Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp được đặt lên hàng đầu

TRỊNH DŨNG 12/07/2023 08:07

(QNO) - Làm thế nào để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đưa nền kinh tế địa phương thoát khỏi cơn suy thoái là điều đại biểu quan tâm nhiều nhất tại phiên thảo luận tổ chiều 11/7.

Bà Nguyễn Thị Thu Lan - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam phát biểu ý kiến. Ảnh: T.D
Bà Nguyễn Thị Thu Lan - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam phát biểu ý kiến. Ảnh: T.D

Báo cáo kinh tế - xã hội trình bày tại kỳ họp cho thấy khó khăn bủa vây doanh nghiệp và nền kinh tế địa phương. Các động lực chính của tăng trưởng như xuất khẩu, FDI, sản xuất công nghiệp giảm sâu, đang trên đà suy thoái... đã khiến nhiều đại biểu lo lắng, chưa thể yên tâm.

Nhiều câu hỏi sẽ phải làm gì, làm như thế nào để có thể tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, đơn giản hóa các thủ tục hồ sơ thực hiện các dự án bất động sản, liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, đấu thầu, đấu giá... để đưa nền kinh tế phát triển vẫn khó có câu trả lời thỏa đáng.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, tổng lượt khách tham quan, lưu trú tăng, nhưng chi tiêu của khách giảm nhiều nên doanh nghiệp vẫn khó khăn. Nhiều khách sạn, nhà hàng bị ngân hàng phát mãi để thu hồi tiền nợ. Có cách gì để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp du lịch và bất động sản. Dân Hội An mong muốn có cơ chế cho địa phương đủ điều kiện xây dựng thành công thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch. Cơ chế không phải là đầu tư, vốn... mà chính là tạo điều kiện cho địa phương giữ lại các làng nghề, bản sắc địa phương.

Nguồn vật liệu cát đất thiếu nguồn cung và tăng giá vẫn là điểm nghẽn. Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn nói, giá vật liệu từ mỏ đến chân công trình tăng đột biến. Một doanh nghiệp cho biết nếu chỉ làm gói thầu 40 tỷ đồng thì lỗ đến 10 tỷ đồng. Nhiều nhà thầu xin rút hoặc dừng thi công. Vì nếu làm là lỗ. Không cách gì cứu vãn. Trong khi đó, giải ngân càng ngày càng khó khi giá cước vận chuyển thị trường cao hơn nhiều so với giá công bố. Cần chỉ đạo sớm tháo gỡ mới có nhà thầu tham gia dự án và giải ngân.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Lan - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, sự sụt giảm ngân sách vì phụ thuộc quá nhiều vào Tập đoàn Thaco Trường Hải. Nếu cứ phụ thuộc, không tìm ra hướng khác, nguồn bù đắp thì không chỉ năm này mà năm khác cũng sẽ luôn bấp bênh, ảnh hưởng đến ngân sách và tăng trưởng.

Theo bà Lan việc thiếu thuốc men, vật tư y tế hay chương trình sữa học đường không triển khai được. Một bệnh viện 7 tầng hiện đại nhưng không đưa vào sử dụng được vì thiếu thiết bị, liên quan đến cơ chế đấu thầu thì cần phải nhanh chóng có cách giải quyết.

Ông Lâm Quang Thành - Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh trình bày ý kiến. Ảnh: T.D
Ông Lâm Quang Thành - Phó Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh trình bày ý kiến. Ảnh: T.D

Điều lo lắng của ông Lâm Quang Thành - Phó Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh là giải ngân vốn đầu tư quá thấp liên quan đến hồ sơ, thủ tục rườm rà, miền núi thiếu cán bộ thẩm định hồ sơ trước lượng dự án quá nhiều. Còn đồng bằng thì thiếu cán bộ TN-MT. Cần tổ chức thi tuyển công chức. Các thủ tục rườm rà, phức tạp của việc đưa được mỏ khoáng sản vào hoạt động cần giải pháp tháo gỡ để có thể đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải ngân...

Ông Nguyễn Tri Ấn - Bí thư Huyện ủy Núi Thành nói mục tiêu quan trọng nhất, cũng là chuyện được đem ra "mổ xẻ" nhiều nhiều nhất là hỗ trợ doanh nghiệp tìm đầu ra, nguyên liệu đầu vào, giải ngân, thu hút đầu tư, tùy chỉnh lại đơn giá đất, kích cầu tiêu dùng, gỡ khó cho doanh nghiệp để đưa nền kinh tế vào quỹ đạo tăng trưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp được đặt lên hàng đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO