Thảo luận giải pháp chỉnh trị dòng chảy tại sông Quảng Huế

QUỐC TUẤN 26/05/2018 13:56

(QNO) - Hội thảo trao đổi - đối thoại lần thứ 5 dự án "Hỗ trợ xây dựng thể chế liên tỉnh để nâng cao khả năng chống chịu ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn" tập trung phân tích sự thay đổi thủy văn dòng chảy, đề xuất các giải pháp chỉnh trị tại sông Quảng Huế.

Hội thảo diễn ra vào sáng 25.5 tại Trung tâm Hành chính Đà Nẵng, với sự tham dự của lãnh đạo TP.Đà Nẵng, các sở, ban ngành liên quan của Quảng Nam, Đà Nẵng cùng nhiều chuyên gia.

Số ngày nhiễm mặn trong năm tại Nhà máy nước Cầu Đỏ (TP.Đà Nẵng) đã tăng lên khá nhiều trong những năm gần đây. Ảnh: Q.T
Số ngày nhiễm mặn trong năm tại Nhà máy nước Cầu Đỏ (TP.Đà Nẵng) đã tăng lên khá nhiều trong những năm gần đây. Ảnh: Q.T

Thiệt hại nặng

Trong những năm qua, biến đổi khí hậu cùng với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Nam và Đà Nẵng đã tác động mạnh mẽ đến hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn. Nhất là làm thay đổi, biến động lòng dẫn và phân phối điều hòa nguồn nước đã làm ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội và cộng đồng dân cư của hai địa phương.

Sau trận lụt lịch sử năm 1999, hiện tượng cắt dòng trên bãi sông tạo thành lạch Quảng Huế đã xảy ra tại xã Đại Cường, huyện Đại Lộc. Từ đó, cửa vào sông Quảng Huế cũ bị bồi lấp nặng vào mùa khô. Sông Quảng Huế mới được hình thành gây xói lở mạnh khu vực ven sông, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của cộng đồng cư dân khu vực này.

Ngoài ra, từ thời điểm đó nguồn nước cung cấp cho hầu hết hệ thống thủy nông, trạm bơm điện các huyện phía bắc Quảng Nam bị cạn kiệt. Hơn 40 trạm bơm điện đảm bảo nước tưới cho gần 10 nghìn héc ta đất nông nghiệp Quảng Nam và Đà Nẵng thiếu hụt nước để hoạt động. Chưa kể, nguồn nước sinh hoạt ở hạ du sông Vu Gia, nhất là TP.Đà Nẵng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông Hoàng Thanh Hòa - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho biết, từ năm 2000 đến 2007 chỉ có 26 ngày Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng bị nhiễm mặn; nhưng 9 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm có tới 80 ngày bị nhiễm mặn và có chiều hướng ngày càng tăng cao qua thời gian.

Nỗ lực chỉnh trị sông Quảng Huế

Từ năm 2002, Bộ NN&PTNT đã xử lý tình thế khu vực Vu Gia tại Quảng Nam nhằm chặn một phần lạch Quảng Huế mới không cho dòng chảy ứng với mực nước thấp dồn đổ sang sông Thu Bồn, để đảm bảo đủ nước cho hạ du Vu Gia, đặc biệt là TP.Đà Nẵng.

Sông Vu Gia cung cấp nước cho TP,Đà Nẵng thường xuyên thiếu hụt nước nghiêm trọng. Ảnh: Q.T
Sông Vu Gia cung cấp nước cho TP.Đà Nẵng thường xuyên thiếu hụt nước nghiêm trọng vào mùa khô. Ảnh: Q.T

Trong giai đoạn 2 của việc chỉnh trị (2007 đến 2011), nhiệm vụ chủ yếu của các hạng mục công trình trong giai đoạn này hướng tới việc chống xói lở bờ sông Vu Gia để khắc phục sự cố cắt dòng tạo cửa sông mới, chặn dòng chảy sông Quảng Huế mới tới cao trình (+7m) và gia cố bờ, hỗ trợ.

Dự án này bước đầu phát huy tác dụng, đáp ứng các mục tiêu nhiệm vụ công trình đề ra. Tuy nhiên do diễn biến phức tạp của dòng sông Vu Gia - Thu Bồn, nhất là khu vực sông Quảng Huế nối giữa sông Vu Gia và Thu Bồn đã dẫn đến tình trạng biến động lòng dẫn, dòng chảy phức tạp trong mùa lũ và thiếu nước trầm trọng cho hạ du sông Vu Gia mùa kiệt.

Theo kết quả nghiên cứu của TS. Nguyễn Ngọc Đăng, PGS-TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh và PGS-TS. Trần Xuân Thái - Phòng Thí nghiệm trọng điểm quốc gia về động lực học sông, biển (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam), lòng sông Quảng Huế đã bị mở rộng thêm và bị xói sâu hơn (trung bình 3-4m), lưu lượng sông Vu Gia phân lưu về sông Quảng Huế tăng gấp đôi trong mùa cạn (từ 20% năm 1990 lên 40% năm 2012).

Cần hài hòa lợi ích chung

Tham dự hội thảo, ông Huỳnh Vạn Thắng - chuyên gia thủy lợi cho rằng: "Trước hết, không nên xem việc chỉnh trị dòng Quảng Huế chỉ đem lại lợi ích cho TP.Đà Nẵng, bởi hầu hết lưu lượng nước từ dòng Vu Gia phục vụ nông nghiệp, sinh hoạt cho Đại Lộc và Điện Bàn". 

Ông - Hoàng Ngọc Tuấn - Viện trưởng Viện Khoa học - thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Q.T
Ông Hoàng Ngọc Tuấn - Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Q.T

Nhóm chuyên gia nghiên cứu đến từ TP.Đà Nẵng đề xuất nhiều nội dung cần nghiên cứu trong dự án giải pháp chỉnh trị dòng Quảng Huế như: thiết lập mô hình thủy lực 1D và 2D mô phỏng dòng chảy, nếu cần can thiệp giải pháp công trình bằng đập dâng thì tính toán thử dần xác định cao trình phù hợp cho công trình chỉnh trị sông Quảng Huế, đề xuất các giải pháp công trình nâng cao khả năng cấp nước trong mùa cạn...

Tuy nhiên, theo TS. Hoàng Ngọc Tuấn - Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên, kinh phí thực hiện dự án này chỉ có 1,5 tỷ đồng theo như báo cáo là không khả thi, bởi đây là dự án lớn, ảnh hưởng đến khu vực rộng.

Một số đại biểu đến từ Sở NN&PTNT, Sở GT-VT Quảng Nam thì cho rằng, các thành viên trong nhóm dự án cần mạnh dạn mở rộng nghiên cứu toàn vùng ở cả thượng nguồn đến hạ du, nghiên cứu cả sự tác động của đô thị hóa, thủy điện, rừng đến lưu lượng nước về dòng Vu Gia. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng không nên vội vã áp đặt các giải pháp "cứng" đến việc chỉnh trị sông Quảng Huế, bởi sự tác động tiêu cực về lâu dài của nó là rất khó lường, nhất là khi bài học từ bãi biển Cửa Đại vẫn còn hiển hiện.

Còn ông Ngô Xuân Thế - Công ty CP Thủy điện A Vương cho biết, đơn vị đang thử nghiệm năm đầu tiên phần mềm lưu lượng đến và cảnh báo lũ sớm (hợp tác với Nhật Bản) để nâng cao khả năng điều tiết về nước về hạ du.

QUỐC TUẤN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thảo luận giải pháp chỉnh trị dòng chảy tại sông Quảng Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO