Xuất khẩu lao động tại chỗ, sắp xếp cư dân miền núi gắn với nông thôn mới được cho là những sáng kiến mới mẻ, hợp lý nhất để tạo động lực phát triển cho các dự án, kết nối liên vùng… Đây là một trong số các nội dung quan trọng đã được phân tích, mổ xẻ tại Hội nghị Tỉnh ủy tổ chức ngày 30.6.2016
Chỉ đạo và điều hành linh hoạt
Năm báo cáo quan trọng đã được trình bày tại hội nghị. Hầu hết đại biểu tham dự hội nghị đều cho rằng chính sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và sự điều hành linh hoạt của chính quyền, các cơ quan quản lý cho thấy sự thay đổi lớn trong việc thực thi các nghị quyết tốt nhất và hợp với thực tiễn. Những lời cam kết, ký thác triệt để và cụ thể của chính quyền đã xác lập niềm tin của người dân. Tất cả mệnh lệnh hành chính đều tính đến sinh kế, sự phát triển của cả cộng đồng Quảng Nam, chứ không phải là chiến dịch hay chương trình vận động, áp đặt mục tiêu các con số năm sau cao hơn năm trước. Một điều dễ nhìn thấy là việc thực thi các nghị quyết đã thực sự hướng vào việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của nền kinh tế và hiệu lực phát triển của ba mũi đột phá, phát triển đô thị lẫn chất lượng của đội ngũ cán bộ hiện tại.
Ba mũi đột phá sẽ tiếp tục được thực hiện. TRONG ẢNH: Cầu Cửa Đại hoàn thành và đưa vào sủ dụng. Ảnh: T.DŨNG |
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng qua đã tăng 11,7%, cao hơn cả chỉ tiêu kế hoạch năm 2016. Tổng thu ngân sách hơn 7.650 tỷ đồng (thu nội địa hơn 5.200 tỷ đồng, hơn 59% và tất cả lĩnh vực thu đều đạt, vượt kế hoạch). Nguồn vốn, không chỉ từ ngân sách mà còn thu hút thêm nhiều nguồn vốn từ khu vực tư nhân, ODA, FDI, NGO... Nỗ lực này đã đưa tổng vốn đầu tư toàn xã hội gần 10.000 tỷ đồng, bằng 44,7% kế hoạch năm, chiếm 34% GRDP, tăng trên 4% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng này được cho là không cao, thấp hơn so với kế hoạch, nhưng tất cả nguồn vốn đều tăng, nhất là vốn FDI đã cho thấy những giải pháp huy động các nguồn lực đầu tư phát triển đã phát huy hiệu quả.
Việc hoàn thành cầu Cửa Đại, đường ven biển 129, cầu Cẩm Kim hay cấp điện lưới quốc gia cho Cù Lao Chàm hoặc sự khởi động của các dự án đầu tư trọng điểm... đã có thể xác lập vị thế mới cho Quảng Nam trong việc biến các vùng đất khó khăn thành những trung tâm phát triển động lực trong tương lai. Những hình ảnh ấn tượng ấy cho thấy vốn nhà nước đã được đổ vào các dự án đầu tư đúng như quy hoạch, chấm dứt đầu tư dàn trải và gỡ rối phần nào việc tìm vốn trả nợ đầu tư công. Trong một diễn trình khác, việc mở rộng hay định hình đô thị là nhu cầu tất yếu của xu thế phát triển, quan điểm khó hội đủ điều kiện để phát triển nên những đô thị lớn, không phát triển đô thị bằng mọi giá và quy hoạch chất lượng để tạo nên những đô thị động lực, vùng miền giàu bản sắc hay cụ thể hơn là hình thành các chuỗi đô thị, cụm đô thị nhỏ. Đặc biệt, không gian phát triển đô thị được hình thành và phát triển theo hướng, theo các khu vực (đồng bằng ven biển, trung du gò đồi và miền núi), đồng thời phát triển theo các trục không gian kinh tế động lực đông - tây và bắc - nam, gắn kết chặt chẽ với khung không gian phát triển của TP.Đà Nẵng và Khu kinh tế Dung Quất… trên thực tế đã được chứng minh.
Phát triển đô thị, tạo lập các dự án cho miền núi là một trong những yêu cầu quan trọng. |
Xác lập động lực phát triển
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang nói, việc xây dựng kế hoạch, dự báo, thu xếp nguồn vốn, tiếp tục phân cấp, phân quyền gắn với cơ chế trách nhiệm của các cấp ủy địa phương và người đứng đầu bộ máy đã tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội Quảng Nam duy trì sự ổn định và tăng trưởng khả quan. Những điểm nghẽn của nền kinh tế như thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn Quảng Nam thông thoáng, bền vững và có sức cạnh tranh lớn đã được nhận diện. Nỗ lực ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhiều chương trình, đề án phát triển nguồn nhân lực đã được triển khai thực hiện rộng khắp, môi trường đầu tư cải thiện, bằng chứng rõ nhất là các chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hiệu quả quản trị và hành chính công đã được nâng lên đáng kể. Sự đổi mới hay đúng hơn là cải thiện về mặt hành chính, thể chế này chắc sẽ nhận được sự ủng hộ từ phía các nhà đầu tư, giới truyền thông, góp phần tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu, triển khai dự án. Dấu ấn đổi mới này đã mang thêm nhiều thông tin đến các nhà đầu tư khác đang có ý định đầu tư hoặc quan tâm đến tình hình đầu tư tại Quảng Nam.
Tuy nhiên, các đại biểu thừa nhận vẫn tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư mới chỉ đạt 35% là quá thấp, việc đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu kém nhưng chậm được khắc phục, chất lượng công tác quy hoạch chưa cao, nhân lực thiếu hụt, chất lượng chưa đáp ứng các dự án đầu tư và nhu cầu phát triển, thu nhập, mức sống thấp, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nhiều tập tục lạc hậu vẫn còn khá nhiều ở miền núi. Tất cả đều thấy cần thiết phải có một đánh giá hiệu quả các chương trình, dự án, kế hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách an sinh, xã hội và các cuộc vận động để đưa ra những kinh nghiệm. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang đặt ra câu hỏi, rằng sẽ ưu tiên lựa chọn các đô thị nào để tập trung đầu tư trở thành động lực lan tỏa, liên kết, hỗ trợ cho khu vực miền núi, nông thôn, hải đảo phát triển? Cần gì để phát triển nguồn nhân lực, nhất là chất lượng cao? Làm thế nào để đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, miền núi? Cách gì để duy trì chỉ số PCI, PAPI luôn nằm trong nhóm tốt, huy động nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng? Những dự án vùng tây sẽ được định hình, cần những cơ chế, chính sách gì để tạo đột phát phát triển nhanh, bền vững trong tương lai?
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang, sẽ tiếp tục thực hiện 3 mũi đột phá. Sau những chương trình dự án vùng đông thì phát triển dự án vùng tây là điều cần thiết. Cần tư duy, quan điểm tiếp cận và xử lý hiệu quả để làm sao có được nguồn lực lao động chất lượng theo hướng chuyển dịch lao động từ vùng trung du, miền núi về đồng bằng, thay vì đưa lao động đi xuất khẩu. Thực hiện được điều này sẽ nhanh chóng giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân và gián tiếp xóa đói giảm nghèo cho cư dân miền núi. Xuất khẩu lao động tại chỗ hay sắp xếp dân cư miền núi gắn với đầu tư xây dựng nông thôn mới là những sáng kiến rất mới, hợp lý để tạo động lực phát triển
Tất cả những điều đã được đem ra mổ xẻ, phân tích tại Hội nghị Tỉnh ủy lần này là những thách thức cần được giải tỏa cho việc toan tính, đặt ra các chỉ tiêu phù hợp với sự thay đổi của thị trường, năng lực nội sinh của chính doanh nghiệp và nền kinh tế. Các cơ quan thừa hành cần trả lời cho được câu hỏi làm thế nào để phát triển một cách bền vững khi nguồn lực ngân sách đầu tư ngày càng hạn hẹp!
TRỊNH DŨNG