Gần 20 năm trước, 35 hộ dân ở thôn Vĩnh Bình xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) tự nguyện ra bãi cát trắng Thao Lao ở bên kia Sông Đầm làm ăn sinh sống. Và họ đã biến bãi tha ma thành vùng đất trù phú, quanh năm sum sê hoa trái.
Thao Lao ngày ấy
Ngày ấy, Thao Lao là một bãi cát trắng hoang vu ở xã Tam Thăng, mùa nắng hầu như không có người qua lại bởi cách trở đò sông và cát nóng rát bỏng bàn chân nên chẳng mấy ai nghĩ đến việc phát triển kinh tế trên vùng đất này. Tháng 4. 2000, Ban định canh định cư (ĐCĐC) Quảng Nam tiến hành điều tra thổ nhưỡng, khí hậu, đo đạc diện tích và tham mưu UBND tỉnh quyết định đầu tư xây dựng khu kinh tế trang trại. Theo đó, mỗi hộ được Ban ĐCĐC tỉnh hỗ trợ cho vay 3 triệu đồng trong thời gian 3 năm không tính lãi, UBND thị xã Tam Kỳ lúc bấy giờ hỗ trợ 1,5 triệu đồng để làm đường giao thông, kéo điện, đóng giếng và Phòng NN&PTNT thị xã hỗ trợ 4.000 cây keo lá tràm nhằm giúp bà con nhanh chóng phủ xanh cát trắng. 35 hộ dân tự nguyện ra đấy làm ăn sinh sống nhưng không ít hộ thấy Thao Lao toàn cát là cát nên do dự không muốn đi.
Cha con ông Lê Văn Nhí chăm sóc hoa để kịp phục vụ tết. |
Ông Trương Minh Hạnh - nguyên Chủ tịch UBND xã Tam Thăng nhớ lại, trước tình hình đó, xã động viên 10 hộ là cựu chiến binh làm gương đi trước, trong đó ông Hạnh là người đầu tàu đi xây dựng làng kinh tế mới. Tuy nhiên, điều kiện đi lại rất khó khăn vì phải vượt qua Sông Đầm có đoạn rất sâu. “Cái khó ló cái khôn”, ông Trương Minh Hạnh lại vận động các hộ bỏ tiền mua xi măng, sắt thép đúc trụ, đóng góp ngày công làm cầu rộng 2m bắc qua Sông Đầm nối liền thôn Vĩnh Bình và khu kinh tế trang trại Thao Lao. Có cây cầu, bà con đi lại, vận chuyển nguyên vật liệu để xây dựng nhà cửa, phân bón, con cây giống để sản xuất, chăn nuôi… thuận lợi hơn. Nhờ thế, nhà cửa, vườn tược được tạo lập, các hộ dân còn chần chừ do dự lần lượt về định cư tại làng mới góp phần xây dựng “làng mới” Thao Lao. Ông Trương Minh Hạnh nhớ lại, nếu như không có những người đi tiên phong, dự án xây dựng khu kinh tế trang trại Thao Lao chắc sẽ không thực hiện được. Bởi đấy là bãi tha ma, không có một bóng cây che mát, điều kiện đi lại khó khăn, mùa nắng thì cháy bỏng không có nước tưới. Chính những gia đình cựu chiến binh là những người góp phần làm nên bức tranh đẹp về “làng mới” Thao Lao bây giờ.
Và bây giờ
Nhiều mô hình chăn nuôi gà đệm lót sinh học được áp dụng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: N.Đ.N |
Nhờ đoàn kết và chịu thương chịu khó, chỉ trong một thời gian ngắn, 35 hộ dân đã làm hồi sinh vùng cát Thao Lao. Mỗi hộ được cấp 1ha đất cát làm ăn bây giờ đã có nhà xây mái ngói, cây cầu bê tông vĩnh cửu bắc qua Sông Đầm và tuyến đường nhựa chạy giữa làng do Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đầu tư xây dựng đã mở ra hướng phát triển mới trong tương lai. “Đất đã không phụ công người”, đến nay đã có hàng ngàn cây xoài ghép, đào lộn hột, nhãn lồng, bưởi, ổi, chanh, chuối… cùng hàng trăm giàn bầu bí đã phủ xanh vùng cát trắng. Nhiều hộ mới đầu chỉ mang theo vài con heo, ổ gà để làm vốn, đến nay đã phát triển lên hàng chục đàn gia súc, gia cầm đem lại lợi nhuận cao. Bà Phạm Thị Thuận cho biết, do tuổi cao, vốn liếng không nhiều nên gia đình bà chỉ đầu tư trồng một ít cây ăn quả, nuôi 5 con bò và 3 con trâu đẻ, vài trăm con gà, thu nhập ngót nghét mỗi năm cũng được gần 80 triệu đồng. Những năm trước đây, gia đình bà phải ăn khoai ăn củ, nay được ăn cơm trắng, cá tươi, cuộc sống khá hơn trước nhiều. Còn ông Lê Văn Nhí cho cho hay, với hơn 5.400m2 đất được giao, những năm đầu ông trồng cây đào lộn hột, xoài, nhãn cùng một số cây ăn quả khác và chăn nuôi gia cầm. Năm 2010 đến nay, ông đầu tư trồng 3 sào cỏ, trong chuồng luôn có 4 con bò, 2 con trâu đẻ, thường xuyên có 4.000 con gà, 3.000 con vịt siêu thịt. “Năm nay, gia đình tôi trồng được 500 chậu hoa cúc, 100 chậu thược dược, 1.000 chậu hoa vạn thọ, 200 chậu hoa mắt nai để bán trong dịp Tết Đinh Dậu 2017, ước tính thu nhập khoảng 200 triệu đồng” - ông Lê Văn Nhí nói.
Tết Đinh Dậu 2017 đến gần, bà con nông dân nơi đây càng tất bật với công việc đồng áng và chăn nuôi để kịp đưa ra thị trường hoa cây cảnh và các vật nuôi, đồng thời lo quét dọn, tu sửa nhà cửa để đón tết cổ truyền của dân tộc. Bận rộn với công việc nhưng mọi người đều rất vui bởi đang ăn nên làm ra…
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC