HĐND tỉnh vừa ban hành một nghị quyết và chính quyền đã cam kết giải bài toán thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm trong bối cảnh nền kinh tế hiện tại vẫn còn quá nhiều khó khăn.
Nghị quyết về tăng trưởng
Tốc độ tăng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) thấp so với kế hoạch, doanh nghiệp chưa thật sự thoát khỏi khó khăn lẫn khá nhiều ý kiến từ cử tri “mong mỏi” giải bài toán tăng trưởng đã “buộc” HĐND tỉnh phải ra một nghị quyết riêng cho vấn đề này. Nội dung bản nghị quyết gồm 11 điểm (sẽ có hiệu lực từ ngày 21.7.2014), bao gồm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khuyến khích tiêu dùng, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay, hỗ trợ thị trường và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, chú trọng các sản phẩm có thương hiệu, sản lượng lớn. Tích cực huy động mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư xã hội, chủ động tìm kiếm thị trường nhập khẩu nguyên liệu thay thế để ổn định sản xuất, có chính sách hỗ trợ kịp thời với người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do tình hình biển Đông. Chính quyền cần có kế hoạch tăng cường chống hạn vụ hè thu, ưu tiên hỗ trợ ngư dân về tín dụng, bảo hiểm, hỗ trợ đóng mới, sửa chữa, nâng công suất tàu cá, duy trì sản lượng đánh bắt, tiếp tục xử lý thu hồi nợ tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản quá hạn. Cắt và điều chuyển vốn các công trình chậm giải ngân, quyết toán công trình và tập trung vốn cho các công trình trọng điểm, gia tăng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hạn chế thấp nhất chi phát sinh ngoài dự toán, thu hồi các nguồn tạm ứng ngân sách, tiếp tục thực hiện tính lãi suất đối với các dự án chậm hoàn vốn theo quy định.
Quảng Nam đặt mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm. Ảnh: T.PHONG |
Ngoài ra, nghị quyết cũng đặt kế hoạch triển khai kiểm soát chặt chẽ các trường hợp sửa chữa, xây mới nhà ở thuộc chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công cách mạng, sắp xếp lại trung tâm giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội nông thôn ưu tiên nguồn lực, phấn đấu đến cuối năm 2014 có từ 8 - 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời gấp rút giải quyết tranh chấp đất nhân dân với lâm trường, phát triển du lịch miền núi, quản lý kiểm soát ô nhiễm môi trường, sạt lở, cải cách hành chính, cải thiện chỉ số. Quan trọng nhất là việc thực hiện tốt khả năng dự báo, dự toán năm 2015, bảo đảm ổn định và giữ mức tăng trưởng của năm 2015. Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang nói, chính quyền, cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần khắc phục khó khăn, tranh thủ cơ hội… mới có thể bảo đảm được tăng trưởng GRDP 11,5%. UBND tỉnh nhanh chóng bố trí nguồn ngân sách đảm bảo thực hiện nghị quyết, giải quyết các tồn đọng, bảo đảm tạo động lực tăng trưởng… trước sự giám sát của cộng đồng
“Thắt lưng buộc bụng” đầu tư
Tăng trưởng GRDP 11,5% như kế hoạch trong bối cảnh nguồn lực đầu tư hạn chế không phải là chuyện dễ dàng. Không thể “đáp ứng” đủ khối lượng “khổng lồ” về đầu tư theo nghị quyết và yêu cầu của nhân dân, nhưng chính quyền cũng đã cam kết sẽ tìm mọi cách để thúc đẩy tăng trưởng với chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Quan điểm của chính quyền là hỗ trợ doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, chọn lọc những công trình hiệu quả để bơm vốn. Sắp xếp lại đầu tư công, tránh lãng phí, tổ chức tăng thu, kiểm soát nợ thuế. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh vì nôn nóng thu hút đầu tư, phân cấp cấp phép, thực tế đã có những dự án thiếu hiệu quả, ô nhiễm môi trường và sai sót, sơ hở lớn từ các cơ quan quản lý khi thẩm định cấp phép hay ra văn bản, nên khi xảy ra tranh chấp, khởi kiện ra tòa thì phần “thua thiệt” lại là của chính quyền và cơ quan quản lý. Vì vậy, để tránh những hệ lụy về sau, cần bình tĩnh, thận trọng, thẩm định kỹ, không cấp phép cho những dự án tổn hại tới môi trường.
Trước công bố khảo sát của doanh nghiệp hiện 90% nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, nhất là cao su tiêu thụ tại thị trường này đến 50% với giá đã giảm từ 13 nghìn đồng/kg xuống chỉ còn 9 nghìn đồng/kg và còn có nguy cơ xuống thấp hơn nữa, chính quyền cam kết, trách nhiệm các cơ quan quản lý là tìm cách mở rộng một số thị trường châu Âu. Một mặt vẫn quan hệ kinh tế với Trung Quốc nhưng nếu Trung Quốc cắt hay dừng nhập khẩu thì dứt khoát không để lệ thuộc. Nếu xảy ra sự cố, chắc chắn chính quyền sẽ có hỗ trợ cho nhân dân. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh, những ý kiến đề xuất của nhân dân là thực sự quan trọng nhưng trước nguồn lực tài chính hạn hẹp, chính quyền buộc phải xếp lại những “hồ sơ quan trọng” khác để dành nguồn lực thật sự cho nhu cầu cấp thiết. Chính quyền sẽ tạm ứng ngân sách để giải quyết các trường hợp nằm trong danh sách 9.541 nhà ở cho người có công cần sửa chữa, xây mới đã được duyệt, song cho đến nay vẫn chưa nhận được hỗ trợ. Sẽ bố trí cho Hiệp Đức, Tiên Phước, mỗi huyện 10 tỷ đồng (từ nguồn điều chuyển) để đầu tư kết cấu hạ tầng giảm nghèo như một cách chia sẻ nguồn lực khó khăn giữa các huyện với nhau khi nguồn lực địa phương không đủ. Ngoài ra, sẽ tranh thủ và đăng ký, cam kết dành nguồn vốn đủ cho ngư dân đóng tàu mới… “Mong nhân dân hết sức thông cảm cho chính quyền, vì có cố gắng đến mấy cũng khó có thể đủ lực để xử lý hết những yêu cầu, dù rất bức thiết trong hiện tại của người dân” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh nói.
TÙY PHONG