Tháp Chăm và câu chuyện bảo tồn

LÊ QUÂN 12/11/2013 09:02

Kiến trúc tháp Chăm với rất nhiều bí ẩn luôn gây hứng thú đối với nhiều người, đặc biệt là giới khảo cổ, kiến trúc sư Việt Nam cũng như các chuyên gia nước ngoài.

  • Lập phương án chống đỡ tháp B3 Khu di tích Mỹ Sơn
  • Ngắm lại tháp G Mỹ Sơn
  • Hoàn thành xử lý ẩm mốc lòng tháp khu B, C, D tại Mỹ Sơn
  • Bảo tồn nhóm tháp G theo hướng nào?
“Công nhân địa phương” - đội ngũ bảo tồn kế cận, như lời TS. Patrizia, thực hiện những công đoạn trùng tu nhóm tháp G Mỹ Sơn trước ngày khai trương.
“Công nhân địa phương” - đội ngũ bảo tồn kế cận, như lời TS. Patrizia, thực hiện những công đoạn trùng tu nhóm tháp G Mỹ Sơn trước ngày khai trương.

Giấc mơ Mỹ Sơn

Cuối cùng thì mong ước của nữ kiến trúc sư Mara Landonni hay tiến sĩ khảo cổ học Patrizia Zolese - những người có tình yêu lớn với di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn - đã thành hiện thực. Ngày 22.6.2013, nhóm tháp G Mỹ Sơn chính thức mở cửa đón khách tham quan sau hơn 10 năm trùng tu. Công trình này do nhóm khảo cổ học của Viện Lerici (Ý) thực hiện dưới sự điều phối của UNESCO. Từ dự án Bảo vệ khu di sản thế giới Mỹ Sơn với tên gọi “Thuyết minh và đào tạo trong việc áp dụng các tiêu chuẩn bảo tồn quốc tế tại các đền thờ thuộc nhóm tháp G tại Mỹ Sơn” (ký kết vào năm 2004 giữa Chính phủ Việt Nam, Văn phòng UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Chính phủ Ý), một loạt công đoạn nghiên cứu, trùng tu được thực hiện. Sau hơn 10 năm, việc trùng tu nhóm tháp G hoàn thành, cùng với các nhóm tháp A, B, E… làm nên một bức tranh văn hóa Chăm huyền bí tại Mỹ Sơn.

Tiến sĩ khảo cổ học Patrizia Zolese kể lại câu chuyện bà và những cộng sự của mình đã miệt mài trong suốt những năm ở Mỹ Sơn chỉ để nghiên cứu vật liệu gốc của di tích, những viên gạch Chăm xưa. Việc nghiên cứu được thực hiện tỉ mẩn trong phòng thí nghiệm, và họ phát hiện ra sự tương đồng giữa nhựa cây dầu rái được tìm thấy quanh Mỹ Sơn với chất kết dính mà người Chăm xưa đã dùng trong xây dựng tháp, cả trong những viên gạch Chăm. Đây có lẽ cũng là bí quyết mà ông Nguyễn Quá sản xuất được những viên gạch Chăm tương thích và phù hợp với công tác trùng tu nhóm tháp G do các chuyên gia người Ý thực hiện.

Trong câu chuyện Mỹ Sơn, Mara và bà Patrizia vẫn tự hào rằng họ đã có được một đội ngũ kế cận lành nghề và cũng đầy tâm huyết, là những nông dân địa phương trong suốt chặng đường dài cùng họ thực hiện quá trình trùng tu. Những nông dân địa phương này, nói như bà Patrizia, đã thật sự trở thành chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn tháp Chăm. Mara, Patrizia, những kiến trúc sư Việt Nam hay cả những nông dân địa phương ngày đêm cần mẫn bên những tháp Chăm huyền bí đều đã làm hơn cả trách nhiệm của một công việc, ấy là tình yêu với nền văn hóa Chăm đồ sộ mà Mỹ Sơn cũng như Quảng Nam đang lưu giữ. Chỉ có xuất phát từ tình yêu, họ mới mừng đến rớm nước mắt trong ngày nhóm tháp G khai trương và mở cửa tiếp đón du khách. Tuy chưa hoàn thành ở mức độ 100%, nhưng như Mara chia sẻ tại buổi khai trương, họ tự tin ở kết quả công việc của mình. Song song với công việc trùng tu, nhóm chuyên gia cùng với các điều phối viên của dự án thuộc UNESCO cũng đã thực hiện rất nhiều cuộc trưng bày, triển lãm nhằm giới thiệu, giúp người dân và khách du lịch hiểu sâu sắc hơn về nền nghệ thuật cũng như văn hóa bí ẩn này.

Niềm hy vọng từ Chiên Đàn

Với danh phận là một di tích cấp quốc gia, nhưng lâu nay, nhóm tháp Chăm Chiên Đàn (xã Tam An, huyện Phú Ninh) ít nhận được sự quan tâm từ các cấp ngành cũng như người dân, du khách. Một phần do di tích không nằm trên trục đường du lịch nối các di sản, phần do công tác quảng bá cũng như quản lý còn rất thờ ơ, nên cũng như khá nhiều di tích khác trên địa bàn, tháp Chiên Đàn đã dần bị lãng quên, xuống cấp. Mới đây, UBND tỉnh đã có động thái đem lại hy vọng “phục sinh” cho tháp Chiên Đàn khi ban hành công văn thống nhất chủ trương cho phép Sở VH-TT&DL lập dự án đầu tư bảo quản nhóm tháp Chăm Chiên Đàn bằng công nghệ nano của Tập đoàn Guard Industry (Pháp) nhằm giải quyết trình trạng xuống cấp, góp phần bảo tồn bền vững di tích này. Theo ông Hồ Xuân Tịnh - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, đơn vị đề xuất sử dụng công nghệ nano tại nhóm tháp Chăm Chiên Đàn vì nhóm tháp này còn tương đối tốt, không lo bị sạt lở so với các nhóm tháp Chăm khác tại Quảng Nam. Nhóm tháp Chiên Đàn được xây dựng vào cuối thế kỷ X đến đầu thế kỷ XI và đã được xếp hạng di tích quốc gia vào tháng 1.1989. Hiện nay nhóm tháp này đang trong tình trạng xuống cấp, kết cấu gạch, đá có hiện tượng bị xâm hại do tác động thời tiết, xâm thực bởi rêu, địa y…

Theo Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam, di tích nhóm tháp Chiên Đàn gồm có 3 tháp xếp thành một hàng theo trục bắc - nam, cửa ra vào ở hướng đông. Tháp Bắc là tháp nhỏ nhất trong nhóm. Phần đỉnh tháp đã bị sụp đổ hoàn toàn, cửa ra vào đổ mất phần tiền sảnh. Tháp Giữa là tháp lớn nhất trong nhóm, được bảo tồn tốt hơn 2 tháp kia. Tháp Nam bị sụp đổ hoàn toàn phần mái tháp. Trong đợt trùng tu di tích vào năm 1989, các nhà khảo cổ đã khai quật quanh các tháp, làm lộ ra hệ thống chân tường và các trang trí chân tường bằng sa thạch cùng với hàng trăm tác phẩm điêu khắc có giá trị. Phần trang trí chân tường ở tháp Giữa còn tương đối nguyên vẹn. Vào giữa năm 1997, tại tháp Chiên Đàn đã khai quật được tấm bia làm bằng tảng đá lớn mài bằng ở một mặt, trên đó có khắc 8 dòng chữ Sanskrit. Tất cả các hiện vật khai quật đang được bảo quản tại nhà trưng bày cạnh khu tháp. Có thể nói, cho đến nay chưa có nhóm 3 tháp nào có số lượng hiện vật nhiều bằng Chiên Đàn. Đa số các nhà nghiên cứu đã xếp các tác phẩm điêu khắc ở Chiên Đàn vào phong cách Chánh Lộ của thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII

Với những giá trị lịch sử, văn hóa đó, bảo quản nhóm tháp Chiên Đàn là yêu cầu cấp bách đặt ra. Tuy nhiên, theo Sở VH-TT&DL, vấn đề quan tâm nhất hiện nay của địa phương là nguồn kinh phí thực hiện. Chỉ khi nào có được nguồn hỗ trợ ổn định mới có thể bắt tay vào triển khai dự án. UBND tỉnh đã giao đơn vị có trách nhiệm lập dự án đầu tư bảo quản nhóm tháp Chăm Chiên Đàn, trong đó có giải pháp về nguồn vốn đầu tư đảm bảo tính khả thi. Sở sẽ lập kế hoạch làm việc với các bộ, ngành trung ương đề nghị bổ sung danh mục, hỗ trợ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác để có nguồn kinh phí đáp ứng triển khai thực hiện từ năm 2014.

Nhóm tháp Chăm Chiên Đàn sẽ được trùng tu bằng công nghệ nano. Ảnh: L.QUÂN
Nhóm tháp Chăm Chiên Đàn sẽ được trùng tu bằng công nghệ nano. Ảnh: L.QUÂN

Bảo tồn bằng công nghệ nano

Nano là công nghệ còn mới mẻ ở Việt Nam, mới đưa vào ứng dụng mang tính thể nghiệm tại một vài di tích của nước ta. Theo đó, đại diện của Tập đoàn Guard Industry đã thực hiện thử nghiệm trên một số mẫu gạch tháp Chăm: Làm sạch bề mặt viên gạch và quét lên đó một loại chất lỏng gồm hợp chất của một loại vật chất không màu, trong suốt, là loại vật chất có cấu trúc hạt cực nhỏ và dung môi. Chất lỏng ngấm vào bên trong viên gạch, các hạt nano sẽ lấp đầy các lỗ hổng li ti trên bề mặt viên gạch, tạo thành một lớp bảo vệ bề mặt. Sau khi dung môi bay hơi hết, bề mặt viên gạch đã xử lý trông giống như những viên gạch bình thường.

Để đi đến quyết định lựa chọn các sản phẩm của công nghệ nano bảo quản tháp Chiên Đàn, trước đó, Quảng Nam đã chọn 10 vị trí tháp Chăm để thực hiện thí nghiệm, trong đó có 5 vị trí thí nghiệm tại tháp Chiên Đàn và 5 vị trí tại tháp Khương Mỹ (xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành). Đối với mỗi vị trí thí nghiệm, cơ quan chức năng tiến hành đánh giá hiện trạng ban đầu, phân tích nguyên nhân tác động đến vật liệu xây dựng di tích, trên cơ sở đó mới chọn loại sản phẩm và quy trình thí nghiệm phù hợp. Qua thực tế thí nghiệm cho thấy, sản phẩm Anti - Moss Guard của công nghệ nano có công dụng giúp tiêu diệt nấm mốc, địa y, loại bỏ được các tạp chất, nhưng không làm thay đổi tính chất của vật liệu. Còn Protect Guard là sản phẩm gốc nước không có phụ gia, rất thân thiện với môi trường. ProtectGuard hoàn toàn không có màu khi đã khô, giữ cho bề mặt vật liệu luôn khô ráo, hơi nước có thể thoát ra ngoài, nhờ đó vật liệu không bị thay đổi màu sắc, không ảnh hưởng đến cấu trúc của vật liệu và giúp giữ được nguyên trạng ban đầu. (L.V)

LÊ QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tháp Chăm và câu chuyện bảo tồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO