(QNO) - Vừa qua, Thông tư số 45/2019/TT-BTC quy định quản lý tài chính thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp (KN) sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) do Bộ Tài chính ban hành chính thức có hiệu lực. Trong đó, kinh phí thuê chuyên gia, kinh phí hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp KN sáng tạo và cơ chế để triển khai đề án tại địa phương là 3 điểm đặc biệt cần lưu ý.
Hỗ trợ tài chính ban đầu cho startup
Ông Nguyễn Việt An - phụ trách quản lý và hỗ trợ nhiệm vụ Đề án 844 - Bộ Khoa học và công nghệ cho biết, với đặc thù sáng tạo, đổi mới, song hành với tính rủi ro cao, từ kinh nghiệm quốc tế, các startup rất cần sự vào cuộc của Nhà nước trong việc cung cấp vốn mồi và hỗ trợ các dịch vụ cần thiết để cải thiện chất lượng và gia tăng tốc độ phát triển, tiến tới gọi vốn từ nhà đầu tư. Với quan điểm này, Thông tư 45 đã quy định việc hỗ trợ startup thông qua hỗ trợ kinh phí sử dụng dịch vụ, tham gia các khóa huấn luyện ở nước ngoài, hỗ trợ trả tiền công lao động trực tiếp; hỗ trợ một phần kinh phí sản xuất thử nghiệm, làm sản phẩm mẫu, hoàn thiện công nghệ...
Trong đó, các startup có thể nhận hỗ trợ bằng cách sử dụng dịch vụ, tham gia hoạt động của các tổ chức hỗ trợ đang thực hiện nhiệm vụ của Đề án 844. Tham gia các chương trình hỗ trợ KN sáng tạo do địa phương triển khai. Hoặc đề xuất và đăng ký thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hàng năm theo quy định của Bộ Khoa học và công nghệ.
Bên cạnh đó, Đề án 844 cũng làm rõ các loại hình dịch vụ startup được nhận hỗ trợ trong gói dịch vụ tối đa 80 triệu đồng/doanh nghiệp quy định trong Thông tư 45. Bao gồm: đào tạo, huấn luyện KN; marketing, quảng bá sản phẩm, dịch vụ; khai thác, thông tin công nghệ, sáng chế; thanh toán, tài chính; đánh giá, định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ. Hiện tại, các gói dịch vụ này được Đề án 844 giao cho các tổ chức trung gian tham gia thực hiện đề án triển khai trực tiếp với startup.
Đầu tư cho chuyên gia hỗ trợ KN
Theo ông Nguyễn Việt An, Thông tư 45 cũng tập trung vào đội ngũ chuyên gia KN sáng tạo. Cụ thể, các nhóm đơn vị được hỗ trợ nhiều nhất có thể kể đến là các tổ chức ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh cho KN sáng tạo; tổ chức cung cấp thiết bị dùng chung; trường đại học, viện nghiên cứu; các cơ quan truyền thông; các tổ chức cung cấp dịch vụ, đầu tư cho KN sáng tạo và các tổ chức chính trị - xã hội khác có kinh nghiệm và quy trình hỗ trợ KN phù hợp trong chức năng nhiệm vụ.
Đặc biệt, các tổ chức hỗ trợ KN sáng tạo khi tham gia đề án sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí thuê chuyên gia đào tạo và chuyên gia kết nối mạng lưới KN trong các hoạt động. Đối với chuyên gia trong nước, không quá 15 triệu đồng/chuyên gia/khóa đào tạo và không quá 10 triệu đồng/chuyên gia/chương trình kết nối. Ngoài ra, thông tư không quy định mức tối đa kinh phí thuê chuyên gia nước ngoài, mức hỗ trợ sẽ căn cứ vào thực tế đàm phán giữa tổ chức chủ trì nhiệm vụ và chuyên gia nước ngoài, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
“Việc này được đánh giá là bước thay đổi về mặt bản chất trong nguyên tắc hỗ trợ tài chính của Đề án 844. Thay vì hỗ trợ kinh phí cho công tác tổ chức các hoạt động như trước đây thì đề án sẽ tập trung vào hỗ trợ chuyên gia chất lượng cao cho hệ sinh thái, kéo yếu tố quốc tế về Việt Nam và góp phần đưa startup Việt Nam cạnh tranh trên thế giới” - ông An cho biết thêm.
Hỗ trợ KN tại địa phương
Ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ, Tổ trưởng Tổ công tác hỗ trợ KN sáng tạo tỉnh Quảng Nam từng góp ý với Văn phòng Đề án 844 về việc vẫn còn khó khăn về kinh phí cho giải thưởng và cuộc thi KN sáng tạo tại tỉnh. Và thông tư mới đã quy định nội dung hỗ trợ địa phương tổ chức các cuộc thi KN sáng tạo, trong đó kinh phí ưu tiên sử dụng nguồn xã hội hóa, đảm bảo hiệu quả. Thông tư cũng cho phép ngân sách địa phương chi hỗ trợ sửa chữa, lắp đặt hạ tầng công nghệ thông tin cho khu tập trung dịch vụ hỗ trợ hoạt động KN sáng tạo địa phương với mức hỗ trợ không quá 1 tỷ đồng/dự án.
“Sau hơn 2 năm tiến hành kêu gọi các đơn vị tham gia thực hiện nhiệm vụ, vì chưa có quy định tài chính chính thức, Đề án 844 vẫn đang triển khai bằng cách áp dụng hiệp y tài chính được Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Khoa học và công nghệ tại Công văn số 5321/BTC-HCSN ngày 24.4.2017. Việc Thông tư 45 về quản lý tài chính thực hiện Đề án 844 ra đời thể hiện nỗ lực của các cơ quan quản lý trong tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho việc hỗ trợ hệ sinh thái KN đổi mới sáng tạo phát triển, cũng như góp phần giúp việc hỗ trợ phát triển hệ sinh thái KN trên địa bàn tỉnh được thực hiện ngày càng đúng định hướng và hiệu quả theo chỉ đạo của Chính phủ” - ông Sinh nói.