Thao thức giữ biển Trường Sa

NGUYỄN QUANG VIỆT 04/02/2016 15:39

Đêm trên biển thật dài, những ngư dân câu mực khơi của xã biển Tam Giang (Núi Thành) vẫn mải miết quăng rường câu mực. Họ thao thức bám biển với tâm thế của những người giữ gìn phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.

Đêm dài giữa trùng khơi

Sau gần 3 ngày xuất bến, anh Đặng Văn Hội (thôn Đông An, xã Tam Giang) đã đưa tàu cá đến được tọa độ quen thuộc. Chuyển qua câu mực khơi từ gần 10 năm nay, anh vẫn lấy tọa độ trên làm điểm dừng đầu tiên trên chặng đường bám biển Trường Sa. Buổi chiều ngày 25.11.2015, biển êm mượt, anh Hội tắt máy, con tàu QNa-91568 có công suất 525CV lững lờ trên mặt biển còn 45 thuyền thúng của các “bạn” thì xuống nước, buông câu. Đồ nghề bạn biển mang theo trên thúng chỉ đơn giản gồm vài rường câu, ống lưới, bộ đàm tầm ngắn cùng mấy gói mỳ tôm, dăm lon bò húc và chiếc áo ấm dày cộm trên người. Ở các tàu câu mực khơi của ngư dân Quảng Nam, đa số chủ tàu nghỉ ngơi về đêm, còn anh Hội thì thức trắng câu mực như mỗi bạn biển.

Anh Đặng Văn Hội.
Anh Đặng Văn Hội.

Đêm trên biển êm đềm. Đâu đó, vài cánh chim hải âu đâm sầm xuống nước, đớp cá và bay lên ngoạn mục. Ánh trăng nơi biển lấp loáng nhưng hoang vu đến tê tái. Vẻ huyền ảo của biển có thể làm xao động bất cứ ai. Bởi vậy, khi nao nao trong lòng, người ta hay nghĩ về sự cô độc và nỗi cô đơn, như mặt biển hun hút đến vô cùng. Đêm câu mực đằng đẵng của ngư dân bắt đầu từ khoảng 17 giờ chiều đến sáng hôm sau. Nghĩ ngợi và lo lắng về biến động của thời tiết trên biển luôn ám ảnh đối với bất kỳ ai câu mực khơi bởi nghề này thường đối diện với nguy hiểm, lắm khi đối mặt với… tử thần. Mỗi ngư dân chỉ ở trên một chiếc thúng câu nhỏ bé, qua đêm mà biển thì muôn trùng.

Anh Hội kể, cứ chập tối mà biển lặng thì 45 chiếc thúng câu tủa ra biển, dàn ngang theo chiều gió, cách nhau chừng 500m câu mực. Sau một đêm phiêu dạt đến sáng hôm sau thì thuyền trưởng đưa tàu mẹ tìm đến vớt về. Trước đây, ngư dân câu mực luôn gặp nguy hiểm do thiếu thiết bị liên lạc, thì hiện tại đã có máy thông tin rồi mà hiểm nguy vẫn rình rập. Anh Hội kể: “Nhiều ngư dân biến mất mà không để lại dấu vết gì, biển bao đời bí mật. Có khi quá buồn ngủ, chỉ trong một tích tắc là có thể rơi xuống biển, mất hút. Nhiều khi quá bất ngờ, không kịp phản kháng, ngư dân cũng chẳng thể gọi vào bộ đàm liên lạc mang theo. Đèn trên thúng câu không còn thì có đến 99% cuộc đời của ngư dân đó đã tắt trên biển”.

Ngư dân Quảng Nam câu mực khơi ở Trường Sa vào mùa biển động.
Ngư dân Quảng Nam câu mực khơi ở Trường Sa vào mùa biển động.

Hy vọng cùng biển

Đêm trên biển sâu hoắm, thời gian bàng bạc vô thường. Đối diện với biển, độc thoại với chính mình, trong đầu anh Hội lại thao thức bao nhiêu câu chuyện về sự kỳ bí của biển cả. Mới đó mà đã một năm trôi qua rồi, kể từ ngày người bạn biển cùng quê với anh bỏ tàu, bỏ bạn bè, nằm lại vĩnh viễn trong lòng biển. Hôm đó, khoảng quá nửa đêm, anh Hội không còn nhìn thấy ánh đèn quẩn quanh trên thuyền thúng của người bạn biển nên hô vang và hốt hoảng chèo thúng đi tìm. Mải miết, quýnh quáng tìm kiếm suốt đêm nhưng chẳng thấy thúng đâu. Tìm suốt 3 ngày 3 đêm và gọi một số tàu gần khu vực đảo Nam Yết (thuộc quần đảo Trường Sa) đến tìm giúp nhưng chiếc thúng của người bạn biển vẫn bặt dạng. Đến khoảng 5 giờ sáng ngày thứ 4, những người bạn câu mực mới phát hiện thúng đã lạc cách chỗ bị nạn gần 30 hải lý. Đến gần, mọi người hốt hoảng vì chỉ thấy chiếc thúng dập dềnh. Sau đó, một bạn biển trên tàu cho anh Hội hay, trước khi xuống thúng, người câu mực đó đã nhiều lần sốt cao mà cứ giấu đi, gắng đi câu để tăng thu nhập. Anh Hội nói, ai cũng có tâm thế như vậy, ngư dân phải tranh thủ thời gian bởi mỗi ngày lênh đênh trên biển là một ngày hy vọng sẽ nhận được cuộc sống ấm no từ biển cả…

Anh Hội không màng bóc gói mỳ tôm mà thỉnh thoảng hớp từng ngụm bò húc để đề phòng không khí dịu mát yên bình trên biển có thể khiến cho mí mắt của anh díp lại mà ngủ vùi đi. Mỗi đêm câu mực thành công của bạn biển thường thu được khoảng 600 con mực xà. Với thành quả đó, bạn biển phơi khô được chừng 40kg mực thành phẩm, thu gần 2 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí và chia cho chủ tàu 25% giá trị, bạn biển còn khoảng gần 1 triệu đồng. Vậy nhưng những chuyến câu thành công như vậy không nhiều, bù qua sớt lại, tổng cộng mỗi chuyến câu mực của bạn biển thu được chừng vài ba chục triệu đồng sau 3 tháng bám biển. Vì giá trị chuyến biển thu được không cao nên ngư dân tận dụng từng khoảnh khắc ban đêm để câu mực mà không nề hà sức khỏe giảm sút. “Ước chi giá mực xà nhích lên chút đỉnh thì anh em bạn biển sẽ được tiếp sức thêm nhiều. Anh em đi “bạn” hồi trước đông đúc là vậy mà chừ thì dễ gì có đủ 45 người cho chuyến biển khơi xa” - anh Hội trăn trở.

Càng về sáng, biển như càng quây chặt lấy ngư dân câu mực ở Trường Sa. Cái lạnh như từ trong người lan ra chứ không phải từ biển thốc vào. “Ba tháng câu mực ở Trường Sa gian khổ cũng là thời gian đằng đẵng nhớ nhà. Vậy mà cứ quanh quẩn ở các đảo luôn hiện hữu tàu nước ngoài quấy phá, không cho ngư dân được yên. Chúng tôi sinh ra từ biển, lớn lên cùng biển, không đời nào nao núng, sợ hãi trước sự càn ép trái khuấy của tàu Trung Quốc. Các đảo ở Trường Sa vẫn nhân từ che chở cho chúng tôi qua được những lúc hoạn nạn. Bám biển Trường Sa để thấy mình hiện hữu có ý nghĩa trong cuộc đời này” - anh Hội quả quyết.

Vậy nên, dù cho ở mùa xuân này, anh Hội cùng 45 thuyền viên trên tàu QNa-91568 đón tết trên biển nhưng không khí sum vầy ấm cúng không ở xa họ.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thao thức giữ biển Trường Sa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO