(QNO) - Chiều 7/8, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì cuộc họp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan về gỡ khó các khó khăn, vướng mắc, hướng đến chất lượng đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN).
Thống kê từ Ban Quản lý các khu kinh tế & khu công nghiệp Quảng Nam, tính đến tháng 7/2023, Quảng Nam có 13 KCN với tổng diện tích 3528 ha. Tổng vốn thực hiện đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khoảng 4.280 tỷ đồng/ 9.487 tỷ đồng đăng ký (chiếm 45%). Trong đó, 9 KCN đã hoạt động, 4 KCN đang thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Các KCN được phê duyệt quy hoạch đã cho thuê 926,31ha/ 2.592ha đất công nghiệp. Tỷ lệ lấp đầy khoảng 40%. Hiện nay còn khoảng 247ha đất công nghiệp đã giải phóng mặt bằng, đầy đủ hạ tầng có thể cho thuê.
Những vướng mắc của các KCN tập trung vào công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất công nghiệp, chỉ tiêu đất KCN, công tác quy hoạch, nhất là gặp khó khăn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Theo Sở Công Thương, Quảng Nam hiện có 58 CCN với tổng diện tích 1638,15ha, với 53 CCN đã quy hoạch chi tiết, diện tích đất công nghiệp khoảng 1.071,43ha/ 1.467,90ha tổng diện tích. Tổng vốn đầu tư hạ tầng đã thực hiện 902,527/ 3.286,7 tỷ đồng đã được phê duyệt. Trong đó, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trug ương và địa phương khoảng 420,585 tỷ đồng. Diện tích đất đã đăng ký cho thuê khoảng 258,31ha
Hầu hết CCN đều gặp khó trong việc lập thủ tục mở rộng hoặc bổ sung, giải quyết phần tài sản của nhà nước và tư nhân đầu tư. Thiếu quy định cụ thể, nên chưa thể thực hiện được việc thu phí sử dụng hạ tầng CCN. Không có đường đấu nối quốc lộ, thiếu hệ thống xử lý nước thải, hoặc vướng mắc vì nằm trong quy hoạch 3 loại rừng. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp gặp trở ngại khi chuyển đổi một phần sản xuất sang cho thuê nhà xưởng...
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương liên quan rà soát các quy hoạch, khu biệt lại tài sản nhà nước, giao doanh nghiệp quản lý, sử dụng, tiếp tục thu hút đầu tư vào các KCN, CCN. Các địa phương tự cân đối kinh phí đầu tư hạ tầng; giới hạn thu hút đầu tư một số ngành nghề, không gây ô nhiễm môi trường; rà soát, tổng hợp báo cáo số lượng đất bị vướng quy hoạch 3 loại rừng, trình kỳ họp HĐND sắp đến.
Các chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng trong các KCN, CCN tiến hành phân nhóm các vướng mắc, khó khăn, đề xuất để chính quyền tháo gỡ. Tổng hợp việc thiếu hụt đất các KCN để Chính phủ bổ sung. Ban Quản lý các khu kinh tế & khu công nghiệp phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát, đánh giá các KCN có thực hiện được các diện tích đã giao cho doanh nghiệp hay không. Nếu không thể gỡ được thì báo cáo Chính phủ điều chỉnh giảm...