Hôm qua 14.4, trong phiên thảo luận tổ tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 3, nhiều ý kiến tập trung thảo luận việc thực hiện các nghị quyết liên quan đến dự án phát triển vùng đông, vùng tây và đề án xây dựng Tam Kỳ trở thành đô thị loại 1 thuộc tỉnh.
Ưu tiên giải tỏa mặt bằng
Triển khai Kết luận số 25, ngày 19.7.2016 của Tỉnh ủy về định hướng và giải pháp triển khai thực hiện các dự án trọng điểm tại vùng đông nam của tỉnh, nhiều địa phương cho rằng, các dự án trọng điểm vùng đông, cần đánh giá toàn diện hiệu quả liên vùng trong đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, sắp xếp dân cư.
Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất đối với dự án lớn, trọng điểm nhìn chung còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Nổi bật là dự án nạo vét luồng cảng Kỳ Hà (Núi Thành) hơn một năm nay… án binh bất động. Vì vây, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cần tập trung nguồn lực, nhân lực tiếp tục đầu tư hoàn thành dứt điểm các công trình trọng điểm đang dang dở, ách tắc mặt bằng.
Trong giai đoạn 2021 – 2025 ưu tiên số 1 là đầu tư dự án hệ thống đường ven biển, đường nối giữa đường ven biển với quốc lộ và đường cao tốc; các dự án đường đến vùng nguyên liệu.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng, cần phát triển vùng đông làm động lực để thúc đẩy phát triển cho cả tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tỉnh ủy xác định, sắp tới ưu tiên triển khai các dự án nạo vét sông Cổ Cò, Trường Giang; xây dựng các công trình cầu vượt sông, cầu vượt đường sắt, cầu vượt quốc lộ 1. Khớp nối các tuyến đông - tây để thuận lợi hơn trong phát triển vùng phía tây gắn với cơ cấu kinh tế công nghiệp chế biến - sản xuất nông nghiệp.
Ông Lê Quang Triều – Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho rằng, về dự án sắp xếp dân cư, tái định cư, nghĩa trang ven biển, Chính phủ đã phê duyệt từ năm 2008. Giai đoạn 2008 - 2018, vùng đông của tỉnh đã hoàn thành 56.000 lô cải táng mồ mả; ít nhất đầu tư sắp xếp 4 dự án dân cư tại Duy Xuyên, Thăng Bình. Hiện nay, tỉnh chủ trương giao lại các dự án tái định cư, dân cư cho các địa phương triển khai.
“Việc ban hành nghị quyết mới ở vùng đông, nhiệm vụ mục tiêu hàng đầu phải tính là ưu tiên công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, dù nội dung này không có gì mới. Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương xây dựng các khu tái định cư, khu nghĩa trang phục vụ các dự án vùng đông” – ông Triều nói.
Thực hiện “mục tiêu kép”
Ông Đoàn Văn Thông – Bí thư Huyện ủy Phước Sơn nêu thực tế: Việc sắp xếp dân cư miền núi cần tránh tác động san ủi địa hình để hạn chế sạt lở. Nhưng với các xã Phước Thành, Phước Kim thì không còn cách nào khác ngoài san ủi một phần địa hình đồi núi thấp.
“Về chính sách miền núi, cần ban hành cơ chế hỗ trợ tái định cư; hỗ trợ khuyến khích dân trồng rừng gỗ lớn. Hiện nay, Phước Sơn rất lúng túng trong việc xác định cây – con chủ lực. Trước đây tỉnh khuyến khích trồng cây cao su, nhưng giờ cao su không bền vững với miền núi; gần đây tỉnh xác định cây ăn quả ở một số nơi nhưng vẫn còn mơ hồ trong tìm đầu ra sản phẩm” – ông Thông nói.
Về đề xuất giải pháp đột phá cho miền núi, lãnh đạo huyện Nam Trà My kiến nghị cần thiết ban hành chính sách đủ hấp dẫn thu hút cho nông nghiệp miền núi, đào tạo nghề gắn với “trải thảm đỏ” cho doanh nghiệp đến đầu tư để giải quyết việc làm tại chỗ. Dự thảo nghị quyết lần này của Tỉnh ủy thay thế Nghị quyết số 05 về phát triển miền núi cũng cần cơ chế hỗ trợ trồng cây lấy gỗ làm nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số và trồng rừng gỗ lớn.
Góp ý cho dự thảo nghị quyết xây dựng thành phố tỉnh lỵ Tam Kỳ cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại 1 vào năm 2025; từng bước xây dựng đô thị sinh thái, thông minh và đạt tiêu chí đô thị loại 1 vào năm 2030, ông Văn Anh Tuấn – Giám đốc Sở GT-VT cho rằng, việc mở rộng không gian đô thị Tam Kỳ không chỉ dịch chuyển sang phía nam (Núi Thành), phía tây (Phú Ninh) mà nên mở rộng cả phía bắc (Thăng Bình). Các khu kinh tế góp phần cho phát triển đô thị.
“Quy hoạch không gian liên vùng ngay từ bây giờ phải tính đến điều chỉnh địa giới hành chính đô thị Tam Kỳ. Mở rộng địa giới hành chính và phấn đấu đạt tiêu chuẩn đô thị loại 1 phải tiến hành song song xem như “mục tiêu kép”. Muốn vậy, Tỉnh ủy cần thành lập ban chỉ đạo xây dựng đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh; cho cơ chế vượt trội phát triển hạ tầng đô thị Tam Kỳ” – ông Tuấn nêu giải pháp.
Theo Bí thư Thành ủy Tam Kỳ Trần Nam Hưng, muốn Quảng Nam thành tỉnh khá của cả nước đến năm 2030, tất yếu phải phát triển đồng bộ hệ thống đô thị, đặc biệt cần thiết phải xây dựng Tam Kỳ đạt đô thị loại 1 thuộc tỉnh.
Ông Hưng nói: “Một câu hỏi lớn của thành phố là nên điều chỉnh địa giới hành chính Tam Kỳ vào thời điểm nào là phù hợp. Chúng tôi sẽ không đi theo quy mô dân số, mật độ hạ tầng mà đi theo hướng đô thị đặc thù. Đó là đô thị xanh – sinh thái – thông minh, tập trung cho chất lượng cuộc sống cư dân đô thị. Cơ chế đặc thù cho đô thị loại 1 phải vượt trội và nhất quán và nên hoàn chỉnh trong năm 2021 để bắt tay làm ngay”.