(QNO) - Thời điểm này, vụ nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh đã kết thúc tuy nhiên, việc nuôi thủy sản trái vụ mong đem lại lợi nhuận lớn cũng khiến cho nhiều hộ nuôi thấp thỏm khi thời tiết diễn biến bất thường vào mùa mưa lũ.
|
Người nuôi tôm ở xã Tam Phú rào lưới, sợ tôm thất thoát ra bên ngoài. |
Điêu đứng vì tôm
Vào chiều ngày 2.11, mực nước tại các sông trên địa bàn tỉnh dâng cao. Mực nước sông Trường Giang đã tràn vào bờ các vùng nuôi tôm trên địa bàn TP.Tam Kỳ. Tại cánh đồng nuôi tôm xã Tam Phú, ở sát ngay chân cầu Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), nhiều hộ nuôi đã dùng lưới giăng cao từ chân ao nuôi tôm để tránh thất thoát tôm nuôi ra ngoài. “Vụ sản xuất chính nắng nóng kéo dài khiến tôm sinh trưởng chậm, còi cọc, đã nhiễm bệnh và chết. Đã qua vụ sản xuất rồi, nhiều hộ không nuôi nữa thì mình tiếp tục thả nuôi nên có nhiều thuận lợi. Vừa chủ động sử dụng nguồn nước, không sợ lây lan dịch bệnh từ ao nuôi tôm khác sang ao của gia đình mà lại bán rất được giá nếu nuôi thành công nên liều nuôi vậy”, - ông Phan Đình (thôn Phú Ngọc, xã Tam Phú) nói. Theo ông Ngọc, ở thời điểm này, tôm nuôi trên 3 ao nuôi có tổng diện tích 2.000m2 đã được hơn 2 tháng tuổi, sắp đến kỳ thu hoạch. Ông Ngọc tính toán, với mật độ thả nuôi là 100 con/m2 thì đến thời điểm này, sau khi trừ hao hụt ít ỏi, có thể thu được 1,5 tấn tôm. “Chỉ mong sao, nước không dâng cao nữa chứ không thì chúng tôi càng thêm bất an. Không dễ chi có được vụ nuôi “ngon” như lúc này. Nếu tôm mà thất thoát thì gia đình sẽ càng khốn khó vì các vụ nuôi trước đã thất bại hết rồi”, ông Đình nói.
Cần chủ động đề phòng Theo ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam, ngành thủy sản khuyến cáo các nông hộ nuôi tôm nói riêng, nuôi thủy sản nói chung cần thực hiện đúng lịch mùa vụ, chủ động sản xuất, thu hoạch trước khi vào mùa mưa bão. Tuy nhiên, do chi phối bởi quy luật cung cầu của thị trường nên vẫn có trường hợp các hộ nuôi trái vụ để tăng giá bán ra khi hàng hóa khan hiếm. Điều đó ngành thủy sản không ngăn cản nhưng cảnh báo nông hộ luôn cần đề phòng, chủ động ứng phó với tình huống, tránh thủy sản nuôi bị chết hay thất thoát gây thua lỗ. |
Tại khu vực nuôi tôm của xã Tam Thăng, cũng được bố trí dọc theo sông Trường Giang đoạn qua cầu Tỉnh Thủy, nhiều hộ nuôi trái vụ hết sức lo lắng. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hà (thôn Kim Đới, xã Tam Thăng) cho biết, có một số rất ít hộ nuôi nhận thấy nước sông dâng cao, sắp tràn vào ao nuôi mà tôm đã được gần 3 tháng tuổi đã quyết định thu hoạch sớm. Ông Hà bảo rằng, khi nuôi tôm trái vụ, họ đã “đánh bạc” với trời rồi, chừ tôm đạt thì không có lý do chi để mà thi gan cùng lũ lụt được. Ông Hà vừa nói vừa bật 2 dàn quạt máy chạy thật lực trong 2 khoanh nuôi tôm có diện tích chừng 1.000m2. “Lỡ nguồn nước đầy phù sa từ sông mà thẩm lậu vào trong ao nuôi thì chỉ có nước điêu đứng. Con tôm nhạy cảm lắm, chỉ cần môi trường nước biến đổi chút xíu là chúng phản ứng liền. Phải chạy quạt đồng loạt để cung cấp đủ oxy, chứ lỡ chúng phản kháng yếu là cầm chắc thất bát”, - ông Hà nói. Theo ông Hà, tôm nuôi của gia đình mới chỉ được gần 2 tháng tuổi, dù có muốn đến mấy cũng chưa thể thu hoạch được. Ông Hà chuẩn bị sẵn vàn lưới thật dài vừa thuê lại của người đi đánh bắt hải sản ở cùng thôn, sẵn sàng vây lấy ao nuôi tôm, hạn chế thất thoát ra bên ngoài.
“Chạy” cá chẻm
Những người nuôi cá chẻm ở khu vực sông Tam Kỳ đoạn qua thôn Tân Phú, xã Tam Phú những ngày qua đầy lo âu. Họ phải canh chừng cả ngày để đối phó với tình huống mực nước dâng cao theo từng giờ.
Ông Nguyễn Vĩnh Hiền cho cá chẻm ăn vào chiều ngày 2.11. |
Gia đình ông Nguyễn Vĩnh Hiền (tổ 5, thôn Tân Phú) đầu tư nuôi 5 nghìn con cá chẻm trên 4 lồng nuôi kết thành bè. Sau 7 tháng thả nuôi, cá phát triển tốt, sắp sửa đến kỳ thu hoạch bán cho thương lái đến thu mua đồng loạt. Ông Hiền cho biết, chỉ một số ít cá nuôi bị hao hụt, đến thời điểm này có khoảng hơn 4.000 con cá chẻm, ước tính thu được khoảng 2,5 tấn cá, bán được chừng 200 triệu đồng. “Từ sáng tới chừ, cả gia đình túc trực quanh sông để phòng tình huống phát sinh. Mật độ ghe thuyền qua lại trong ngày nước dâng cao là quá lớn, lỡ chèo làm đứt lưới quanh lồng bè nuôi cá thì chúng sẽ thoát ngay ra ngoài. Chúng tôi sợ nhất là tình huống đó. Cả đêm nay, chúng tôi sẽ ngủ trên bè cá, cho chúng ăn, quan sát thử có biến động chi không để còn xử lý kịp thời. Ngoài ra, phải chuẩn bị sẵn ghe thuyền và dây néo để neo buộc bè cá khi phải kéo chúng vào sát gần bờ nếu mực nước tiếp tục dâng cao”, - ông Hiền nói.
Cách khu vực nuôi cá của gia đình ông Hiền không xa, ở đoạn sông qua tổ 6, thôn Tân Phú có nhiều hộ nuôi cá chẻm cũng túc trực sẵn sàng khi cá nuôi đến gần kỳ thu hoạch mà nước sông mỗi giờ càng dâng cao. Ngoài lo lắng, sợ thất thoát cá ra sông, các hộ nuôi cũng sợ cá sẽ hao hụt nhiều do biến động môi trường tại khu vực nuôi. Nhiều hộ cho rằng, mặc dù cá chẻm rất mạnh, sức đề kháng tốt nhưng do lũ lụt dâng cao mang theo nhiều bùn đất, phù sa nên rất sợ cá phản ứng xấu. Lo lắng của các hộ nuôi là rất có cơ sở khi trong thời gian qua, liên tục cá nuôi trong lồng bè bị chết ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Nguyên do là do môi trường nước xáo trộn, cá không đủ sức kháng cự, hô hấp chậm, suy yếu dần và chết. Các hộ nuôi tại tổ 6 thôn Tân Phú cứ canh theo từng giờ, nước dâng lên cao bao nhiêu thì lôi kéo bè cá chẻm càng vào sát khu vực bờ sông bấy nhiêu.
VIỆT QUANG