Thắt lưng buộc bụng ngân sách

TRỊNH DŨNG 16/07/2020 04:22

Hụt thu chắc chắn xảy ra, không còn cách nào khác, chính quyền tỉnh phải cắt giảm chi tiêu để có thể bảo đảm điều hành ngân sách. Đây là nội dung được quan tâm thảo luận tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 16 diễn ra hôm qua (15.7).

Nền kinh tế phục hồi chậm nên nguồn thu ngân sách gặp khó, buộc chính quyền phải tiếp tục cắt giảm chi tiêu. Ảnh: T.D
Nền kinh tế phục hồi chậm nên nguồn thu ngân sách gặp khó, buộc chính quyền phải tiếp tục cắt giảm chi tiêu. Ảnh: T.D

Suy giảm

Theo dự toán thu nội địa năm 2020 khoảng 20.524 tỷ đồng thì bình quân mỗi tháng phải thu 1.710 tỷ đồng, đã không thể thực hiện được khi chỉ thu bình quân 1.052 tỷ đồng/tháng.

Thống kê của Sở Tài chính cho thấy thu ngân sách nội địa đã “trượt dài” từ con số 1.815 tỷ đồng hồi tháng 1.2020 đã tụt xuống 592 tỷ đồng vào tháng 6.2020. Chỉ có 2/13 khoản thu nội địa đạt tiến độ thu theo dự toán (thuế thu nhập cá nhân và tiền sử dụng đất), 11 khoản thu còn lại đều không đạt tiến độ và giảm so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nội địa 6 tháng chỉ 6.315 tỷ đồng, đạt 30,8% dự toán, giảm 33,5% so cùng kỳ.

Nguồn thu ngân sách suy giảm đã được nhận diện. Chính quyền tỉnh buộc phải thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư sớm đi vào hoạt động, kích thích nền kinh tế phát triển, tạo nguồn thu ngân sách.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng lâu nay chưa có kế hoạch, phương pháp giám sát chuyện thu tiền đất đầy đủ để bổ sung vào ngân sách. Trước khó khăn này, cần đánh giá lại các biện pháp thúc đẩy các nguồn thu từ đất đai, nợ thuế và các doanh nghiệp hạch toán phụ thuộc. Sẵn sàng chủ động các kịch bản ứng phó khi suy giảm ngân sách tiếp tục xảy ra.

Kế hoạch của Quảng Nam là sẽ buộc các ban quản lý, địa phương thực hiện thu hồi tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng trong các khu kinh tế đã đầu tư các năm qua. Tiến hành thương thảo với các tập đoàn, tổng công ty lớn có sản xuất, kinh doanh quy mô lớn về chỉ tiêu sản xuất sát với năng lực đã đầu tư để nộp thuế phù hợp.

Ông Lê Mai Khắc Hưng – Phó Cục trưởng Cục Thuế cho biết, ngành sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, đặc biệt là các khoản thu trên lĩnh vực đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, hộ kinh doanh cá thể và đôn đốc thu hồi nợ thuế. Sẽ phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan theo dõi tiền sử dụng đất từ các dự án qua các năm, xác định số tiền sử dụng đất phải nộp, đã nộp, còn phải nộp để tham mưu UBND tỉnh giải pháp thu hồi nợ đọng tiền sử dụng đất.

Cắt giảm chi tiêu

Theo ông Phan Văn Chín – Giám đốc Sở Tài chính, dự kiến thu nội địa năm 2020 chỉ đạt khoảng 14.424 tỷ đồng, đạt 70% dự toán. Hụt thu 6.100 tỷ đồng, trong đó thu nội địa ngân sách địa phương được hưởng (không bao gồm các khoản thu, chi lại như tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, phí tham quan, phí bảo vệ môi trường) sẽ đạt 66,9% dự toán, hụt thu 5.400 tỷ đồng (ngân sách tỉnh hụt thu 4.350 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện, xã hụt thu 1.050 tỷ đồng).

Khó dự báo dịch bệnh khi nào kết thúc. Thiếu hụt ngân sách, chi tiêu sẽ ngày càng khó khăn hơn. Không còn cách nào khác, cho dù chi ngân sách 6 tháng qua mới chỉ đạt 34%, nhưng chính quyền tỉnh quyết định tiếp tục cắt giảm chi (cả thường xuyên và chi đầu tư). Dự kiến số hụt thu sau khi cắt giảm sẽ khoảng hơn 2.206 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng nói năng lực sản xuất, kinh doanh chưa thể tăng tốc. Cả Trung ương cũng hụt thu lớn. Chuyện Trung ương bù hụt thu cho tỉnh, tỉnh bù hụt thu cho huyện dường như bất khả! Cần theo dõi sát sao thu chi ngân sách thực tế để có thể xử lý, ứng phó kịp thời.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu các địa phương nhanh chóng, chủ động điều hành bảo đảm cân đối ngân sách, chi ngân sách theo dự toán và tiến độ thu, chỉ tham mưu bổ sung chi cho các nhiệm vụ chi thực sự cần thiết, bức xúc và phục vụ công tác chống thiên tai, dịch bệnh. Có đề xuất, nghiên cứu đưa ra các gói giải pháp gì thì cũng phải hạn chế thấp nhất việc sử dụng ngân sách. Các địa phương dự kiến số thu ngân sách cấp mình được hưởng, xây dựng phương án cắt giảm dự toán chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (cắt giảm dự toán chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển) để đảm bảo cân đối ngân sách, trình HĐND cùng cấp thông qua thực hiện. UBND tỉnh sẽ căn cứ vào tình hình thu ngân sách địa phương và hướng dẫn của các cơ quan trung ương về bù hụt thu, tham mưu cho HĐND tỉnh xem xét quyết định cho sát với thực tế điều hành của địa phương.

“Con số 2.206 tỷ đồng thiếu hụt chưa biết sử dụng nguồn đâu để tính toán điều hành. Điều quan trọng là phải giữ vững việc điều hành ngân sách không thì Quảng Nam sẽ rơi vào “khủng hoảng”. Lẽ ra, để kích thích nền kinh tế, phải bơm tiền ra cho đầu tư công nhưng ngân sách hạn chế nên không thể. Việc cắt giảm chi tiêu ngân sách (thường xuyên và đầu tư phát triển) là tình thế bắt buộc, ngoài ý muốn của chính quyền, rất cần sự thông cảm và chia sẻ. Khi ngân sách dồi dào, sẽ nhanh chóng bổ sung cho các dự án đầu tư” -  Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thắt lưng buộc bụng ngân sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO