Huyện Bắc Trà My vừa tổ chức hội thảo về bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số. Dịp này, những thao thức về bản sắc truyền thống các tộc người Co, Ca Dong, Xê Đăng… nơi đây lại khơi dậy bao điều suy tưởng.
Sâu thẳm trong nghệ thuật dân gian cổ truyền miền núi có những giá trị minh triết khá đặc sắc nhưng việc nghiên cứu, trao truyền cho thế hệ sau như thế nào vẫn là câu hỏi lớn.
Chẳng hạn, tục làm trống đất của người Co, gắn liền với lễ cầu mưa cho mọi vật được sinh sôi, xanh tốt, có lời nguyện cầu thiêng liêng với các vị thần trời, mây, mưa, đất và người. Ở đó có tín ngưỡng giao cảm tâm linh, thể hiện quan niệm sự hài hòa giữa con người với tự nhiên, “vật truyền dẫn” là trống làm bằng mo cau và dây lạt bằng tre nứa, đưa âm thanh vọng từ lòng đất bay lên trời.
Cũng tương tự, người Ca Dong, Xê Đăng cũng có loại hình lễ cầu mùa, tạ ơn thần linh, tổ tiên qua tục cúng máng nước, hay lễ ăn trâu. Giá trị minh triết là con người luôn giao cảm, giao hòa với trời, đất, nước, tổ tiên thần linh thì mới có những sản vật được ban tặng, có đời sống ấm no, hạnh phúc.
Nói thêm về nghệ thuật dân vũ truyền thống gắn với sử dụng nhạc cụ, người Co có trò đối chiêng/đấu chiêng, có thể xem là bản sắc độc đáo. Đối chiêng xuất phát từ truyền thuyết về tình yêu, biểu hiện những lời tình tự thông qua tiếng chiêng khi khoan nhặt khi rộn rã, hào hùng. Điều thú vị hơn là khi các chàng trai của núi đấu chiêng phải phô diễn sức mạnh hình thể và cả tâm hồn mình qua cách đánh chiêng, làm thế nào để đối thủ phải khâm phục và quan trọng hơn là chiếm lĩnh trái tim sơn nữ.
Những biến tấu tình cảm, khao khát của con người chỉ bằng “ngôn ngữ” hình thể và âm thanh truyền dẫn mà đủ làm lay động cảm xúc thẩm mỹ, không chỉ là di sản của dân tộc miền núi Quảng Nam hay Việt Nam mà hàm chứa giá trị mang tính nhân loại. Bởi không gian cồng chiêng không còn là của riêng ai mà trở thành di sản văn hóa.
Đơn cử vài điều thú vị như thế, nhưng thực tế mà nhiều già làng, nghệ nhân ở Trà My trăn trở là bản sắc văn hóa mai một không ít. Như trang phục (nam mặc dồ, nữ yếm váy) mà chừ nhiều người trẻ thấy “mắc cỡ” không mặc phổ biến nữa. Về đánh chiêng, đấu chiêng thì từng cử cả đội khăn gói đi học các nghệ nhân ở Trà Bồng, nhưng về phổ quát trong trường học với thanh thiếu niên thì mức độ hạn chế.
Còn về nhà ở, những “cái nhà dài mãi” như nhà nghiên cứu Cao Chư chỉ ra đã là ký ức mà bây giờ muốn phục dựng không dễ nếu nhà nước và cộng đồng không quyết tâm chung tay. Đừng để làm nhà làng truyền thống mà lại dựng cột xi măng, lợp tôn vì chưa có giải pháp về vật liệu xây dựng (gỗ, tranh sen, tre nứa…).
Đặc biệt, việc trao truyền văn hóa, nhất là dân ca truyền thống khi rơi rớt mất nhiều tiếng nói của tộc người thì sẽ không cách gì dạy cho con trai con gái đồng bào hiểu sâu sắc nội dung và yêu làn điệu riêng có.
(Chuyện vui mà day dứt là tại hội thảo kể trên, ông Huỳnh Tấn Sâm, cựu lãnh đạo huyện Trà My (cũ), thử hát kể vài câu ca mà không mấy ai biết nội dung gì nếu không phiên dịch). Cho nên, cán bộ làm công tác dân tộc, tuyên giáo, giáo dục, văn hóa… đều cần phải học tiếng nói của đồng bào, mới khuyến khích đồng bào giao tiếp.
Bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống, đương nhiên không dễ dàng trong bối cảnh đầy thách thức của đời sống theo trào lưu hiện đại hóa. Từ nhận thức đến truyền bá, giáo dục, truyền dạy, trao truyền các giá trị văn hóa tộc người, đều phụ thuộc yếu tố con người. Những người con của núi phải thật sự khát vọng phục hưng giá trị văn hóa đồng bào mình cùng với việc đầu tư thích đáng của nhà nước mới có thể khơi lên ánh lửa soi đường…