Chuyện lùm xùm liên quan đến tình trạng hư hỏng mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã khiến người dân và cán bộ của Quảng Nam thất vọng, bức xúc.
Thông tin hư hỏng mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tập trung tại lý trình km27 (gói thầu số 4) và lý trình km45 (gói thầu số 6) thuộc đoạn tuyến JICA (km0+000-km65+000) liên tục xuất hiện. Điều đáng nói, 65km đầu tiên này mới được đưa vào khai thác ngày 2.8.2017. Nhưng chính việc chậm triển khai sửa chữa hư hỏng, cung cấp thông tin cho báo chí chưa đầy đủ, chưa kịp thời, thậm chí né tránh nguyên nhân sự thật rõ ràng của đại diện chủ đầu tư đã gây bức xúc dư luận. Sáu Còi có lần đề cập, để cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có được hình hài (không bàn đến chất lượng) như ngày hôm nay và thông xe toàn tuyến vào ngày 2.9 vừa qua, nhân dân trong tỉnh chịu rất nhiều hy sinh. Cụ thể, hơn 10 nghìn tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng bởi thu hồi đất phục vụ dự án. Gần 900 hộ gia đình đang sinh sống yên ổn, vui vẻ đành di chuyển đến nơi ở mới; hơn 12 ngôi mộ phải “tái định cư”. Do đó, mọi sinh hoạt, đi lại, lao động sản xuất, giao tiếp hàng ngày phải thích ứng theo. Những hộ ở lại bồn chồn không yên, trên đường cao tốc sợ nước lụt ứ không thoát kịp sẽ tràn sâu vào nhà, phía thượng lưu thì thấp thỏm lo âu dòng chảy thay đổi gây xói lở trôi sập vật kiến trúc, nhà ở.
Bên cạnh nỗ lực khơi thông mặt bằng, Quảng Nam cử cán bộ thường xuyên bám sát, tham mưu kiến nghị bổ sung, thay đổi vị trí cống chui, đường gom... cho phù hợp để nhân dân đi lại thuận tiện, thoát nước nhanh, đúng quy hoạch địa phương. “Nằm vùng” trên mỗi mét chiều dài cao tốc, Phó Trưởng phòng Quản lý hạ tầng giao thông (Sở Giao thông vận tải) - Hà Phước Lộc được giao nhiệm vụ phối hợp cùng địa phương, đại diện chủ đầu tư, nhà thầu để tiếp nhận, kiểm tra, khảo sát và lắng nghe ý kiến của cộng đồng dân cư từng vị trí, địa điểm cụ thể liên quan đến đường gom, đường vào cống chui dân sinh; sửa chữa hoàn trả các tuyến đường địa phương; khắc phục sạt lở vùi lấp đất canh tác, mương tiêu, thoát nước; gia cố chống xói lở hạ lưu các cầu, cống… Có dịp gần gũi bà con vùng dự án, ông Hà Phước Lộc chia sẻ với Sáu Còi, rằng người dân mình khẳng định chủ yếu hy sinh vì công trình trọng điểm quốc gia, chứ thật ra họ đâu hưởng lợi gì.
Với cán bộ tỉnh và các địa phương ảnh hưởng bởi dự án, hơn 5 năm qua đã hao tổn bao tâm lực, trí lực để khơi thông 91,2/139,2km chiều dài mặt bằng toàn tuyến. Tiến hành thu hồi gần 570ha đất các loại; bố trí 1.271 lô đất tái định cư. Trước năm 2016, địa phương có cao tốc đi qua phải “chia lửa” giải phóng mặt bằng mở rộng quốc lộ 1. Xông pha vì cái chung, không ít cán bộ bị phê bình, kỷ luật. Vậy mà, đổi lại bây giờ là công trình 34.516 tỷ đồng mới khai thác đã bị sự cố kỹ thuật. Quảng Nam chịu tiếng lây, mặc dù tất tần tật các khâu quản lý, tư vấn, giám sát, thi công, kiểm định, cho vận hành, khai thác, sửa chữa, thu tiền… không thuộc trách nhiệm của tỉnh. Vậy nên trách nhiệm thuộc về ai thì phải làm rõ và công khai cho dư luận.
SÁU CÒI