Thất thu kinh phí công đoàn

TIÊN GIANG 10/09/2014 10:14

Kinh phí công đoàn (CĐ) là phần trích nộp bắt buộc theo Luật CĐ 2012, nhưng lại rất khó thu.

Luật CĐ sửa đổi năm 2012 quy định tất cả cơ quan, tổ chức, DN thuộc mọi thành phần kinh tế, không phân biệt đã hay chưa thành lập CĐ, đều phải có nghĩa vụ đóng kinh phí CĐ bằng 2% tính trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động. Phần này được nộp lên CĐ cấp trên, sau đó CĐ cấp trên sẽ phân bổ lại 65% phần kinh phí đã được nộp cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ chăm lo cho hoạt động của tổ chức CĐ cơ sở, và đời sống của người lao động. Vậy nhưng, hiện nay các đơn vị, mà cụ thể hơn là các DN chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này.

Nhiều công ty cho rằng, nộp 2% kinh phí công đoàn là quá cao. Ảnh: D.L
Nhiều công ty cho rằng, nộp 2% kinh phí công đoàn là quá cao. Ảnh: D.L

Công ty Giày Rieker Việt Nam (KCN Điện Nam - Điện Ngọc) hiện là DN 100% vốn nước ngoài có sử dụng số lượng lao động đông nhất tỉnh, với 12.944 người. DN này cũng được đánh giá là một trong những nơi tạo điều kiện rất tốt cho tổ chức CĐ cơ sở hoạt động. Dù hoạt động CĐ tốt, nhưng dường như DN chưa quan tâm nhiều đến nghĩa vụ phải trích nộp kinh phí CĐ cho cấp trên. Mỗi năm, quỹ lương đóng BHXH của Rieker gần 310 tỷ đồng, nghĩa là Rieker phải trích kinh phí CĐ hơn 6 tỷ đồng/năm (trừ 65% giữ lại tại DN thì còn hơn 2 tỷ đồng phải nộp về cấp trên). Nhưng trong năm 2013, Rieker chỉ nộp 190 triệu đồng, còn nợ hơn 1,9 tỷ đồng. Trong 7 tháng đầu năm 2014, Rieker tiếp tục nợ kinh phí CĐ hơn 1,4 tỷ đồng (chỉ nộp được 150 triệu đồng). Lý do chưa nộp đầy đủ kinh phí CĐ được đại diện DN giải thích rằng để lại cơ sở chăm lo cho đời sống của người lao động.

Cũng như vậy, Công ty TNHH Việt Vương 2 (KCN Điện Nam - Điện Ngọc) không thực hiện đầy đủ việc trích nộp kinh phí CĐ. Cụ thể, năm 2013, DN chỉ trích nộp 30 triệu đồng kinh phí CĐ, 7 tháng đầu năm 2014 DN “quên” nộp, trong khi thực tế DN phải nộp số tiền hơn 432 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Thu Thảo - Trưởng phòng Tổ chức nhân sự (Công ty TNHH Việt Vương 2), cho biết: “Các hoạt động chăm lo cho đời sống công nhân lao động đều do một tay DN thực hiện, cấp trên chưa quan tâm đúng mức. Nếu bắt buộc chúng tôi phải nộp kinh phí CĐ, thì CĐ cấp trên cũng cần xem lại hiệu quả chăm lo cho đời sống người lao động. Chúng tôi thiết nghĩ hàng tháng trích nộp 2% kinh phí CĐ là quá cao, trong khi DN còn nhiều chi phí phải lo hàng tháng. Chúng tôi đề nghị cấp trên cần xem xét lại để DN trích nộp mức phí hợp lý hơn”.

Theo đánh giá của Liên đoàn Lao động tỉnh, hầu như tất cả DN đều “lơ” hoặc số tình “quên” phần nghĩa vụ phải trích nộp kinh phí CĐ. Sở dĩ như vậy vì Luật CĐ quy định bắt buộc nộp, nhưng lại không có chế tài cụ thể, nên việc DN nộp hay không nộp là do ý thức trách nhiệm của mỗi DN, chứ không có quy định nào xử phạt việc này. Vì thế, thu đủ kinh phí CĐ là điều khó khăn, thậm chí có thể thất thu như lâu nay vẫn thế.

TIÊN GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thất thu kinh phí công đoàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO