Không gian văn hóa Việt Nam - Nhật Bản đã chính thức được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khai trương tối 11.11, trở thành điểm ghi khắc mối quan hệ bang giao hữu hảo giữa hai dân tộc từ hơn 400 năm trước cho đến ngày nay.
Thủ tướng Nhật Bản và Thủ tướng Việt Nam cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam chụp hình lưu niệm tại Chùa Cầu. Ảnh: XUÂN THỌ |
Từ món quà Châu ấn thuyền…
Việc bàn giao mô hình Châu ấn thuyền của tỉnh Nagasaki cho thành phố Hội An trong những ngày diễn ra sự kiện APEC xuất phát từ câu chuyện diễn ra năm 1619 khi thương nhân người Nhật Bản tên là Araki Shotaro trong những chuyến tàu buôn của mình đã đến Hội An và cưới Công nữ Ngọc Hoa (con gái nuôi chúa Nguyễn) làm vợ. Sau đó, ông Araki Shotaro đưa Công nữ Ngọc Hoa lên thuyền về Nagasaki. Nàng được cư dân Nagasaki thời đó yêu mến gọi là Anio-san. Đây là trường hợp đầu tiên một công dân của Nagasaki kết hôn với người nước ngoài. Mô hình Châu ấn thuyền chính là con thuyền đã đưa Công nữ Ngọc Hoa về Nhật Bản gần 400 năm trước.
Theo ông Miyawaki Masatoshi - Chủ tịch Ủy ban điều hành dự án Châu ấn thuyền: Hội An (Quảng Nam) và Nhật Bản có lịch sử giao lưu từ hơn 400 năm trước, con thuyền mà tỉnh Nagasaki tặng lần này đã được trưng bày một thời gian dài tại Nhật Bản và trở nên quen thuộc với người dân và khách du lịch. Trước khi được vận chuyển về Việt Nam, Châu ấn thuyền đã được tu bổ quy mô lớn và phục chế hầu hết chi tiết, kể cả cải tiến lại bánh xe đẩy và trọng lượng thuyền nhằm thuận tiện hơn khi trình diễn tại các sự kiện lễ hội. “Chúng tôi quyết định tặng mô hình Châu ấn thuyền cho thành phố Hội An nhằm tiếp tục thắp sáng mối quan hệ này, khiến cho tình hữu nghị giữa hai địa phương ngày càng phát triển. Tôi hy vọng trong tương lai con tàu sẽ được nhiều người yêu mến như là biểu tượng của sự giao lưu hữu nghị giữa Nagasaki và Việt Nam, đặc biệt là với Hội An, Quảng Nam và sẽ được sử dụng trong nhiều hoạt động. Tôi mong rằng dự án này là một cơ hội để từ nay về sau các hoạt động giao lưu giữa Nagasaki và Việt Nam sẽ được liên tục tiến hành” - ông Miyawaki Masatoshi nói.
Việc trao tặng Châu ấn thuyền của tỉnh Nagasaki cho thành phố Hội An là một trong những hoạt động thiết thực, cụ thể mà hai bên đã duy trì nhiều năm qua bên cạnh các giao lưu về văn hóa và giáo dục như dạy tiếng Nhật miễn phí cho trẻ em Hội An hay tham dự những sự kiện văn hóa, lễ hội… lẫn nhau. Ông Nakamura Hodo – Tỉnh trưởng tỉnh Nagasaki cho rằng, việc trao tặng Châu ấn thuyền sẽ là khởi đầu tốt đẹp hơn cho nhiều hoạt động giao lưu khác trong tương lai trên các lĩnh vực như kinh tế, giáo dục, văn hóa. “Hội An và Nagasaki đã có mối quan hệ lâu đời trong lịch sử, với trách nhiệm của một công dân chúng tôi muốn truyền sự quý báu của mối quan hệ này đến các thế hệ tiếp theo. Việc tặng thuyền là hành động nhằm kéo dài mối quan hệ đó. Tuy nhiên, điều quan trọng để hai nước duy trì và phát triển mối quan hệ là hai bên phải hiểu nhau, nhân dân hai nước phải hiểu nhau, muốn vậy phải có sự giao lưu, người Nhật phải sang Việt Nam nhiều và ngược lại. Chính vì vậy, hôm nay tôi đã sang Việt Nam nhằm mục đích để hiểu thêm Việt Nam. Từ việc có con người cụ thể để hiểu biết lẫn nhau nó sẽ xây dựng nên các nền tảng để mối quan hệ hai nước phát triển hơn” - ông Nakamura Hodo chia sẻ.
… đến Không gian Văn hóa Việt Nam - Nhật Bản
Với diện tích bao gồm toàn bộ đường Nguyễn Thị Minh Khai và khu vực Chùa Cầu, Không gian giao lưu Văn hóa Việt Nam - Nhật Bản sẽ là nơi diễn ra các hoạt động trình diễn văn hóa dân gian của 2 nước. Tại đây, du khách không chỉ được trải nghiệm các giá trị văn hóa của Hội An thông qua các trò chơi dân gian hay tái hiện các hình thức trình diễn văn hóa truyền thống mà còn có thể hòa mình vào các giá trị văn hóa truyền thống của đất nước Phù tang ngay tại phố cổ.
Phát biểu trong đêm khai trương Không gian giao lưu Văn hóa Việt Nam - Nhật Bản vừa diễn ra cuối tuần qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đinh Văn Thu khẳng định, Không gian Văn hóa Việt Nam - Nhật Bản sẽ bao gồm các hoạt động trưng bày, trình diễn, giao lưu nghệ thuật mang đậm nét văn hóa của hai dân tộc, đặc biệt là mô hình Châu ấn thuyền, quà tặng của tỉnh Nagasaki cho thành phố Hội An. “Không gian này sẽ được duy trì thường xuyên, trở thành biểu tượng của mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, lâu dài và bền vững giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản. Đồng thời đây sẽ là một sản phẩm văn hóa, du lịch độc đáo, đặc sắc đối với du khách khi đến tham quan Hội An” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nhấn mạnh.
Đặc biệt, việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng tháo băng khai trương Không gian Văn hóa Việt Nam - Nhật Bản tại Hội An tối 11.11 đã tạo nên ấn tượng đậm nét về tình hữu nghị tốt đẹp mà hai nước đã duy trì liên tục từ hơn 400 năm qua đến ngày hôm nay.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, Không gian Văn hóa Việt Nam - Nhật Bản sẽ là nơi tôn vinh và duy trì mối quan hệ truyền thống bền vững giữa hai nước, từ đó giới thiệu một cách sinh động nhất về tình hữu nghị giữa dân tộc. “Vừa qua, lãnh đạo 2 tỉnh Nagasaki và Quảng Nam đã ký văn bản kết nghĩa, một trong biểu hiện đầu tiên của mối quan hệ giữa hai địa phương là tỉnh Nagasaki tặng Châu ấn thuyền cho Quảng Nam và tỉnh đã giao lại cho thành phố Hội An trưng bày. Việc tặng Châu ấn thuyền có nhiều ý nghĩa thể hiện sinh động mối quan hệ kết nghĩa của 2 tỉnh. Qua đó, góp phần hiện diện các biểu tượng tình hữu nghị của Nagasaki và Hội An tại thành phố Hội An, một điểm du lịch nổi tiếng. Ngoài ra, với mô hình Châu ấn thuyền được trưng bày tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, nơi tái hiện Không gian giao lưu Văn hóa Việt Nam – Nhật Bản sẽ góp phần tạo thêm một điểm tham quan cho du khách, giúp quảng bá hình ảnh Hội An và mối quan hệ hữu hảo giữa hai dân tộc đến bè bạn xa gần tốt hơn” - ông Sơn nói.
VĨNH LỘC