Tài nguyên khoáng sản không những ở Quảng Nam, mà nhiều địa phương khác của cả nước cũng bị thất thoát lớn do thiếu công cụ kiểm soát hiệu quả và chưa đánh giá đầy đủ, chính xác trữ lượng khoáng sản trong lòng đất.
Theo thống kê, đến nay UBND tỉnh ban hành hơn 270 quyết định phê duyệt kinh phí cấp quyền khai thác khoáng sản (KTKS), với tổng số tiền hơn 283 tỷ đồng. Giai đoạn 2014 - 2018, toàn tỉnh chỉ thu hơn 185 tỷ đồng tiền KTKS. Việc đấu giá KTKS một số huyện miền núi không thành công do trong quá trình đấu giá đã không thu hút đủ số hồ sơ tham gia đấu giá; doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính theo quy định.
Theo quy định hiện hành, chỉ có các kế hoạch đấu giá là được công bố, còn các quyết định đưa vào khu vực không đấu giá thì không bắt buộc phải công bố. Thực tế, các khu vực có kết quả thăm dò đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác trước khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực. Trong khi đó, việc đấu giá quyền KTKS tại các khu vực chưa thăm dò lại được cho là không khả thi vì cơ quan có thẩm quyền bán đấu giá khó nắm thông tin chính xác về tài sản được đấu giá. Trong khi đó, Cục Kinh tế địa chất khoáng sản (Bộ TN&MT) thống kê, trong số hàng chục nghìn mỏ khoáng sản của cả nước, đến nay chỉ có khoảng 300 mỏ khoáng sản với tổng giá trị 585 tỷ đồng đã được đấu giá thành công.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đưa ra con số gần 5.000 tỷ đồng không thu được số tiền cấp quyền KTKS, tài nguyên nước. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thất thu tài nguyên khoáng sản được xác định là do Chính phủ chậm ban hành nghị định thực hiện Luật Khoáng sản, chưa nắm dữ liệu thông tin về trữ lượng khoáng sản.
Ông Nghiêm Vũ Khải, đại biểu Quốc hội (đơn vị TP.Hải Phòng) cho biết, con số thất thu có thể lớn hơn 5.000 tỷ đồng. Thời gian qua, Bộ TN&MT cấp 400 giấy phép, cấp tỉnh cấp 4.000 giấy phép. Bộ TN&MT thường cấp giấy phép đối với các mỏ có quy mô lớn.
Theo đại biểu Khải, nếu tính 10 tỷ đồng cho một mỏ khoáng sản thì với 400 giấy phép cũng khoảng 4.000 tỷ đồng, 4.000 mỏ ở địa phương cấp đã là 4.000 tỷ đồng, cộng lại thành 8.000 tỷ đồng. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Luật Khoáng sản có hiệu lực từ tháng 7.2011, nhưng Nghị định số 203 hướng dẫn cấp quyền KTKS của Chính phủ có hiệu lực thi hành lại chậm hơn so với luật 2 năm 6 tháng.
Tương tự, Nghị định 82 về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cũng chậm hơn so với luật 4 năm 8 tháng. Do Chính phủ chậm ban hành nghị định khiến các tổ chức, cá nhân không có căn cứ thực hiện nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền KTKS và khai thác tài nguyên nước.
Bộ TN&MT giải thích, việc chậm ban hành các văn bản thực hiện là do giai đoạn 2011 - 2016 có việc quá tải xây dựng văn bản pháp luật với số lượng gần 500 các văn bản dưới luật, nghị định và hơn 100 bộ luật. Thêm vào đó, thu tiền cấp quyền khai thác mỏ là một chính sách mới, lại được đưa ra trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, ngành KTKS bị ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp bị phá sản.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, thời điểm Bộ TN&MT tổ chức các hội nghị đánh giá về chính sách để ban hành nghị định thì Luật Tài nguyên nảy sinh chuyện “thuế chồng thuế”. Trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang rất cao, mục tiêu của Chính phủ là giảm các chi phí, đặc biệt các vấn đề liên quan đến sản phẩm thiết yếu như tài nguyên nước. Chính phủ hết sức quan tâm đến vấn đề để giảm CPI và đánh giá tác động.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phân tích thêm, do hiện nay Việt Nam chưa đánh giá được trữ lượng các mỏ khoáng sản, vì thế chưa có căn cứ thu tiền cấp quyền KTKS. “Có gần 4.000 giấy phép khai thác khoáng sản địa phương cấp là không có đánh giá trữ lượng trước đó. Luật Khoáng sản ban hành chính là thay đổi toàn bộ tư duy để quản lý. Đánh giá trữ lượng của một mỏ nhỏ cũng mất vài năm” – Bộ trưởng Hà nói.