Thao thức đồng tiền

ĐĂNG QUANG 29/10/2018 03:25

“Đồng tiền đi liền khúc ruột” là nói chuyện tiền bạc liên quan mật thiết đến sinh hoạt đời sống, mối quan tâm hàng đầu của nhiều người. Cách làm ra tiền và tiêu tiền, chi phối hoạt động chủ yếu của xã hội. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà những chuyện ồn ào chung quanh đồng tiền luôn thu hút dư luận.

Như gần đây nổi lên vụ thu đổi ngoại tệ của anh thợ điện ở Cần Thơ, đổi 100USD mà có thể bị phạt 90 triệu đồng. Cửa hàng kim hoàn không được phép đổi tiền cho anh thợ điện ấy cũng bị đề xuất phạt tới mấy trăm triệu đồng. Nhưng từ chuyện này mới thấy là lâu nay ít người chú ý đến Nghị định 96/2014 của Chính phủ, trong đó quy định việc xử phạt các hành vi vi phạm trong hoạt động mua bán ngoại tệ. Người ta cứ thấy chỗ nào quen, tiện trao đổi thì cứ đổi, chứ ít quan tâm cơ sở đổi tiền có được phép hay không. Cho nên, không riêng Cần Thơ mà nhiều nơi trong nước, nhiều cơ sở có nguy cơ bị phạt nếu thu đổi ngoại tệ mà không được phép. Đặc biệt là các điểm du lịch có đông khách nước ngoài tới tham quan, mua sắm. Chẳng hạn như phố cổ Hà Nội, hay phố cổ Hội An. Báo Lao động cho biết ở Hội An, việc trao đổi ngoại tệ khá dễ dàng từ chỗ bán tour du lịch cho đến các cửa hàng tạp hóa, hiệu vải, nơi bán hàng lưu niệm… trên các tuyến phố cổ. Bảng đổi tiền (money exchange) đã gắn một số nơi không có trong danh sách của đại lý được phép đổi ngoại tệ. Vấn đề đặt ra như vậy cần Chi nhánh ngân hàng Nhà nước Quảng Nam có những khuyến cáo kịp thời và hướng dẫn điều chỉnh, nếu không sẽ tái diễn cảnh bắt bớ và xử phạt như Cần Thơ. Và thiển nghĩ là quy định pháp luật đặt ra để quản lý dẫu có đúng đắn thì vẫn phải tuyên truyền, hướng dẫn, đồng thời phải có cơ sở thực tiễn tạo thuận lợi cho việc thực hiện (như phải đảm bảo có nhiều cơ sở đổi tiền tiện lợi, nhanh chóng).

Cũng liên quan đến đồng tiền là chuyện dùng tiền mặt. Vẫn là thói quen thôi khi người dân Việt Nam dùng tiền mặt để giao dịch mua bán. Nền kinh tế tiền mặt đã hiện hữu khá lâu, hình thành tâm lý “tiền trao cháo múc” trong giao dịch một cách tin cậy. Từ thực tiễn đó, nên nhiều người đã cười khi nghe ông Hoàng Văn Cường nói trên diễn đàn Quốc hội, rằng “hiện nay trên thế giới họ cũng không dùng tiền mặt, người ăn xin hay người bán hàng rong cũng không dùng tiền mặt. Nên không có lý do gì chúng ta lại sử dụng tiền mặt”. Ừ, thế giới là thế nhưng phải biết ta ở chỗ nào? Nhà nước, các tổ chức tín dụng, các cơ sở mua bán đã đảm bảo đủ phương tiện công nghệ thanh toán mà không cần tiền mặt cho người dân chưa? Làm thế nào để thay đổi thói quen giao dịch bằng tiền mặt mà không “gây sốc” khi còn quá nhiều “chợ cóc”, “chợ chồm hổm” chỉ trao đổi nông sản, thực phẩm?... Quá nhiều câu hỏi đặt ra, và cũng cần biết 40% số dân Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng nhưng vẫn còn tới 90% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt, 99% sử dụng tiền mặt thanh toán các mặt hàng dưới 100.000 đồng và gần 85% giao dịch tại ATM là rút tiền (để rồi lại thanh toán tiền mặt). Vậy nên, đề xuất thì cứ việc nhưng cần phải xem xét thấu đáo tính khả thi mới đưa vào quy định pháp luật nhằm điều chỉnh giao dịch liên quan đến đồng tiền.

Mấy chuyện nêu trên nói về việc tiêu tiền, còn làm ra tiền như thế nào mới là điều đáng thao thức. Làm sao để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuận lợi, nông dân bớt lo về đầu ra nông sản, cũng là để có tiền nhiều hơn. Các nhà máy “đắp chiếu” làm sao phục hồi sản xuất để cắt lỗ. Chính phủ cần cắt giảm bộ máy cồng kềnh để bớt chi thường xuyên mà tăng đầu tư cho phát triển… Những chuyện đó mới cần ưu tiên thực hiện để tăng chất lượng tăng trưởng của quốc gia và chất lượng sống của người dân.

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thao thức đồng tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO