Thảo luận về tình hình thu chi ngân sách, chỉ tiêu biên chế năm 2013

12/12/2012 11:47

* Đề nghị ưu tiên chi các mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng
* Hoan nghênh tăng biên chế và chế độ cho cán bộ tiếp công dân

(QNO) - Chiều 12.12, kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 6, khóa VIII tiếp tục thảo luận ở tổ về các nội dung: quyết toán nhà nước năm 2011, tình hình thực hiện thu - chi ngân sách nhà nước năm 2012 và phương án phân bổ dự toán ngân sách năm 2013; kế hoạch phân bổ biên chế hành chính và quyết định biên chế sự nghiệp tỉnh của tỉnh năm 2013…

alt
Thảo luận tại tổ 2.

Tập trung tăng thu ngân sách

Phần đông các ý kiến của đại biểu đều đồng ý với báo cáo của UBND tỉnh, đồng thời bày tỏ lo ngại về tình hình hụt thu ngân sách thể hiện rõ trên một số lĩnh vực, đó là khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh hụt thu lên đến 1.017 tỷ đồng, (tập trung ở Tập đoàn ô tô Chu Lai - Trường Hải (doanh nghiệp trọng điểm, số thu chiếm tỷ trọng lớn (71,1%) trong khu vực kinh tế ngoài quốc doanh)… Ước thực hiện thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2012 khá thấp, chỉ ở mức 5.600 tỷ đồng.

Chỉ điều chỉnh giá đất khi có biến động mạnh
Về vấn đề điều chỉnh giá đất lần này, các đại biểu cùng bày tỏ quan điểm chung là không nên tiếp tục điều chỉnh giá đất theo năm. Việc điều chỉnh giá đất chỉ được tiến hành khi có sự biến động lớn của thị trường bất động sản. Những nghịch lý, tồn tại lâu nay trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn một phần do điều chỉnh giá đất. Đại biểu Trần Kim Hùng bày tỏ: “Chuyện định giá đất chỉ là cơ sở cho người dân nộp thuế, có cơ sở thu hồi đền bù, áp giá bồi thường còn để giao dịch thì không thể vì nó phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa người bán và người mua. Vì vậy, trừ khi có biến động mạnh thì chúng ta mới điều chỉnh, không cứ mỗi năm chúng ta lại phải điều chỉnh như hiện nay”. Đại biểu Nguyễn Bằng cũng chia sẻ: “Đã đến lúc chúng ta cần ổn định mức giá đất đai, có thể duy trì mức giá đó từ 3- 5 năm mới thay đổi. Đã hai năm nay, Đông Giang không thực hiện áp giá đất theo điều chỉnh hằng năm nhưng tình hình vẫn ổn; bởi thực tế thị trường đất đai trên địa bàn không có biến động nhiều”.

Theo nhận định của ban Kinh tế - ngân sách của HĐND tỉnh bên cạnh nguyên nhân tác động của suy giảm nền kinh tế làm ảnh hưởng đáng kể nguồn thu ngân sách của tỉnh, chính công tác quản lý thu thuế chưa chặt chẽ, việc phối hợp giữa ngành thuế với các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương còn nhiều mặt hạn chế nên hiệu quả quản lý thu thuế chưa cao; tình trạng người nộp thuế kê khai thuế không trung thực, không đúng với thực tế hoạt động kinh doanh vẫn còn xảy ra cũng làm thất thoát số thuế phải nộp ngân sách nhà nước, ảnh hưởng nguồn thu ngân sách của tỉnh.

Theo nhiều đại biểu, HĐND tỉnh nên xem xét giao số thu nội địa năm 2013 tương đương mức dự toán của năm 2012 hoặc ít nhất phải ở mức 4.100 tỷ đồng để có nguồn tăng thu làm cơ sở lập dự toán chi cho những nhiệm vụ cấp thiết. Hơn nữa, năm 2013, việc ổn định phát triển kinh tế được xác định là nền tảng quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ trong cả giai đoạn 2011-2015, do vậy, trong xây dựng dự toán cần thể hiện rõ mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững, tạo đà cho những năm tiếp theo, góp phần hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2011-2015.

Về quyết toán ngân sách năm 2011 với tổng mức tổng thu hơn 15.485 tỷ đồng, tổng chi ngân sách địa phương hơn 13.147 tỷ đồng, các đại biểu cơ bản thống nhất với những nhận xét, đánh giá của UBND tỉnh về công tác quản lý, điều hành ngân sách năm 2011. 

Tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách

Về tình hình đầu tư xây dựng cơ bản năm 2012, báo cáo của UBND tỉnh cho thấy tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn có tăng song tập trung chủ yếu từ nguồn vốn nhà nước, nguồn vốn huy động xã hội đạt thấp, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển trên địa bàn năm 2012 chưa đến 95% kế hoạch. Việc Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt cùng với chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát đã tác động đến việc tiếp cận vốn vay, đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhiều dự án đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước bị cắt giảm vốn, tiến độ thi công chững lại, một số dự án phải dừng thi công.

alt
Đại biểu Hường Văn Minh (Tiên Phước) tham gia thảo luận tại tổ chiều 12.12.

Cạnh đó, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia được trung ương phân bổ chậm, làm ảnh hưởng đến việc triển khai dự án, nếu không có giải pháp thực hiện chương trình, sử dụng không hết vốn thì đến hết quý I/2013 Trung ương sẽ cắt vốn. 

Vấn đề nhiều đại biểu lo ngại là việc bố trí nguồn vốn cho các công trình trọng điểm của tỉnh còn quá thấp, không thể đáp ứng tiến độ thực hiện như: cầu Cửa Đại, cầu Kỳ Phú 1 và cầu Kỳ Phú 2.

“Sử dụng không hết vốn là có tội với dân”
Đại biểu Trần Kim Hùng cho rằng để xảy ra việc chuyển nguồn có nghĩa là đồng tiền đã không được sử dụng hết chuyển sang năm sau thì việc sử dụng không có hiệu quả trong khi nhu cầu cần sử dụng tăng theo hằng năm. “Để xảy ra tình trạng chuyển nguồn là chúng ta làm chưa hoàn thành công việc, có tội với nhân dân. Thời gian đến nếu chuyển nguồn vốn vì lý do không thực hiện được khối lượng công việc thì nhất định cắt, giao cho đơn vị, địa phương khác thực hiện, được bố trí vốn thì anh phải sử dụng hết, sử dụng hiệu quả, cần phải nghiêm khắc với vấn đề này”- ông Hùng nói.
Đại biểu Trần Văn Tri khuyến cáo: “Trong thời gian đến, theo chủ trương nếu không sử dụng hết nguồn vốn thì sẽ bị thu hồi luôn không cho chuyển nguồn như các năm. Vì vậy cần hạn chế để xảy ra tình trạng không giải ngân được nguồn vốn; các đơn vị, địa phương cần chủ động, linh hoạt trong việc sử dụng các nguồn vốn được bố trí một cách có hiệu quả”.

Vốn cho chương trình xây dựng Nông thôn mới quá ít, trung ương phân bổ gần 41 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 20 tỷ đồng, trong khi đó cần phải đầu tư trước cho 50 xã/213 xã. Điều này khó thực hiện được mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới với nguồn lực đầu tư của Trung ương chỉ ở mức 800 triệu đồng/xã… 

Bàn kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2013, lãnh đạo một số ngành đề nghị tập trung thực hiện nghiêm Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15.10.2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn Ngân sách nhà nước và vốn Trái phiếu Chính phủ. Cạnh đó, cần rà soát nhu cầu đầu tư đối với công trình, dự án chuyển tiếp, xem xét và đề xuất việc ngừng khởi công hoặc dãn tiến độ đầu tư đối với các dự án chưa thực sự cấp thiết, hạn chế tối đa việc khởi công các dự án mới khi chưa đủ nguồn vốn, chưa cấp thiết để tập trung vốn cho các dự án hoàn thành, ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh một số dự án trọng điểm, bức xúc như: cầu Cửa Đại, nâng cấp các tuyến ĐT, hỗ trợ đầu tư các tuyến ĐH, xây dựng trụ sở xã….Đồng thời, phải chú trọng đến việc đầu tư, tạo điểm nhấn cho các đô thị; ngoài ra, phải bố trí vốn đảm bảo thực hiện một số chương trình đã được HĐND tỉnh thông qua như: kiên cố hóa kênh mương, nước sạch và vệ sinh môi trường, phát triển chăn nuôi hàng hóa, chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi…

Một đại biểu Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh đề xuất tiếp tục đẩy mạnh phân cấp trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản song phải đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các ngành, địa phương. Đi đôi với việc phân cấp, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của nhà nước trong quản lý đầu tư và xây dựng cơ bản của các ngành cấp trên nhằm chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn…

alt
Đại biểu Nguyễn Đức thảo luận về dạy thêm, học thêm.

Tình hình vi phạm và tội phạm hình sự cao

Tham gia thảo luận tại tổ, Chánh Thanh tra tỉnh Phan Việt Cường cho biết ngày càng xảy ra nhiều sai phạm trên lĩnh vực quản lý xây dựng cơ bản, tình trạng trốn thuế gia tăng. 

Trưng cầu việc dạy thêm, học thêm
Mở đầu phiên thảo luận tổ chiều 11.12, Sở GD-ĐT gửi đến các đại biểu phiếu trưng cầu ý kiến về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh trong thời gian đên. Về vấn đề này, các đại biểu đã có nhiều ý kiến góp ý cho vấn đề dạy thêm học thêm. Đại biểu Nguyễn Bằng (Đông Giang) cho rằng, vấn đề học thêm dạy thêm đang là vấn đề gây nên những bức xúc, quan tâm lớn của dư luận cả nước. Với lượng chương trình học tập, phương thức giảng dạy và cách học như hiện nay thì không phát sinh vấn đề dạy thêm, học thêm mới lạ chuyện lạ
Còn đại biểu Trần Kim Hùng phát biểu: “Chỉ nên cho học sinh THPT học thêm để củng cố tốt hơn vốn kiến thức để bước vào kỳ thi đại học. Nhưng việc cho dạy thêm cần phải có những quy định cụ thể, nếu giáo viên, một tổ chức, trung tâm nếu có đủ điều kiện để dạy (ánh sáng, không gian, số lượng tham gia, quy định mức thù lao, thực hiện nghĩa vụ thuế…) thì được cấp phép cho dạy. Đó cũng là cách tranh thủ tri thức của các nhà giáo có uy tín đã về hưu có nguyện vọng được giảng dạy”.

Ông Cường cũng cung cấp thông tin: tội phạm xâm phạm sở hữu và trật tự quản lý kinh tế tăng 57 vụ/43 bị can. Tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng 04 vụ/14 bị can so với cùng kỳ. Điển hình như vụ Nguyễn Đình Giao - xã đội trưởng xã Tam Đại đã cấu kết với một số người có liên quan tại xã Tam Đại, huyện Phú Ninh lập hồ sơ khai khống để giải quyết chế độ theo Quyết định 290/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm chiếm đoạt tài sản hơn 500 triệu đồng của nhà nước.

Tội phạm trật tự an toàn xã hội tuy có giảm, song một số vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng lại tăng (06 vụ/10 bị can). 

Đại diện Ban Pháp chế của HĐND tỉnh nhận định: có nhiều nguyên nhân, cơ bản là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, đạo đức xã hội bị xem nhẹ. Công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội của một số ngành, lĩnh vực, địa phương còn lỏng lẻo, thiếu đồng bộ; công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức người dân chưa được quan tâm đúng mức.

Tăng biên chế hành chính và sự nghiệp

Đại biểu Nguyễn Thị Điệp (Núi Thành) và Hường Văn Minh (Tiên Phước) hoan nghênh trước tờ trình của UBND tỉnh về việc tăng biên chế hành chính và sự nghiệp năm 2013, bởi theo các đại biểu này, nếu tờ trình được hội đồng thông qua, sẽ giải quyết được tình trạng thiếu người đảm nhận công việc ở cấp huyện cũng như xã, phường. Đồng thời, các đại biểu cũng ủng hộ mức mà tờ trình đề nghị chi bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. 

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho biết việc quyết định biên chế phải phù hợp với khả năng ngân sách tỉnh, tránh tình trạng mất cân đối giữa việc tăng biên chế và định mức quỹ tiền lương.

Doãn Hoàng – Nguyên Đoan (lược thuật)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thảo luận về tình hình thu chi ngân sách, chỉ tiêu biên chế năm 2013
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO