Các đóng góp tâm huyết từ nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp từng nhiều năm gắn bó với du lịch địa phương tại hội thảo “Phát triển du lịch bền vững tỉnh Quảng Nam - thời cơ và thách thức” diễn ra cuối tuần qua tại TP.Tam Kỳ một lần nữa cho thấy Quảng Nam còn nhiều điều cần thực hiện để du lịch phát triển bền vững và thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Mất cân đối về không gian
PGS-TS. Phạm Trung Lương - đến từ Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam (VETEA) đã thẳng thắn nhận xét: “Trong một thời gian dài du lịch Quảng Nam phát triển thiếu cân đối do chủ yếu dựa vào hai di sản ở phía bắc của tỉnh là Hội An và Mỹ Sơn mà bỏ ngỏ tiềm năng rộng mở ở vùng tây. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận điều này đến từ việc hạ tầng khu vực này còn quá cách trở khiến doanh nghiệp chưa mặn mà”.
Các con số thống kê năm 2019 đã chứng minh nhận định này của PGS-TS. Phạm Trung Lương khi có đến gần 5,8 triệu lượt khách (trong tổng số khoảng 7,7 triệu lượt) ghé thăm hai di sản văn hóa thế giới của tỉnh, trong khi nhiều điểm tham quan được UBND tỉnh công nhận ở khu vực phía nam và phía tây lượng khách chỉ xấp xỉ 10 nghìn lượt.
Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường cho rằng: “Tiềm năng của khu vực phía nam, phía tây của tỉnh rất lớn nhưng nếu không tạo ra được sản phẩm đặc sắc thì chỉ mãi là những bãi cát hoang vu, làng quê vắng vẻ. Quảng Nam sắp tới cần nghiên cứu đặt hàng các chuyên gia, đơn vị lữ hành nào có năng lực xây dựng được sản phẩm du lịch chiến lược tạo ra cú hích cho các khu vực này”.
Theo TS. Trần Văn Anh - Trưởng khoa Kinh tế - du lịch (Đại học Quảng Nam), hiện nay địa phương mới chỉ làm quy hoạch giao thông chứ chưa quy hoạch được mạng lưới tuyến du lịch nên các tour tuyến lữ hành thường mới chỉ dừng lại ở các điểm nổi bật như Hội An hay Mỹ Sơn.
Cần hướng đến sự hài lòng của du khách
Cũng theo TS. Trần Văn Anh, hiện nay nhu cầu, cách thưởng thức các chuyến du lịch của phần đông du khách đã có xu hướng thay đổi. “Nếu coi một chuyến du lịch có 3 hoạt động gồm giải trí, nghỉ dưỡng và trải nghiệm thì chúng ta hiện xem nhẹ khâu cuối cùng, trong khi việc tạo trải nghiệm cho du khách là cơ hội tạo doanh thu lớn nhất”. Tuy nhiên, cơ hội trải nghiệm văn hóa, đời sống bản địa Quảng Nam của du khách đang gặp nhiều rào cản, điển hình là tình trạng “chệch hướng” của loại hình homestay, nhất là ở Hội An.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết: “Việc cấp phép tràn lan dẫn đến tình trạng nhà nhà làm homestay đã khiến loại hình này không còn là sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng mà bây giờ đơn thuần chỉ như nhà trọ”. Ông Sơn thông tin thêm, một phần vì điều này mà lượng khách truyền thống châu Âu của Hội An đang có dấu hiệu suy giảm, từ đó hiển hiện nguy cơ biến đô thị cổ thành một điểm đến rẻ tiền.
Hiện nay tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh đã đạt 731 cơ sở với 13.860 phòng và vượt xa chỉ tiêu 600 cơ sở với 12.000 phòng đề ra tại Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 27.12.2016 của Tỉnh ủy. Theo ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, việc các cơ sở lưu trú tăng nhanh tạo ra nguy cơ “khủng hoảng thừa” về lĩnh vực lưu trú ở Hội An từ đó khiến doanh nghiệp, người dân làm lưu trú buộc phải phá giá, giảm dịch vụ phục vụ khách khiến thương hiệu du lịch của địa phương bị ảnh hưởng nặng nề.
Còn theo ông Phan Xuân Thanh, du khách quốc tế sẵn sàng bỏ ra hàng nghìn đô la chỉ để tận hưởng không gian thanh bình, thơ mộng nên trào lưu xây dựng cơ sở lưu trú rầm rộ tại Hội An không những khiến người kinh doanh gặp khó khăn mà còn phá vỡ, thu hẹp cảnh quan tự nhiên mà du khách ưa thích.