(QNO) - Ngư dân xã biển Tam Quang của huyện Núi Thành sở hữu phương tiện sản xuất xa bờ cũng như đạt sản lượng đánh bắt hải sản lớn nhất tỉnh trong vòng nhiều năm gần đây. Tuy nhiên năm 2015, địa phương đã trải qua một năm bám biển thất thu.
Yên vắng làng biển
Cuối năm, khắp nơi trên địa bàn tỉnh đều tất bật mua sắm, chộn rộn chuẩn bị đón tết Bính Thân. Vậy nhưng, chúng tôi lại chứng kiến không khí yên vắng đến ảm đạm ở xã biển Tam Quang. Hoa cúc, quật tết, thược dược, mai vàng… đủ loại khoe sắc, được bày bán khắp các nẻo đường quanh xã Tam Quang. Duy chỉ có người mua là thưa vắng. Sau hồi lần tìm, chúng tôi bắt chuyện với chị N. là vợ của ngư dân C. - người sở hữu đến 2 chiếc tàu đánh bắt xa bờ có công suất vào loại lớn nhất tỉnh vào thời điểm này (810CV). “Thật tình mà nói thì hoa tết năm nay không đắt, chỉ vài trăm nghìn là mua được 2 chậu cúc đại đóa ưng ý. Không cần phải khấm khá, người dân làng biển quê tôị cũng mua được để chưng tết. Chỉ có điều, nghề biển năm nay thất thu, những gia đình ngư dân lâu đời không hào hứng đón tết. Không khí vui xuân năm nay trầm lắng lắm!”, chị N. bảo.
Mua bán hải sản ở Tam Quang. |
Tôi còn nhớ như in, vào sáng mồng 6 tết Ất Mùi, ngay sau lễ cúng thần biển đầu năm, các phương tiện khai thác hải sản của ngư dân Tam Quang khấp khởi vươn khơi. Cả chủ tàu lẫn bạn biển đều háo hức vì tin vào thành công của nghề biển. Đến lễ cúng chính diễn ra vào ngày 16 tháng Giêng thì tất cả tàu cá của ngư dân xã biển Tam Quang đều lũ lượt nhổ neo, hướng thẳng ra vùng biển Hoàng Sa sản xuất. Mới đó đã một năm trôi qua. “Không hiểu sao trữ lượng hải sản trên các vùng biển xa của Tổ quốc lại thưa vắng trong cả năm vừa rồi. Đội tàu hơn 10 chiếc của gia đình chúng tôi chỉ cầm cự sản xuất thôi để các “bạn” yên tâm và gắn bó lâu dài chứ chúng tôi không lời lãi chi”, lão ngư Huỳnh Minh Cảnh - đại kình ngư của làng biển Tam Quang chia sẻ.
Cảng biển Tam Quang vắng lặng vào những ngày này. Thi thoảng lắm mới thấy một tàu cá cỡ nhỏ vào neo đậu, bán hải sản. Sự tĩnh lặng này đối lập hoàn toàn với khung cảnh nhộn nhịp đến nhốn nháo mua bán hải sản vào thời điểm cuối năm cũ ở nhiều năm trước. “Cứ tính bình quân một chuyến biển 10 ngày thu được 15 tấn cá nục - sản phẩm chính của nghề lưới vây thì có thể không sợ bị thua lỗ, dù đầu ra có bị ép giá. Vậy nhưng, tính trong cả năm qua, nhiều lắm chỉ có hơn 6 chuyến biển đạt sản lượng đó, còn lại thì hầu hết đều thất thu. Điều khiến các chủ tàu lo sợ nhất là các bạn biển tìm nghề khác hoặc tìm chủ tàu khác để lao động vì thu nhập không đảm bảo trong năm sản xuất này”, ngư dân Trần Bẹn ở thôn Sâm Linh Đông, chủ 2 chiếc tàu QNa - 91594 và QNa - 91819 cho biết.
Ngư dân gặp khó
Theo ông Huỳnh Văn Định, cán bộ phụ trách thủy sản của xã Tam Quang, ngư dân trên địa bàn đã gặp nhiều khó khăn trong năm sản xuất vừa qua. Do thời tiết trên biển diễn biến thất thường, bão liên tục xuất hiện đã khiến cho quá trình đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân bị gián đoạn, nhiều khi chủ tàu phải bỏ dỡ chuyến biển, tổn thất quá lớn. Trong khi đó, lượng cá nổi như cá nục, cá ngừ ít xuất hiện hơn trong năm qua đã khiến cho nghề sản xuất chủ lực là lưới vây gặp khó. Sản lượng thu được đã thấp mà đầu ra lại không ổn định khiến cho ngư dân thất thu, thua lỗ nhiều trong năm qua. “Thu nhập không ổn định, nhiều khi thua lỗ đã khiến cho nhiều chủ tàu không muốn tiếp tục đầu tư sản xuất. Do kinh tế suy giảm, nhiều chủ tàu đã không đủ lực để kiện toàn lại tàu cũ để có thể sản xuất tốt hơn trong thời gian đến”, ông Định nói.
Tàu cá của ngư dân Tam Quang neo đậu tại sông Trường Giang. |
Trao đổi với chúng tôi, bà Huỳnh Thị Mỹ Dung - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết, khai thác hải sản là nghề truyền thống và là ngành kinh tế chủ lực của địa phương, giải quyết việc làm cho 3.450 lao động. Phụ trợ cho nghề cá, hiện tại trên địa bàn có 14 cơ sở sản xuất nước đá giúp các chủ tàu ướp đá, bảo quản hải sản; 4 cơ sở triền đà để sửa chữa, nâng cấp tàu cá hỏng hóc; 24 xe đông lạnh thu mua hải sản đánh bắt được của ngư dân và 5 cơ sở xăng dầu cung cấp nhiên liệu. Điều đáng nói là trong khi hậu cần nghề cá ngày một ăn nên làm ra thì sản xuất trên biển của ngư dân lại bị bức bí. “Điệp khúc được mùa, mất giá tồn tại lâu nay khiến ngư dân gặp khó. Đến thời điểm này lại có thêm hiện tượng ngư dân bị ép giá ngay cả khi sản lượng hải sản thu được không cao. Chúng tôi chỉ mong tỉnh nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để Trung ương phê duyệt và rót vốn về đầu tư khu hậu cần nghề cá hiện đại. Qua đó nghề cá phát triển mạnh, bền vững, ngư dân được ổn định sản xuất chứ không phải o ép đầu ra như hiện tại”, bà Dung nói.
Theo thống kê của UBND xã Tam Quang, số phương tiện khai thác hải sản hiện có của ngư dân trên địa bàn là 337 chiếc, giảm xấp xỉ 5% so với năm trước. Sản lượng khai thác hải sản ước đạt 16 nghìn tấn, giá trị thu được khoảng 223 tỷ đồng. Ngoài nghề chủ lực lưới vây, một số ngư dân đã chuyển nghề sang câu mực khơi.
VIỆT QUANG