóm không nằm trong diện nghèo nhưng lại có danh sách hộ nghèo để hưởng chế độ chính sách. Ông Bửu cho rằng, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, cộng với địa hình cách trở, dân trí chưa cao, chưa có các mô hình phát triển kinh tế bền vững… là nguyên nhân khiến đời sống người dân ở Nam Trà My còn rất nghèo. Do vậy, tỉnh cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ, cũng như cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư để địa phương có nguồn vốn cân đối phù hợp thực hiện công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, tập trung giảm nghèo, ổn định đời sống dân sinh.

Chú trọng phát triển ruộng lúa nước - hướng giảm nghèo bền vững ở miền núi.  Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Chú trọng phát triển ruộng lúa nước - hướng giảm nghèo bền vững ở miền núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My – ông Nguyễn Thế Phước cho rằng người dân địa phương còn lười lao động, không chịu làm ăn để phát triển kinh tế dẫn đến tình trạng đói nghèo thường xuyên. “Bây giờ, ở nhiều thôn, nóc, hằng ngày chỉ người già và phụ nữ làm công việc gia đình, còn thanh niên ngồi không. Bởi quan niệm lạc hậu “làm bữa nào ăn bữa đó” đã dẫn đến sự thiếu động cơ để phát triển, cũng như chưa có mục tiêu phát triển kinh tế bền vững” - ông Phước nói. Để giúp người dân thoát nghèo, theo ông Phước trước mắt cần tiếp tục tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức người dân, đẩy mạnh phát triển cây dược liệu và chuối theo định hướng chung.

Năm 2012, UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể định hướng phát triển kinh tế - xã hội huyện Nam Trà My, giai đoạn đến năm 2020 theo 3 tiểu vùng: cao - trung và thấp. Tùy theo đặc thù ở mỗi vùng, việc phát triển các mô hình kinh tế được định hướng phù hợp, giúp địa phương phát triển bền vững. Tuy nhiên, theo đánh giá của địa phương, công tác giảm nghèo còn gặp nhiều bất cập do cơ sở thiết yếu còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển chung của toàn huyện. Trước những khó khăn của huyện Nam Trà My, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh đã thống nhất với một số kiến nghị, đề xuất của địa phương nhằm tìm các giải pháp tháo gỡ, giải quyết vướng mắc. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Nam Trà My cần tập trung đầu tư phát triển, xây dựng các mục tiêu trọng tâm, trọng điểm phù hợp với điều kiện ở miền núi. Việc phát triển và bảo vệ rừng cần gắn với văn hóa làng của đồng bào bản địa. Bà Lê Thị Thủy - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho rằng, hệ thống chính trị yếu kém sẽ dẫn đến đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Bởi đã có rất nhiều chính sách được đưa về các huyện miền núi nhưng vẫn không thể làm thay đổi bộ mặt đời sống người dân. Do vậy, theo bà Thủy, cán bộ địa phương, đặc biệt là cán bộ cấp xã cần phải là người làm gương để người dân học tập trong việc phát triển kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo.

Ổn định đời sống khu tái định cư

Đồng ý thực hiện dự án phát triển vườn sâm giống Tắk Ngo
Theo đề xuất của lãnh đạo huyện Nam Trà My về việc xây dựng dự án phát triển vườn sâm giống Ngọc Linh tại Tắk Ngo (thôn 2, xã Trà Linh), Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh đã đồng ý cho phép địa phương thực hiện dự án. Theo đó, dự án sẽ được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2015 - 2020 với tổng kinh phí hơn 9,5 tỷ đồng, đảm bảo đạt số lượng khoảng 300.000 cây giống, phục vụ công tác bảo tồn và nhân bản giống sâm quý Ngọc Linh. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh cũng yêu cầu huyện Nam Trà My cần sớm xây dựng trung tâm khoa học nghiên cứu về sâm Ngọc Linh, cũng như xây dựng chỉ dẫn và xác thực nguồn gốc sâm để bảo vệ thương hiệu sản phâm sâm Ngọc Linh Quảng Nam.

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh, lãnh đạo huyện Bắc Trà My cũng đưa ra nhiều vấn đề vướng mắc, nhất là công tác ổn định đời sống cho người dân tại khu tái định cư (TĐC) thủy điện Sông Tranh 2. Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, hiện đời sống nhân dân vẫn còn gian nan, nhất là chuyện ăn ở, thiếu đất sản xuất của người dân ở các khu TĐC thủy điện Sông Tranh 2. Để tạo điều kiện cho nhân dân sản xuất, phát triển kinh tế, UBND huyện Bắc Trà My đã xây dựng đề án phát triển cho người dân tại khu vực các xã Trà Bui, Trà Đốc, Trà Giác và Trà Tân bị ảnh hưởng sau khi xây dựng công trình thủy điện và kiến nghị tỉnh sớm phê duyệt để địa phương triển khai trong thời gian đến. Ngoài ra, huyện Bắc Trà My cũng kiến nghị UBND tỉnh cho phép chuyển một số diện tích trong khu vực rừng phòng hộ Sông Tranh 2 có chức năng sản xuất để cấp cho các hộ dân khu TĐC. Liên quan đến các chính sách đầu tư xây dựng hạ tầng, ổn định đời sống, địa phương cũng kiến nghị UBND tỉnh cần có cơ chế đặc thù hỗ trợ kinh phí từ việc phát điện nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 để tháo gỡ những khó khăn, bức xúc của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Gặp - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, các địa phương cần tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng theo chương trình mục tiêu nông thôn mới; tránh dàn trải, thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, địa phương cũng tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn đồng bào cách sản xuất, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả; tạo điều kiện để các hộ dân có đất và vốn sản xuất, có hướng giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, các huyện miền núi Nam và Bắc Trà My cũng nên chú trọng đến việc phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín để tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh yêu cầu các địa phương bằng mọi cách phải ổn định đời sống nhân dân bằng các chương trình hỗ trợ, chính sách phù hợp hằng năm. Lãnh đạo các địa phương cần xây dựng kế hoạch tập trung giảm nghèo, triển khai thực hiện việc đầu tư, hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách của Nhà nước.

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tháo gỡ khó khăn cho miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO