Tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam tiếp tục cảnh báo, tài nguyên nước đã, đang bị khai thác tùy tiện, thiếu hợp lý, sẽ đối mặt với nguy cơ không đảm bảo an ninh nguồn nước trong tương lai gần.
Thủy điện ngăn dòng chảy, phá rừng khu vực đầu nguồn... là những nguyên nhân làm nghèo nàn tài nguyên nước. |
Quảng Nam đề xuất thành lập ủy ban quản lý lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, cho ra đời nhiều khung pháp lý ổn định trong quản lý, khai thác tài nguyên nước, nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 73 hồ chứa thủy lợi, dung tích hữu ích hơn 497 triệu mét khối; cùng hệ thống kênh mương tương đối hoàn chỉnh, đã chủ động tưới hơn 80% diện tích cây trồng. Vào mùa khô, các con sông trở nên trơ đáy do nhà máy thủy điện tích nước dự phòng. Mặt khác, nhu cầu cần nước phục vụ phát triển sản xuất quy mô công nghiệp. Có nhiều thời điểm mùa khô hạn, nhà máy nhiệt điện than Nông Sơn bất đắc dĩ phải giảm công suất hoạt động do thiếu hụt nguồn nước ở sông Thu Bồn. Theo đánh giá của Sở TN-MT, tài nguyên nước của tỉnh dồi dào nhưng lại phân bổ không đồng đều ở các nơi và phụ thuộc vào thời gian, lẫn yếu tố tác động của biến đổi khí hậu. Tình trạng khai thác vô tội vạ, phá rừng đầu nguồn… là những nguyên nhân khiến suy giảm nguồn nước.
Kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp tỉnh “Giải pháp quản lý tổng hợp tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, do Sở TN-MT phối hợp với Trường Đại học Mỏ - địa chất thực hiện từ năm 2014 - 2016 cho thấy, lượng nước mưa rơi trên địa bàn toàn tỉnh khoảng hơn 30,7 tỷ mét khối/năm, trong khi đó tổng lượng bốc hơi trên toàn diện tích bề mặt của tỉnh là hơn 8,7 tỷ mét khối/năm. Theo các nhà khoa học, để chống thất thoát nguồn nước mặt, biện pháp cần thực thi ngay là đảm bảo dòng chảy tối thiểu, bảo vệ nghiêm ngặt rừng đầu nguồn, bảo vệ chất lượng nước, tuân thủ nguyên tắc xả thải ra nguồn, chống các hoạt động khai thác tài nguyên trên sông có thể gây sạt lở bờ, cân nhắc hợp lý các dự án thủy điện, cầu cảng, chuyển dòng chảy. Do vậy, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên nước hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả.
Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, khi chưa tìm được “tiếng nói chung” giữa các địa phương thì cộng đồng dân cư đóng vai trò như chủ thể quyết định sự sinh tử của con sông. Các dự án khai thác và xả thải vào nguồn nước phải minh bạch thông tin, lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan.
TRẦN NGUYỄN