Tháp đèn trong bão

LINH AN 15/11/2020 06:46

Đài báo bão đã bắt đầu sôi lên ở ngoài khơi xa Biển Đông, những cơn dông tiền trạm thì đã phơ phất ở phía bờ. Ông nội chiều nào cũng bắc ghế ngồi trước cái chòi canh mỏng manh ngó mặt ra biển. Ông nói, “đợt này coi mồi bão bầy, bão đàn lớn lắm đây!”. Lời ông không chút sợ sệt nào, chữ cứng đanh như những hòn đá lăn từ trên ngọn núi già nua xuống biển.

 

Ngọn đèn của chiếc tháp canh biển vẫn không thôi cháy, kể cả những đêm rằm trăng tròn vành vạnh. Người ta không biết ngọn hải đăng gần trăm tuổi có trụ nổi qua cơn bão dữ hay không? Những người đàn bà có chồng đi ghe biển, lòng như đốt lửa. Mặc cho gió ngày một thổi mạnh và lạnh, vẫn không sao tắt được những đám cháy trong lòng. Họ xì xầm những niềm riêng, không dám lớn tiếng. Sợ rằng lời nói gió bay, sẽ thành điềm báo dữ. Đôi lúc tôi thấy trong ánh mắt những người đàn bà ấy có sự sợ sệt chính mình, như là những nghĩ suy và lời nói cũng có thể hóa thành cơn bão.

Đài không thôi phát tin tức về bầy bão biển đang xăm xăm tiến vào bờ. Người già ngồi bên chiếc radio cũ, rọt rẹt nghe tiếng được tiếng mất. Hơi biển nhiều năm qua đã luồn lách vào gan ruột chiếc máy phát tin, làm chúng bị gỉ sét đi nhiều. Mặt trời vừa xuống phía đại dương. Những người già thôi ngồi trước nhà ngó về nơi những chiếc ghe chở khẳm nỗi buồn vui của biển. Lúc ấy, cánh đàn bà mới tằng hắng với nhau, họ len lén đến nhà của bà già Huyền Thoại.

Bà già tên Thoại (họ Huyền) không nhớ rõ tên tuổi thật sự của mình sau đợt bão quét qua làng. Bà cũng không có bất kỳ ký ức nào về hai ngày lênh đênh trên biển, ôm khúc gỗ nổi và bị một cơn sóng lớn đẩy dạt vào bờ, neo lại ở cái hang hõm, nơi bàn chân núi de ra mé biển. Huyền thoại kể trên là do người ta nói với nhau, lúc tìm thấy bà vẫn còn cầm chút hơi thở mỏng, trong khi ngôi làng biển bị san bằng. Bà già Huyền Thoại đã mù từ lâu, từ những ngày bà sống trong nỗi ám ảnh thường trực của nỗi nhớ chập chờn bóng dáng chồng con, sau ngày trắng bão. Bà ngồi khóc trước biển, và cứ khóc mãi cho đến khi đôi mắt mù đi vì chất chứa đầy cườm đá.

Bà Thoại vừa lụi hụi nấu cơm, vừa cằn nhằn thằng Gió nào đó nói mãi không nghe, cứ đùa với con nhỏ tên Lửa, làm bếp bà xì xụp khói không thôi vờn quanh mặt. Bà cay mắt quá, mặc dù đôi mắt đã mù từ sau cơn bão năm Thìn rất lâu. Bà già thôi cọ que diêm vào hộp quẹt, khi nghe tiếng người bước vào nhà. Những lời nói nhỏ xíu dúi vào tai, bà gật đầu rồi bước ra giữa ngôi nhà như cái chòi vịt, bày chiếc chiếu đỏ có chữ Thọ in ở giữa. Ngồi xuống đó, bà Huyền Thoại thả mấy đồng xu lên chiếc dĩa sành, lắng tai nghe rồi phán rằng, “bão năm nay không thua gì năm Thìn bão lụt”.

Cái năm Thìn ác mộng ấy cứ đi đi về về sau mỗi mười hai năm. Không hiểu sao ông Rồng không phun ngọc ngà châu báu mà cứ phun ra những thứ bão bùng quái dị. Để rồi những chiếc ghe đi không về, và những người đàn ông vạm vỡ của biển cũng biệt tâm từ đó. Cuối xóm, những ngôi mộ gió lại được đắp lên, mặc cho cát cứ vơi dần sau mỗi lần bão nổi.

Không tham gia đoàn người đi coi bói đó, nhưng mẹ nghe mấy bà bạn xóm rỉ tai, mẹ cũng thấy nhói lòng. Ông nội giận dỗi khẻ đọt tre vào tay tôi vì tội đi theo bầy đàn bà coi bói. Ông nói, sống chết đều có số mạng cả. Ngồi nơi chiếc giường cưới nhiều năm không có hơi đàn ông, mẹ quay mặt vào vách giấu đi nước mắt. Biết con dâu đang nhớ chuyện ngày xưa, không hiểu trong lòng có nỗi gì không mà ông nội ôm lấy tôi rồi nói, “thôi, đi ra biển!”

Hôm đó những sợi dây câu của ông không dính một con mực nào. Chúng cũng bắt đầu đi trú ẩn. Những đàn kiến không thèm tha lá mục, chúng vác những cái trứng trắng to chạy cuống cuồng về phía tây. Ông nội bước qua một bước, nói dúi lại tôi rằng: “Không được chọc kiến nghe chưa?”. Ngồi chăm chú ngó bầy kiến chạy bão, tôi không biết trong chúng có đứa nào tên Hoài Hận Bão như tôi không. Chắc là có nhiều, chúng phải chết nhiều mới có kinh nghiệm chạy bão như vậy, và biết đâu cả dòng họ kiến đều tên Hoài Hận Bão.

Đó là tên tôi, nhưng có đoạn tôi giận cái tên của mình ghê gớm. Tôi không biết rõ rành sự mất mát nào của bão. Chỉ có điều, tôi không có cha. Từ nhỏ tôi đã không biết mặt cha mình. Mẹ và ông nội đã bảo bọc và không để tôi bị mặc cảm với chúng bạn. Tôi có một nhóm bạn đều không cha như nhau. Bọn tôi thường ra phía biển gọi tên cha mình, coi có một phép màu nào để những người đàn ông trở về hay không? Nhưng vô vọng, không ai về cả. Và đứa nào cũng vậy, nên nỗi mất mát không cha trong những năm tháng tuổi thơ ngu ngơ khờ dại hiếm khi làm tôi cảm thấy mặc cảm, chạnh lòng. Và vì thế tôi không thích “hận bão”. Tôi nghĩ rằng bão có đến thì mình tránh thôi, nó là hiện tượng thiên nhiên thì lý gì mà mình hận nó. Có lần tôi nói với nội như vậy. Ông giận dỗi đánh tôi một cái rõ đau. Rồi nghĩ điều gì đó sau tiếng khóc của cháu. Ông ôm tôi vào lòng. Mặt áp vào ngực ông, tôi thấy đầu mình ươn ướt những giọt nước nóng hổi. Và chúng cũng mặn như biển, như máu vậy!

Mẹ bắt đầu thấy sợ, nỗi sợ của người đàn bà góa đang dán chặt vào ngôi nhà ngó mặt ra đại dương xanh. Những bầy gió như đám trinh sát ẩn náu kín kỹ. Nhưng vẫn không sao qua mắt được linh cảm của người đàn bà có chồng bị bão cuốn đi. Mẹ mua thêm gạo mì, dầu lửa và các vật dụng. Mẹ nói, sẽ gửi tôi và ông nội về nhà ngoại ở nơi xa tâm bão. Mẹ vét hết mớ tiền tiết kiệm chỉ đủ mua vé xe cho hai ông cháu rời đi trước khi cơn bão vào bờ. Nhưng ông nội nhất quyết không đi. Ông nói rằng hai mẹ con cứ đi đi, để ông lại nơi này để chống bão. Nhưng rồi không có một đồng thuận nào về việc rời đi, và cả tôi, tôi cũng không chịu đi về xuôi nữa. Tôi muốn nhìn cho rõ mặt đám bão ra sao.

Người ta bàn tán rằng nhà ông già đèn biển bị khùng rồi, con trai duy nhất chết bão nên ông khùng. Rồi sự khùng lây cho con dâu và đứa cháu nội. Họ nói phải tránh đi, phải né đi hết. Họ đâu biết những chiếc tàu chưa vào bờ thì ông nội vẫn thấy lòng mình như có trăm ngàn cơn bão.

Đài báo nội trong nay mai, bão sẽ vào tới đất liền. Thời gian chuẩn bị không còn nhiều nữa. Ngôi nhà đã cơ bản chằng níu xong, chỉ còn cái tháp đèn trăm tuổi là làm ông nội lắng lo, không biết nó có trụ nổi qua cơn bão dữ này không nữa. Đôi tay già nua, sờ trên phiến đá bia khắc năm xây dựng tháp, cách nay đúng chín trăm năm mươi sáu cơn bão lớn nhỏ. Ông thấy bóng dáng của bao đoàn tàu vào bờ tránh bão, ông thấy cơn bão dữ đi qua nhưng tháp vẫn ung dung, đôi mắt tháp sáng rực giống một thanh gươm xuyên qua cơn bão cuộn tròn như con ốc sên dựng ngược.

Ông nội cứ lau đi lau lại tấm kính của bóng đèn biển. Sợ ánh sáng sẽ yếu đi một chút thì sẽ có những chiếc ghe về bờ sai hướng. Chưa bao giờ tôi thấy nỗi lo của ông nội cùng nỗi đanh thép với bão hiển hiện cùng một lúc mạnh mẽ đến như vậy. Ông không thôi gọi điện cho khắp các tàu thuyền xóm biển. Dặn dò đủ điều rồi lại cho đèn sáng lên khi mặt trời vừa tắt bóng. Đôi mắt già nua của ông như nhìn thấy được cả những con tàu phía khơi xa. Và bão thì vẫn không thôi lăm lăm tiến vào, khi đoàn tàu đang nhổ neo về bến tháp đèn.

Những cơn gió bắt đầu gào rú, những chiếc ghe về bến tàu neo đậu kín cả một khúc biển. Bà già Huyền Thoại phán rằng, “xóm này có đứa nhỏ sẽ khắc được bão”. Mọi người bắt đầu nhìn về phía tôi, nỗi nghi ngờ và nỗi hy vọng ngập tràn trong mắt họ. Nhưng ông nội bác bỏ, ông cho rằng bà già Huyền Thoại bị điên rồi, “nên bà mới có những mê tín dị đoan quái lạ như vậy. Không có đứa nhỏ nào như bà già phán cả. Nhưng khắc bão thì ông cháu tôi sẽ làm được!”.

Bão vào bờ, những cơn mưa gió không thôi trút như giận hờn, như thù hận, như muốn truy lùng và bóp nghẹt mọi thứ trên đời. Chiếc đèn biển vẫn không thôi cháy. Ngôi nhà tôi được chằng níu kỹ nên bọn gió biển cố cách mấy vẫn không nhổ được. Ông nội vẫn còn ngoài tháp biển, ngọn đèn vẫn nhấp nháy khi còn hai con tàu ngoài ấy chưa về kịp. Trong tiếng thét của bão, tôi nghe như có cả tiếng thét của ông nội.

Và tiếng thét ấy càng lúc càng rõ và gần hơn. Tôi tung chiếc mền ngồi dậy. Gió vẫn không thôi đạp tứ tung vào vách nhà tạo ra những tiếng ầm ào gào rú. Con nước bắt đầu liếm đến nền đất đắp cao ngang ngực người của ngôi nhà. Nhìn ra ngoài cửa bằng một cái lổ đinh của tấm thiết, tôi tung cửa chạy ra phía bão thét điên cuồng.

-  Ông nội, ông nội...!

Người đàn ông già nua của tôi, đang cõng bà già Huyền Thoại. Bà lìa lặc như người chết. Tay chân lạnh cóng như không còn chút sự sống nào. Ông nội đã giành giật bà già lại khi cơn bão cuốn quăng ra phía bờ biển sóng không thôi la liếm. Mẹ con tôi đưa bà vào nhà, còn ông vẫn đi về phía bão, bất chấp lời gọi với theo của dâu và cháu. Bà già Huyền Thoại mấp máy đôi môi sau nửa giờ được ủ ấm và cho uống nước mật gừng. Bà nói rằng mình chỉ được trời cứu một lần thôi, còn lần sau là người cứu. Rồi bà khóc, đôi mắt đầy cườm đã ứa ra những giọt nước mắt nóng như được nung nấu từ tận đáy lòng bà.

Sáng hôm sau bão bắt đầu tan, người ta tìm thấy ông nội nằm sóng soãi cách bờ không xa. Hơi thở của ông còn chút nữa thì đã tan ra, như bão. Câu đầu tiên ông hỏi tôi rằng, “ngọn đèn vẫn không tắt đúng không, Bão?”.

Bà già mù nói rằng, bà nói câu này rồi bà giải nghệ tiên tri: “Bão đã sợ xóm biển này rồi, chúng có thể nhổ mất hàng dương biển chứ không thể nào nhổ được lòng người”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tháp đèn trong bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO