Thời nhà Nguyễn, nhiều người Quảng ra kinh đô Huế làm… thầy, có người làm đến Tế tửu Quốc tử giám (giám đốc của trường đại học quốc gia thời đó), có người làm Phụ đạo (dạy các hoàng tử), có người còn dạy cả… nhà vua (giảng sách cho vua nghe ở Tòa Kinh diên). Trong số đó có một nhà giáo đặc biệt, làm “Giám học” trong trường Hậu Bổ, ngôi trường lo việc dạy kiến thức mới về Pháp văn, hành chánh và pháp luật cho các đại khoa trước khi họ được chính thức bổ dụng làm quan. Vì vậy người đời thường gọi ông là thầy của... các quan!
Trường Hậu bổ Huế
Hậu bổ nguyên là một chức quan dưới thời nhà Nguyễn, là những người đã đỗ đạt (từ cử nhân trở lên) đủ tiêu chuẩn bổ dụng làm quan nhưng được thực tập tại các cơ quan trung ương tại kinh đô cho quen việc trước khi được bổ dụng chính thức. Chính vì vậy tự điển Hán Việt giải thích chữ Hậu bổ là Phó quan, còn tiếng Pháp thì dịch là candidate. Đến đời Duy Tân, thay vì thực tập ở các cơ quan trung ương, họ được học tập một cách bài bản để bổ sung kiến thức mới về ngoại ngữ (tiếng Pháp), hành chánh và pháp luật suốt 3 năm tại một ngôi trường mang tên là Hậu bổ, nhằm trở thành một “công chức chuyên nghiệp”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới (nền hành chánh của chế độ thuộc địa Pháp ở Đông Dương).
Theo Nguyễn Đình Hòe trong bài Lịch sử trường Hậu bổ Huế đăng trong Tập san của Hội Đô thành hiếu cổ (B.A.V.H) năm 1935: “Trường Hậu Bổ (Phó quan) ở Huế được thành lập theo Dụ của Hoàng đế ngày mùng 7 tháng 4, niên hiệu 5 Duy Tân (5.3.1911). Trường này nhằm mục đích bồi dưỡng học vấn mới cho các tiến sĩ và phó bảng, cho cử nhân và tú tài của thành viên hoàng tộc hay lớp quan xuất sắc của dân chúng An Nam để phục vụ Nam triều trong ngạch hành chính cũng như trong giáo dục. Các nho sĩ An Nam đều tập huấn một thời gian 3 năm trước khi được đi đảm nhiệm các công vụ. Sự hình thành trường đặc biệt này do sự đề xuất của Logion, Hiệu trưởng Trường Quốc Học thời đó và do ông Labbez - Dự bị công sứ hạng nhất phụ trách công việc dân sự, được sự bảo trợ của các ông Khâm sứ Groleau và Sertier. Trường được vua Duy Tân và Khâm sứ Sertier khánh thành ngày 28.7.1911” (Nxb Thuận Hóa, Huế, 1997, Tập 2, tr.34).
Và trường Hậu bổ thực sự chấm dứt sứ mạng đào tạo “công chức phong kiến” của mình vào năm 1921, hai năm sau khi Nho học cáo chung (1919). Nên “năm sau - 1922, những thanh niên tuấn tú ở Huế muốn chọn đường làm quan thì lên đường ra Hà Nội thi tuyển vào trường Pháp Chính. Hậu bổ hạ màn “một cách bài bản và “có hậu”. (Lê Quang Thái, Tạp chí Sông Hương số tháng 12.2015).
Đứng đầu nhà trường là một viên Đốc giáo (Hiệu trưởng), thường là một vị khoa bảng Nho học nhưng cũng có thể là một nhà Tây học. Đốc giáo đầu tiên là Tiến sĩ Nguyễn Duy Cân (người Quảng Bình, đỗ khoa 1842), Đốc giáo cuối cùng là Họa sĩ Lê Văn Miến (người Nghệ An, tốt nghiệp trường Thuộc địa ở Paris). Còn lo về chuyên môn là vị Phó Đốc giáo thường là một nhà Tây học. Nguyễn Đình Hòe, người từng tốt nghiệp Trung học ở trường Chasseloup Laubat Sài Gòn, từng nhiều năm làm thông ngôn ở tòa Khâm sứ và giảng dạy Pháp văn ở Trường Quốc Học đảm nhận vai trò Phó Đốc giáo (Giám học, Phó Hiệu trưởng chuyên môn) gần như suốt lịch sử của trường.
Thành phần ban giảng huấn của trường là những trợ giáo mẫu mực người Việt; còn việc giảng dạy các môn “bác học” thì do Tòa Khâm sứ cử giáo sư đảm trách. Để được tuyển vào trường ngoài tiêu chuẩn đầu tiên là có học vị Cử nhân trở lên (trong Hoàng tộc hoặc những người có tập ấm thì có thể chỉ là Tú tài) còn phải qua một kỳ khảo hạch gồm hai phần thi viết và thi vấn đáp. Tác giả Hà Ngại trong tác phẩm Khúc tơ đồng cho biết: “Kỳ thi gồm có các bài hành văn chính tả Pháp văn, một bài luận Pháp văn, 2 bài Toán. Khẩu vấn gồm Địa dư Đông Dương, Sử ký Việt Nam, giải nghĩa bài đọc Pháp văn” (Nxb Trẻ, TP.Hồ Chí Minh, 2014, tr.154).
Học viên được chia làm 2 ban, ban Hành chánh và ban Giáo dục. Toàn bộ học viên học chung trong 2 năm đầu, năm thứ ba mới tách ra. Khi đi học được hưởng lương, năm thứ nhất 12 đồng/tháng, năm hai 14 đồng/tháng và năm 3 là 16 đồng/tháng. Ra trường chọn nhiệm sở theo vị thứ. Ban giáo dục được bổ ngay làm Huấn đạo, Giáo thọ (hàm Chánh lục phẩm), ban Hành chánh phải về thực tập thêm ở tỉnh 6 tháng rồi được bổ làm Tri huyện hay Tri phủ (hàm Tòng ngũ phẩm).
Trường được đặt ở khu Thương Bạc, ngày nay là Trụ sở Trung tâm Văn hóa trên đường Trần Hưng Đạo (trước 1975 là rạp hát Trần Hưng Đạo), đoạn giữa cầu Trường Tiền và cửa Thượng Tứ.
Thầy Phó Đốc giáo Nguyễn Đình Hòe
Nguyễn Đình Hòe sinh năm 1866 tại làng Thọ Lộc, tỉnh Thừa Thiên (nay là phường Thuận Lộc, TP.Huế), quê gốc ở làng Hiền Lương, huyện Lễ Dương, nay là xã Bình Giang, huyện Thăng Bình. Thân sinh của ông là một võ quan, làm Quản đốc chiến thuyền dưới thời Tự Đức, đã đưa gia đình ra sinh sống ở Huế.
Lúc nhỏ Nguyễn Đình Hòe được gia đình cho vào học tại trường Chasseloup Laubat ở Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp trung học ông về lại Huế làm thông ngôn. Năm 1894, ông làm thông ngôn cho Tòa Khâm sứ Huế, một thời gian ông chuyển qua dạy Pháp văn tại Trường Quốc Học. Từ năm 1901-1911 ông làm Giám đốc kiêm giáo sư tại Trường Sư phạm Pháp Việt. Năm 1911, ông được cử làm Phó Đốc giáo (Giám học) cho trường Hậu bổ. Năm 1921, khi trường Hậu bổ bị giải thể ông chuyển về dạy ở Quốc tử giám. Năm 1923, ông được cử làm Thượng thư bộ Lễ cho mãi đến năm 1935 mới về hưu. Ông mất năm 1942, thọ 76 tuổi. Nhà thờ ông hiện nay ở tại số 12 đường Bạch Đằng, Huế. Ông cũng là nhạc phụ của vua Khải Định.
Từ năm 1913, Nguyễn Đình Hòe tham gia Hội Những người bạn Cố đô Huế (Association des Amis du Vieux Hué), và là một trong những hội viên thường trực của Hội.
Không chỉ là nhà giáo, Nguyễn Đình Hòe còn là nhà nghiên cứu. Ông có nhiều chuyên đề nghiên cứu về văn hóa lịch sử Huế có giá trị đăng trên Tập san của Hội Đô thành Hiếu cổ (Bulletin des Amis du Vieux Huế, BAVH) như: Ghi chú về những cây thông ở Nam Giao, Miếu Voi Ré, Liệt kê đền miếu và các nơi thờ tự ở Huế (cộng tác với Bác sĩ A. Sallet), Điện Huệ Nam, Ghi chú về các tro di cốt Tây Sơn trong Khám Đường, Lịch sử trường Hậu bổ ở Huế, Vài tư liệu về gia đình Chaigneau và Vannier, Thuyền ngự và thuyền quan thời Huế xưa, Chùa Diệu Đế, Một vài nơi ở Kinh thành Huế…
Các công trình nghiên cứu đồ sộ của ông được giới trí thức đánh giá cao. TS.Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế viết: “Với các nguồn tư liệu dân gian qua giai thoại, câu hò, câu hát, ca dao, tác giả Nguyễn Đình Hòe cũng có phác thảo bước đầu về những đặc trưng văn hóa dân gian xứ Huế; bài khảo cứu này lại có thêm phần chú thích phong phú và uyên bác của linh mục L. Cadière, mở ra một số gợi ý nghiên cứu địa danh học xứ Huế... Nếu không có sự biên khảo có tầm vóc lớn như thế, thì giới nghiên cứu chúng ta ngày nay sẽ rất khó trong việc đi tìm tư liệu lịch sử đối với văn hóa lịch sử Huế xưa…”.
Với tác phong mô phạm, kiến thức uyên bác Nguyễn Đình Hòe xứng đáng là… thầy của các quan.