Vợ chồng anh Hai Lệ Bắc ở xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên có 3 sào đất màu nằm dọc sông Thu Bồn. Lâu nay, nhờ chuyên canh ớt mà cuộc sống của họ khấm khá hẳn lên. Anh Hai cho biết, vụ đông xuân năm ngoái, trồng ớt Trang Nông 417 trên ngần ấy diện tích hái được tổng cộng 6 tấn ớt tươi. Bán tại ruộng với giá 5 nghìn đồng/kg, anh thu về 30 triệu đồng, trừ chi phí, lãi ròng không dưới 20 triệu đồng.
Hồi giữa tháng 12.2012, khi chuẩn bị vào vụ sản xuất, nghe một tư thương trú ở địa phương lân cận bảo có giống ớt mới vừa nhập khẩu từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch cho năng suất rất cao, giá bán lại hấp dẫn nên anh Hai đặt mua về trồng. Thấy cây đâm chồi nẩy lộc, vợ chồng anh khấp khởi mừng, nào ngờ lúc ớt bắt đầu ra trái non rộ thì bệnh héo xanh vi khuẩn bùng phát mạnh khiến cây bị thối gốc lẫn thân rồi chết hàng loạt. Anh nói: “Cũng trên cùng một chân đất mà ruộng ớt mình mất trắng hoàn toàn, còn của người ta thì lại trúng đậm. Tui thất bại vì vớ phải giống dỏm, họ thắng lợi là nhờ chung thủy với giống truyền thống. Âu đây cũng là bài học nhãn tiền, là cái giá phải trả cho sự vội vàng chạy theo giống mới mà không nắm rõ lai lịch của nó”. Theo anh Hai, vụ ớt này chẳng những mất đứt khoản lãi 20 triệu đồng như năm ngoái mà còn bị thâm ít nhất 10 triệu đồng cho việc thuê nhân công làm đất, mua hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và trả tiền điện bơm nước tưới...
Chia tay anh Hai, rẽ sang làng bên, Tư Ruộng tôi lại bắt gặp cô Bảy Thanh Châu hì hục nhổ những cây ớt chết héo chất thành từng đống cao ngất. Chưa kịp hỏi han nhau, cô Bảy đã buông một tiếng thở dài: “Đang ăn nên làm ra nhờ cây đậu phụng bỗng dưng nhảy sang trồng cái giống ớt mới ni nên chừ phải ôm nợ”. Lâu nay, vợ chồng cô Bảy thường xuyên trồng đậu phụng trên 2 sào đất màu của mình. Mỗi năm làm 2 vụ, trừ mọi chi phí đầu tư họ lãi ròng gần 10 triệu đồng. Đông xuân này, cô Bảy quyết định không trồng cây đậu phụng để lấy đất trồng giống ớt mới nhập về từ Trung Quốc rồi cũng lâm vào tình cảnh như anh Hai Lệ Bắc. Trao đổi với Tư Ruộng tôi, ông Lê Phước Hải - Phó ban Nông nghiệp xã Duy Châu cho biết, hiện nay tại địa phương có hàng chục hộ dân đang ôm nợ vì đưa giống ớt dỏm có xuất xứ từ Trung Quốc về trồng. Ông Hải nói: “Bây giờ chúng tôi đang tiến hành thống kê mức độ thiệt hại và sẽ khẩn trương báo cáo tình hình lên các ngành liên quan ở huyện để có hướng xử lý đối với người cung ứng giống ớt dỏm này cho nông dân”.
TƯ RUỘNG