Tháo gỡ những điểm nghẽn

VINH ANH 24/12/2018 05:14

Kết thúc năm 2018, Phú Ninh đạt và vượt chỉ tiêu về thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người…, tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu cơ bản khác của huyện, nhất là xây dựng nông thôn mới (NTM) và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ chưa đạt kế hoạch đề ra.

Quang cảnh kỳ họp thứ 11, HĐND huyện Phú Ninh khóa XI. Ảnh: VINH ANH
Quang cảnh kỳ họp thứ 11, HĐND huyện Phú Ninh khóa XI. Ảnh: VINH ANH

Hai năm liên tiếp vượt thu ngân sách

Kỳ họp lần thứ 11 - kỳ họp cuối năm với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và kế hoạch năm 2019 của HĐND huyện Phú Ninh khóa XI vừa kết thúc cách đây ít ngày. Theo đánh giá tại kỳ họp, năm nay dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của huyện đã đạt được những kết quả khả quan. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực.

Cụ thể, tổng giá trị sản xuất của huyện đạt 5.989 tỷ đồng (đạt 98% kế hoạch); thu nhập bình quân đầu người đạt 36,5 triệu đồng/năm (cao hơn năm 2015 là 10,5 triệu đồng); tổng thu ngân sách đạt 134,7 tỷ đồng (đạt 132% dự toán tỉnh giao, 107% dự toán HĐND huyện giao, tăng 9,5 tỷ đồng so với năm 2017); tổng vốn đầu tư tăng hơn 10% kế hoạch đề ra... Là năm bản lề của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020) nên kết quả đạt được năm 2018 có ý nghĩa quan trọng để Phú Ninh hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm kỳ 2015 - 2020, đặc biệt các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX đã đề ra.

Ông Nguyễn Phi Thạnh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết, năm 2018 là năm thứ 2 liên tiếp, kế hoạch thu ngân sách trên địa bàn huyện vượt chỉ tiêu. Nhờ vượt thu nên trong năm huyện đã tập trung nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển, khi kế hoạch đặt ra đầu năm chỉ 48 tỷ đồng nhưng đến cuối năm tăng lên 100 tỷ đồng. Đồng thời dành nguồn lực để tập trung xử lý nợ. Nếu cuối 2016 nợ trên địa bàn huyện là 150 tỷ đồng (ngân sách huyện, xã nợ khoảng 100 tỷ đồng, còn lại ngân sách tỉnh), thì đến nay chỉ còn 90 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện nợ 16 tỷ đồng, xã 33 tỷ đồng. “Như vậy, năm 2018, huyện vừa kiểm soát được nợ vừa có điều kiện để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng”  - ông Thạnh nhấn mạnh.

Tháo gỡ điểm nghẽn

Như đã nhấn mạnh từ đầu, năm 2018 Phú Ninh vẫn còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch. Ông Nguyễn Phi Thạnh cho rằng, cần phải có giải pháp quyết liệt, kịp thời để tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tiên là những tồn tại trên lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản, đền bù giải phóng mặt bằng,... với nhiều vụ việc kéo dài, phát sinh chưa được giải quyết dứt điểm. UBND huyện nhận trách nhiệm và quyết tâm sẽ cố gắng xử lý để tập trung cho nhiệm vụ phát triển kinh tế.
Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, ông Thạnh cho biết, muốn tăng tốc độ phát triển, cần phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai các dự án đã được đầu tư. Bài học năm 2018 cho thấy, có doanh nghiệp đã bồi thường cho dân xong nhưng cuối cùng phải làm đơn rút khỏi dự án vì cơ chế đất đai, tiền thuê đất không chịu nổi. Mặc dù việc quy hoạch đã thống nhất từ địa phương lên tỉnh nhưng khi doanh nghiệp xuống dân, lấy ý kiến cộng đồng dân cư thì bị vướng không triển khai được như dự án chăn nuôi heo ở Tam Thành, Tam Lộc. “Rà soát lại, UBND huyện nhận thấy, để doanh nghiệp tự làm việc với dân là nguyên nhân gây chậm trễ. Do đó, năm 2019, UBND huyện sẽ làm việc với doanh nghiệp, sau đó trực tiếp lấy ý kiến người dân. Chúng ta không thể để nhiều doanh nghiệp vào Phú Ninh mới đầu thì dễ nhưng khi triển khai thì gặp trục trặc. Việc này, cần chính quyền cơ sở xem xét thật kỹ, bên cạnh tôn trọng ý kiến thì phải giải thích, thuyết phục để người dân hiểu, chứ không thể xuôi chiều được” - ông Thạnh nói.

Đến nay, Phú Ninh có 5 xã không đảm bảo tiêu chí NTM theo Quyết định số 756 của UBND tỉnh; 10 thôn điểm khu dân cư NTM kiểu mẫu không hoàn thành (mới đạt 6,4 tiêu chí/thôn), các thôn thứ 2 đạt 3,6 tiêu chí/thôn; kế hoạch xây dựng 2 xã NTM kiểu mẫu Tam Phước và Tam Thái chưa được thực hiện. Nguyên nhân chính là chưa thuyết phục được nhân dân trong triển khai thực hiện. “Dù địa phương có lấy ý kiến nhân dân nhưng mỗi thôn 300 hộ mà chỉ có 50 hộ dự họp thì số còn lại không thể nắm được phương án. Trong khi đó, một số cán bộ khi nói với dân, dân không hiểu, thậm chí cán bộ đó cũng không hiểu về chương trình NTM” - ông Thạnh lý giải. Chính vì vậy, phải tăng cường cán bộ xuống dân, phổ biến việc xây dựng NTM để dân quyết định, giám sát và tham gia thực hiện; đồng thời phát huy vài trò nêu gương của cán bộ đảng viên trong việc tuyên truyền vận động, hiến kế cho khu dân cư vì họ tiếp cận được các chủ trương, chính sách về xây dựng NTM.

VINH ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tháo gỡ những điểm nghẽn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO