"Thập điều" của Minh Mạng

HỒ TRUNG TÚ 02/02/2017 10:12

Với “Thập điều” (mười lời răn), vua Minh Mạng tạo dựng một “chân dung người Việt” mới khác nhiều với trước đó và để lại dấu ấn trên đời sống chúng ta đến hôm nay.

Trước khi Gia Long lên ngôi, cả hai miền Nam Bắc - tức Đàng Ngoài và Đàng Trong - đều có lối sống phóng khoáng, tự do hơn chúng ta hình dung rất nhiều. Trong sách “Sơn cư tạp chí” do Đan Sơn (1735 - ?) biên soạn vào những năm quân Tây Sơn ra Bắc Hà diệt chúa Trịnh (khoảng 1786 - 1789), tức ở cuối thế kỷ 18 thời Hậu Lê, có chép: “Tục nước ta đối với việc phòng thân của đàn bà rất là sơ lược, đã hở người lộ mặt, lại còn cùng con trai chung đường chung giếng, giẫm cỏ xem chèo, lại còn cùng con trai kề vai chạm lưng, đến khi có người mai mối thì phần nhiều đã mất trinh rồi”.

Đường vào làng. Ảnh minh họa
Đường vào làng. Ảnh minh họa

Sách “Một chuyến du hành đến xứ Đàng Trong vào năm 1792 và 1793” của  John Barrow cũng kể chuyện thủy thủ của ông dễ dàng tìm thấy bạn tình khi ghé các làng chài ở cửa biển Đà Nẵng, những người phụ nữ ở đây chỉ vì vui chứ không phải vì tiền, và thậm chí còn được sự đồng ý của chồng họ.

Thế nhưng đến thời Minh Mạng thì mọi chuyện đã khác. Minh Mạng là ông vua tôn sùng Khổng Tử, đề cao Nho giáo là quốc giáo, nền pháp chế một mực đi theo các chuẩn mực Nho gia; các chỉ dụ chiếu dụ của ông không nhắc đến vua Nghiêu vua Thuấn thì cũng Khổng Tử, Mạnh Tử; không Tứ Thư cũng Ngũ Kinh... Và điểm quan trọng nhất của hệ thống tư tưởng này chính là thái độ xem thường hoặc khinh miệt tất cả chuẩn mực văn hóa khác nằm ngoài hệ quy chiếu của mình, gọi đó là man di, lạc hậu, đi ngược thuần phong mỹ tục, cần được giáo hóa. Chúng ta hãy xem đạo dụ ông ban năm Minh Mạng thứ 20 - 1840 về việc học sau đây để thấy nhân sinh quan Nho giáo của ông là sâu sắc đến như thế nào: “Vua Nghiêu vua Thuấn giữ đạo trung, vua Vũ vua Thang dựng đạo lớn để dạy dân đều là việc học. Những việc chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, thật không có việc học nào lớn hơn thế”.

Suốt 21 năm ngồi trên ngai vàng gần như không năm nào ông không nhắc bộ Lễ chú ý khen thưởng những người vì trung, trinh, tiết, nghĩa hoặc hiếu, thuận, hạnh, trinh trong lối sống và gọi đó là “để làm hưng khởi phong tục tốt đẹp tinh túy”. Năm Minh Mạng thứ 8 - 1828, Trấn thần tỉnh Quảng Nam là Đặng Chương vào tâu, nhân việc Hoàng đế ban dụ rằng: “Các người có trách nhiệm chăn dân, nên nghĩ đến việc tuyên dương giáo hóa, dạy trước điều lễ nhượng, bảo rõ việc nên ưa ghét, để làm hưng khởi phong tục tốt đẹp, tinh túy”. Sau đó sai bộ Lễ đặt ra việc cấp biển ngạch khen thưởng những người có hiếu, thuận, hạnh, trinh; mỗi danh hiệu đều được cấp biển lớn có khắc chữ “Hiếu hạnh khả phong”, “Hiếu thuận khả phong”, “Hạnh nghĩa khả phong”, “Trinh tiết khả phong”. Hệ quả của việc này là gì nếu không phải để đề cao những chuẩn mực lễ giáo phong kiến của Khổng Nho.

Không chỉ là những lời khuyên bảo, năm 1835, Minh Mạng còn ban ra hẳn sách “Thập điều” (10 điều răn) như cẩm nang bỏ túi phổ biến toàn quốc cho toàn dân theo đó học tập, noi theo:

1/ Đôn nhân luật: Trọng tam cang ngũ thường.

2/ Chính tâm thuật: Làm việc gì cũng cốt phải giữ bụng dạ cho chính đáng trong sạch.

3/ Vụ bản nghiệp: Giữ bổn phận, chăm chỉ với nghề của mình.

4/ Thượng tiết kiệm: Đặt chữ tiết kiệm lên trên hết trong mọi việc.

5 Hậu phong tục: Giữ cho phong tục được thuần hậu.

6/ Huấn tử đệ: Phải dạy bảo con em.

7/ Sùng chính học: Chuộng học đạo chính nghĩa.

8/ Giới dâm thắc: Răn giữ những điều dâm tà.

9/ Thân pháp thủ: Cẩn thận mà giữ pháp luật.

10/ Quảng thiện hạnh: Rộng sự làm lành.

Hoàng đế truyền mệnh cho khắc in để ban hành, “đặt ra chế độ tháng mạnh xuân thì quan tuyên lệnh rao truyền ở ngoài đường, tháng giêng thì quan châu trưởng tuyên đọc pháp chế, khiến cho nhà nhà hiểu rõ”. Sau đó sai bộ Lễ soạn “Nghi chú”, tức hướng dẫn thực thi, nội dung như sau: “Phàm trong kinh và các ngoài tỉnh, cùng các phủ, huyện, châu và Quốc tử giám, học chính, giáo thụ, huấn đạo, khi có huấn điều đưa đến đều phải chọn ngày lành để tuyên đọc một lần. Đến ngày đã định, đều đặt một cái án sơn đỏ ở gian giữa cung đình, đem nguyên bản đặt lên. Các quan phủ, huyện, châu trong địa phương tề tựu; các quan văn võ, học thần cũng đều tề tựu; các học trò đang theo học đều khăn áo chỉnh tề, đến sân lạy 5 lạy, rồi chia ngồi hai bên. Trưởng quan tuyên đọc, trước giảng lời dụ chỉ, sau giảng đến huấn điều, diễn dịch từng câu, cốt cho nghĩa lý rõ ràng tường tận, để người nghe có thể hiểu rõ và có thể tiếp thu đại khái được. Giảng xong lại để nguyên bản lên án, lạy 5 lạy rồi lui ra... Từ đó, hằng năm các địa phương thì chọn ngày lành mà hội giảng theo nghi tiết... Các thôn xã cứ nhằm ngày mùng 1 trong 4 tháng quý (tức tháng 3, tháng 6, tháng 9, tháng 12) đặt làm kỳ hạn, đều họp ở đình, một người trưởng mục hoặc hương thân có văn học đứng ra tuyên đọc; nhân dân ngồi yên mà nghe giảng. Việc bày án cũng làm như trên”.

Hai năm sau, 1837, Minh Mạng lại nhắc đến 10 điều răn này trong một chiếu dụ khác: “Việc thay đổi phong tục phải làm dần dần, mới hợp với thành hiệu của vương đạo. Nay chuẩn cho các quan địa phương phải đem những huấn điều đã ban bố từ trước (tức nhắc đến Thập điều răn) ra khuyên bảo nhân dân luôn luôn”. Điều này có nghĩa là Thập điều đã thực sự được phổ biến đến toàn dân, đến từng thôn xóm.

Có nghĩa rằng trước thời Minh Mạng người Việt Nam ta cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài đều có một lối sống tương đối phóng khoáng, không nặng lễ giáo phong kiến, chỉ sau khi Minh Mạng lên ngôi thì mọi chuyện mới đổi khác. Ý thức về tộc họ, phụ quyền, xây dựng nhà thờ, đình miếu tuy đã có nền tảng trước đó nhưng có thể nói đến Minh Mạng thì chuyện này mới trở thành chuẩn mực, nền tảng trong đời sống người Việt.

Dấu ấn của Minh Mạng trong đời sống chúng ta hôm nay là rất lớn thế nhưng hình như chúng ta vẫn chưa hiểu hết vai trò của ông trong việc tạo dựng một “chân dung người Việt” mới khác nhiều với trước đó và vẫn còn đậm nét đến hôm nay.

HỒ TRUNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Thập điều" của Minh Mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO