Tháo "nút thắt" trong nông nghiệp

NGUYỄN SỰ 04/01/2019 02:46

Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp - nông thôn năm 2018 và đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Hội nghị do Bộ NN&PTNT tổ chức hôm qua 3.1; tham gia điểm cầu Quảng Nam có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và lãnh đạo một số ngành liên quan.

Tích tụ ruộng đất là “chìa khóa” để hình thành các mô hình cánh đồng mẫu lớn, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất theo phương thức hàng hóa.  Ảnh: VĂN SỰ
Tích tụ ruộng đất là “chìa khóa” để hình thành các mô hình cánh đồng mẫu lớn, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất theo phương thức hàng hóa. Ảnh: VĂN SỰ

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, nông nghiệp - nông thôn của cả nước đã có chuyển biến rõ nét. “Theo số liệu thống kê, năm 2018 tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của nước ta tăng 3,86% so với năm 2017; tốc độ tăng trưởng GDP nông - lâm - thủy sản tăng 3,76%, đạt mức cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây; kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 40,02 tỷ USD (mục tiêu đặt ra là 40 tỷ USD); tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn quốc là 42,4%, tăng 2,6% so với kế hoạch đề ra” - ông Cường nói.

Đối với Quảng Nam, năm qua nông nghiệp - nông thôn cũng đạt được nhiều thành quả quan trọng. Toàn tỉnh gieo trồng hơn 149 nghìn héc ta cây hàng năm. Riêng cây lúa, trong 2 vụ đông xuân và hè thu nông dân trên địa bàn sản xuất 86,2 nghìn héc ta, tổng sản lượng lúa cả năm đạt 462,2 nghìn tấn, tăng 1 nghìn tấn so với năm 2017. Hiện nay, toàn tỉnh có 92 trang trại chăn nuôi gia cầm và 72 trang trại chăn nuôi heo đạt tiêu chí theo quy định. Trong đó, có 7 cơ sở chăn nuôi heo, gia cầm được công nhận phù hợp với quy trình thực hành chăn nuôi tốt tại Việt Nam - VietGAP. Tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản của tỉnh đạt 13.590 tỷ đồng, tăng 5,24% so với năm 2017. Mục tiêu Quảng Nam đặt ra trong năm 2019 này là tổng giá trị sản xuất toàn ngành đạt 14.250 tỷ đồng, tăng 4,86% so với năm 2018; đảm bảo tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 5 năm (2016 - 2020) là hơn 4%...

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, thời gian tới Bộ NN&PTNT cùng các bộ ngành ở Trung ương và nhất là chính quyền các cấp cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, phải chú trọng rà soát, đánh giá lợi thế, tiềm năng để xây dựng, phát triển cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu là nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm cấp tỉnh và nhóm sản phẩm đặc sản địa phương. Ông Cường nói thêm: “Đối với lĩnh vực thủy sản, cần quan tâm hỗ trợ ngư dân nâng cao năng lực đánh bắt xa bờ; vận động và hướng dẫn người dân phát triển mạnh các đối tượng nuôi trồng chủ lực, trọng tâm là tôm, cá tra... theo mô hình thâm canh. Còn đối với lĩnh vực lâm nghiệp, phải phát triển theo hướng trồng rừng gỗ lớn, gỗ quý và lâm sản ngoài gỗ; hình thành các vùng nguyên liệu tập trung có quy mô lớn cho công nghiệp chế biến gỗ, sản xuất giấy, ván nhân tạo”.

Trong khi đó, nhiều ý kiến tham dự hội nghị cho rằng, để tạo động lực cho nông nghiệp – nông thôn phát triển, các ngành, các cấp cần sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nông nghiệp, các công ty nông – lâm nghiệp. Cạnh đó, tập trung hỗ trợ phát triển mạnh lĩnh vực kinh tế hợp tác và hợp tác xã, nhất là các hợp tác xã nông nghiệp. Đồng thời ưu tiên nguồn lực tài chính đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, nỗ lực triển khai hiệu quả công tác dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để hình thành các mô hình cánh đồng mẫu, vùng nuôi trồng thủy hải sản có quy mô lớn và đặc biệt là tích cực kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn, liên kết với nông dân tổ chức sản xuất theo phương thức hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao gắn với việc tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thống nhất với những đề xuất, kiến nghị của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và các đại biểu tham dự. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, muốn tạo bước đột phá mạnh mẽ cho lĩnh vực nông nghiệp, ngay từ bây giờ phải tập trung tháo gỡ các “nút thắt”, trong đó đáng quan tâm nhất là những vướng mắc trong việc thực hiện các cơ chế - chính sách liên quan đến hỗ trợ phát triển nông nghiệp – nông thôn. Đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp. “Vấn đề đáng lưu ý nữa là các cơ quan có trách nhiệm phải chuyển giao rộng rãi các gói kỹ thuật sản xuất tiên tiến cho người dân; phát triển mạnh công nghiệp chế biến - bảo quản; trong đó ưu tiên chế biến tinh, chế biến sâu, nhất là các loại sản phẩm chủ lực như trái cây, cây công nghiệp, gỗ và lâm sản, tôm, cá tra, thịt heo. Đặc biệt, tích cực đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường xuất khẩu và nâng cao chất lượng phân tích, dự báo thị trường, nhất là những thị trường trọng điểm” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói thêm.

NGUYỄN SỰ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tháo "nút thắt" trong nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO