Tại phiên thảo luận Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh hôm qua 8/12, những nội dung như giải ngân vốn đầu tư công chậm, giảm nghèo chưa thực sự hiệu quả, doanh nghiệp “ốm yếu”, rắc rối giải phóng mặt bằng... được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận sôi nổi.
Giải ngân chậm, do đâu?
Đại biểu Nguyễn Công Dũng - Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công chậm là do vướng quy định nên giải phóng mặt bằng, tái định cư kéo dài, mà cái cũ không tháo gỡ được nên làm cái mới càng khó.
“Huyện Duy Xuyên trước đây làm nhanh quá, song không có đất tái định cư. Khi có đất tái định cư thì dân không có “bìa đỏ” trong khi cần vay tiền không được. Vận động nhân dân hiến đất làm đường nhưng khó khăn trong việc làm hồ sơ đất đai. Bởi vậy, nhân dân thiếu niềm tin, vì hứa nhiều mà không làm được, không thuyết phục được người dân” - ông Dũng chia sẻ.
Tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Đức Dũng - Giám đốc Công an tỉnh giải thích thêm về thông tin tình hình ma túy tăng trong báo cáo năm 2022 được trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp HĐND tỉnh có thể khiến nhiều người băn khoăn. Theo đại biểu Dũng, số lượng có tăng nhưng không phải tình hình phức tạp hơn mà do ngành áp dụng đồng bộ các giải pháp quyết liệt phát hiện, xử lý nhiều hơn.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng cũng đặt vấn đề quản lý người bệnh tâm thần sau vụ một người tâm thần đâm chết cháu bé ở Quế Sơn. Tỉnh nên có đề án hỗ trợ, đưa vào cơ sở điều trị bệnh bệnh nhân tâm thần vì gia đình nghèo, bệnh viện tâm thần không đủ kinh phí điều trị lâu dài.
“Ngoài ra, vấn đề tài nguyên khoáng sản, trong đó có khai thác vàng vừa qua cũng “nóng” lên. Anh em làm quyết liệt nhưng rất khó, không thể có lực lượng để truy quét, bám thường xuyên trong núi rừng. Khi lực lượng rút về thì các đối tượng hoạt động trở lại. Vì vậy, rất mong chính quyền địa phương, nhất là cấp xã phải tăng cường quản lý” - đại biệu Dũng nói.
Theo đại biểu Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình, quy hoạch chậm đã dẫn đến khó khăn trong việc thu hút và đầu tư dự án. Vùng Đông vướng nhiều hộ trong quy hoạch nhiều năm không giải quyết nổi chuyện bồi thường. Lâu dài, cần phải tính toán cụ thể, không để doanh nghiệp thỏa thuận với người dân sẽ gặp khó khăn.
“Có nhiều doanh nghiệp phải mất đến 8 năm mới có thể thỏa thuận được với dân dù rất ít diện tích, để có thể tiến hành dự án” - ông Vỹ nói.
Đại biểu Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn nêu việc triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ của tỉnh chưa kịp thời, như dự án xử lý rác thải của huyện đề nghị nhiều lần lên Sở Tài chính và Sở TN-MT nhưng đến nay chưa nhận được câu trả lời.
Các chính sách hỗ trợ khác như mỗi trường học 300 triệu đồng/năm, xây dựng tượng đài chiến thắng Nông Sơn - Trung Phước theo cơ chế 50 - 50 (tỉnh 50%, huyện 50%) rất khó cho ngân sách huyện nghèo và quy mô nhỏ. Ngoài ra, kinh phí dự án này nên nâng lên 70 tỷ đồng (chủ trương trước đây là 35 tỷ đồng).
Riêng giải ngân vốn đầu tư công chậm, theo đại biểu Hòa, có nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, nhưng có một nguyên nhân rất quan trọng là giá cả vật tư, nhân công tăng cao.
“Với giá cả như hiện nay, doanh nghiệp càng làm càng lỗ nên kéo dài, không chịu triển khai thi công, chờ có thay đổi gì không về cơ chế đầu tư. Tình hình hiện nay hết sức khó khăn, các doanh nghiệp nhỏ “chết” hết” - ông Hòa nói.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam Phạm Quốc Hùng cho rằng việc nhập nhằng, không xác định được số liệu đất công ích 5% và thiếu nhân sự ở các trung tâm phát triển quỹ đất địa phương đã khiến việc giải phóng mặt bằng đã khó lại thêm khó, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án đầu tư công lẫn tư nhân...
Nông thôn mới bị rớt chuẩn
Cho rằng xây dựng nông thôn mới 10 năm đạt kết quả tốt, tuy nhiên, theo đại biểu Lê Thị Minh Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, việc rà soát lại bộ tiêu chí quy định thì rất nhiều xã “rớt” ra khỏi danh mục, không còn nhiều địa phương đạt chuẩn. Đây là vấn đề cần rà soát, đánh giá và đưa ra phương thức bền vững hơn là bấp bênh như hiện nay.
Các sản phẩm OCOP nhiều, nhưng nhiều khi chỉ đưa mẫu ra công nhận, còn khi cần số lượng lớn thì không thể đáp ứng được nhu cầu. Tại sao không tính đến việc chọn một số ít sản phẩm chủ lực để trở thành hàng hóa. Nếu không sẽ khó cạnh tranh với “hằng hà sa số” sản phẩm trên thị trường. Đại biểu Phan Công Vỹ đề nghị cần xem lại tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới ở các tỉnh, thành khác như thế nào để không lặp lại tình trạng rớt chuẩn như hiện tại.
Vấn đề ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển miền núi cũng được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Đại biểu Lê Thị Minh Tâm băn khoăn chuyện ngân sách địa phương điều tiết về Trung ương được xem như một địa phương có nền kinh tế khá vững. Kết quả nỗ lực giảm nghèo đã vượt chỉ tiêu nghị quyết nhưng đời sống người dân miền núi vẫn chưa có nhiều thay đổi.
“Cần có cơ chế hỗ trợ riêng, ưu tiên nguồn lực đầu tư thêm cho miền núi ngoài các chương trình mục tiêu đã được hỗ trợ. Không đầu tư dàn trải mà tập trung đầu tư hoàn thiện hết huyện này đến huyện khác. Nếu không quyết liệt và ưu tiên đầu tư cho miền núi thì sẽ khó thấy sự thay đổi và đói nghèo sẽ luôn rình rập” - đại biểu Tâm chia sẻ.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Công Dũng cho rằng, trong chiến tranh, chúng ta tập trung giải phóng vùng Tây làm bàn đạp để giải phóng vùng Đông. Thời gian qua, tỉnh cũng đã ưu tiên nguồn lực rất lớn phát triển vùng Tây. Tuy nhiên, với nguồn lực của tỉnh còn hạn chế, hiện nay không nên đầu tư dàn trải. Tập trung đầu tư vùng Đông để có nguồn lực phát triển vùng Tây, đó mới là chiến lược quy hoạch phát triển đúng hướng và có hiệu quả.