Thắp sáng đường quê

THIÊN XUÂN - HOÀNG YÊN 22/01/2013 08:42

Mô hình “Thắp sáng đường quê” được nhân dân Đại Lộc tích cực hưởng ứng. Trong đó, xã Đại Hòa là địa phương đầu tiên thực hiện thành công mô hình này.

Ánh điện thắp sáng đường thôn Giao Thủy.Ảnh: THIÊN XUÂN
Ánh điện thắp sáng đường thôn Giao Thủy.Ảnh: THIÊN XUÂN

Xóa “bóng đêm”

Từ khi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được phổ biến rộng rãi đến từng thôn xóm, không chỉ đóng góp tiền của, công sức để bê tông hóa các tuyến giao thông nông thôn, nhân dân xã Đại Hòa còn tích cực thực hiện mô hình “Thắp sáng đường quê”. Mô hình được thực hiện thí điểm thành công tại 2 thôn Thượng Phước và Mỹ Hòa đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, lần lượt các thôn trên địa bàn đều đăng ký triển khai mô hình. Đến tháng 11.2012, 100% các tuyến đường thuộc 11 thôn trên địa bàn xã Đại Hòa đều có đèn điện thắp sáng. Trung bình mỗi thôn có 50 - 70 bóng đèn điện thắp sáng đường quê, tạo nên nét đẹp văn minh nông thôn.

Đèn điện được thắp sáng khắp các con đường đã làm “bộ mặt” thôn xóm thay đổi hẳn vào ban đêm. Người dân ra đường ban đêm giảm bớt nỗi lo về tai nạn giao thông, an ninh trật tự được đảm bảo. Bác Trần Ngân (thôn Giao Thủy) phấn khởi nói: “Từ ngày điện đường thắp sáng thôn quê, người già chúng tôi cơm nước buổi tối xong có thể sang thăm rủ nhau đi dạo, trò chuyện. Người lớn ra đường ban đêm, con cháu ở nhà cũng đỡ lo”. Trẻ con cũng vui mừng vì đường làng chan hòa ánh điện, đi học về muộn không cần ba mẹ phải đưa đón như trước; phụ huynh cũng an tâm. Nhiều người dân cũng cho biết từ khi có điện đường thắp sáng đến nay, các tệ nạn xã hội được hạn chế, trật tự an ninh đảm bảo hơn nhiều. Đặc biệt là đường làng thêm vui hơn vào buổi tối, không còn vẻ buồn tẻ và vắng vẻ vốn có của thôn quê.

Địa bàn xã Đại Hòa là khu vực trồng nhiều chuối nên trước đây lợi dụng bóng tối, bọn trộm hay đột nhập vườn chuối của dân để chặt trộm chuối và bắt gà, bắt chó. Từ ngày đèn điện phủ khắp xã, tình trạng trộm cắp, mất an ninh trật tự đã giảm rõ rệt.  Bà Nguyễn Thị Chín (thôn Lục Bình) vui mừng: “Người dân chúng tôi còn khó khăn, nhưng khi có chủ trương thắp sáng đường quê đã tích cực hưởng ứng, có chừng nào đóng góp chừng nấy. Bây giờ, ban đêm bước ra đường đã có ánh sáng, thiệt vui. Hạn chế được nạn trộm cắp, thiệt mừng”.

Dân tự quản

Ông Nguyễn Văn Thuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hòa cho biết: “Khi triển khai mô hình “Thắp sáng đường quê”, UBND xã đã lên kế hoạch cụ thể cho Ban nhân dân các thôn về họp tổ đoàn kết và phổ biến mô hình với nhân dân. Bà con xóm làng ai cũng ủng hộ và cùng nhau triển khai thực hiện. Về mặt kinh phí, mỗi gia đình đóng góp để lắp điện đường khoảng 200 - 300 nghìn đồng. Đối với những gia đình neo đơn, thuộc diện nghèo khó được miễn hoặc giảm 50% chi phí”. Mô hình “Thắp sáng đường quê” của Đại Hòa hoàn thành vào tháng 11.2012 với hệ thống đèn điện kết nối khắp 11 thôn với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng do nhân dân đóng góp và 53 triệu đồng do xã hỗ trợ.

Khi mô hình đi vào hoạt động, mỗi thôn giao cho từng tổ quản lý “ánh sáng” của tổ mình (bật - tắt hệ thống điện, đóng góp kinh phí sửa chữa thiết bị khi bị hư hỏng…).  Theo quy định chung, từ 18 giờ hàng ngày các tổ có trách nhiệm bật điện trên tuyến đường do mình quản lý và tắt điện mỗi sáng (mùa hè lúc 5 giờ, mùa mưa 5 giờ 45 phút). Tiền điện hằng tháng, mỗi gia đình đóng góp từ 7 - 10 nghìn đồng. Nếu xảy ra sự cố, hư hỏng bóng, mỗi hộ sẽ đóng góp tiền sửa chữa, khắc phục.

Theo báo cáo tổng kết chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2012 của huyện Đại Lộc, Đại Hòa là một trong những xã thuộc tốp đầu thực hiện xây dựng nông thôn mới. Sau hơn 2 tháng ánh đèn điện tỏa sáng khắp các đường làng ngõ xóm đã cho thấy hiệu quả tích cực của mô hình, góp phần thay đổi “bộ mặt” nông thôn của xã Đại Hòa. Mô hình này đang được UBND huyện Đại Lộc phổ biến, nhân rộng thực hiện trong toàn huyện.

THIÊN XUÂN - HOÀNG YÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thắp sáng đường quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO