Thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học: Làm sao vẹn toàn?

10/11/2014 09:26

LTS: Ngày 28.8.2014, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT quy định việc đánh giá học sinh (HS) tiểu học được chuyển từ điểm số sang nhận xét trong đánh giá thường xuyên (hiệu lực thi hành từ ngày 15.10.2014). Sau hơn 3 tuần ngành giáo dục áp dụng, Báo Quảng Nam đã nhận được nhiều ý kiến của các bậc phụ huynh (PH) và cán bộ, giáo viên (GV), bạn đọc với những nhận xét trái chiều khi áp dụng cách đánh giá mới này.

Giảm áp lực cho học sinh

Theo Thông tư 30, đánh giá bằng điểm số chỉ được áp dụng trong bài kiểm tra ở một số môn vào kỳ thi cuối kỳ. Các danh hiệu HS giỏi, HS tiên tiến… cũng được bãi bỏ mà thay vào đó là khen thưởng thành tích nổi bật của HS trong các nội dung đánh giá do hiệu trưởng nhà trường quyết định. Cách đánh giá mới được dựa trên nền tảng cách đánh giá bằng điểm số và nhận xét theo Thông tư 32 năm 2009. Nhiều trường học trên địa bàn Quảng Nam có thuận lợi được kế thừa những kinh nghiệm của cách đánh giá này trong quá trình giảng dạy theo mô hình trường học kiểu mới (VNEN). Tuy nhiên, cũng có những trường mới giai đoạn đầu được tiếp xúc cách này, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi nên còn gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ, dù phòng GD-ĐT các địa phương đã có những buổi tập huấn nghiệp vụ đánh giá HS và thay đổi nhận thức cho GV.

Từ năm học 2014-2015 sẽ đánh giá toàn diện các mặt bằng nhận xét đối với học sinh tiểu học. Ảnh: B.T.M
Từ năm học 2014-2015 sẽ đánh giá toàn diện các mặt bằng nhận xét đối với học sinh tiểu học. Ảnh: B.T.M

Với quan niệm lấy điểm số làm thước đo duy nhất cho sự tiến bộ của HS, lâu nay PH chỉ theo dõi quá trình học tập và tiến bộ của con em mình thông qua điểm số. Do đó, khi đổi mới cách đánh giá, nhà trường cần có cuộc họp hoặc những trao đổi bằng thư điện tử, hệ thống tin nhắn của trường,… tác động đến tâm lý PH. Trong đó thông tin rõ để PH có thể nắm bắt kịp thời sự thay đổi và xác định được vai trò quan trọng của gia đình với việc đánh giá theo quy định mới.

Khó cho giáo viên môn chuyên

Hiện nay, một lớp học ở bậc tiểu học khoảng 35 HS. Bước đầu nhận thấy, việc đánh giá bằng nhận xét đối với từng em khá nặng về sổ sách và mất nhiều thời gian cho GV đứng lớp. Bởi theo từng tháng, GV phải nhận xét cho toàn bộ HS trong lớp mình. Đối với GV chủ nhiệm, việc đánh giá bằng nhận xét được cho là có thể thực hiện được; còn giáo viên dạy môn chuyên thì điều này rất khó khăn. Với các bộ môn như âm nhạc, mỹ thuật,… mỗi trường có một GV phụ trách; có trường một GV môn chuyên phải dạy đến 900 HS. Như vậy, trong tháng GV đó phải đánh giá cho 900 HS, điều này gần như là không thể.

Theo suy nghĩ của tôi, với cách đánh giá mới này, HS được giảm nhiều áp lực về điểm số, giảm sự so sánh điểm số của các em. Nội dung đánh giá được thực hiện ở ba mặt học tập, năng lực, phẩm chất và có sự phối hợp giữa GV - PH - HS. Đánh giá theo quy định mới mang tính toàn diện trên các mặt và là kết quả của việc theo sát quá trình thay đổi của HS. Đánh giá tập trung nhiều vào động viên, khuyến khích, tuyên dương những thay đổi tích cực, tiến bộ của các em. Tuyệt đối GV không phê bình, chỉ trích HS trước tập thể và PH. Với những vi phạm, những điểm cần khắc phục của HS, GV nên có biện pháp để nhắc nhở riêng, tạo mọi điều kiện giúp các em sửa chữa. Đánh giá bằng nhận xét bao gồm cả việc đánh giá bằng lời và nhận xét vào vở. Điểm tâm đắc trong quy định mới này là sau khi đánh giá HS, GV ngay lập tức đưa ra biện pháp hỗ trợ HS.

Trong quá trình đánh giá, GV phải chọn lọc từ ngữ cô đọng, nổi bật, sử dụng những lời nhận xét vừa phải đúng với trình độ HS, vừa phải phù hợp với từng em nhưng tránh chung chung, mơ hồ, và đảm bảo rõ ràng để PH có thể theo dõi quá trình học của con em mình. Điều này đòi hỏi GV phải tích cực, theo dõi sát sao hơn với HS trong lớp. Việc đánh giá cũng nhiều khó khăn hơn cho HS lớp 1. Bởi các em HS lớp 1 mới vào chưa biết chữ. Nhận xét bằng lời nói vẫn được thực hiện nhưng các em còn quá nhỏ nên các em cũng có thể quên lời dặn dò. Nhận xét trong vở các em cũng không thể đọc được. Vì vậy GV phải tìm cách phối hợp với PH để đánh giá. Bên cạnh đó, GV phải vận dụng cách dặn dò nhiều lần, yêu cầu các em nhắc lại trước khi về để các em ghi nhớ. Cô Lại Thị Thu Phương - GV Trường TH Nguyễn Văn Trỗi chia sẻ với tôi cách đánh giá của mình: “Với HS lớp 1, tôi dùng ký hiệu để sửa lỗi nhiều hơn là bằng lời. Với những chữ viết chưa đúng tôi khoanh tròn, kéo mũi tên, kéo dấu móc, gạch chân để giúp HS nhận ra lỗi sai và ghi cách đúng bên cạnh để giúp các em ghi nhớ”.

Cách đánh giá mới này đòi hỏi GV phải yêu nghề, tận tâm; còn PH phải quan tâm, sâu sát việc học của con em mình để phối hợp kịp thời, chặt chẽ với GV. Và hiệu quả lớn nhất cách đánh giá này mang lại, theo tôi sẽ giảm được tình trạng dạy thêm, học thêm, bởi điểm số của con em không còn là áp lực của phụ huynh. (BÙI THỊ THANH MINH)

Phụ huynh phải quan tâm hơn, giáo viên phải nhiệt tình hơn

Là phụ huynh (PH) có con theo học tiểu học tôi đã được nhà trường phổ biến về cách đánh giá mới này ngay từ đầu năm học để biết và cùng phối hợp với giáo viên (GV) chủ nhiệm, nhà trường thực hiện. Theo tôi, thay đổi cách đánh giá học sinh (HS) bằng nhận xét chi tiết thay vì chấm điểm, giúp người dạy hiểu HS hơn từ đó thấy được mặt mạnh, mặt yếu của HS để có lời phê cụ thể xác đáng nhằm động viên khuyến khích các em vươn lên trong học tập. Không có điểm số, HS cũng bớt ganh đua, tị nạnh nhau trong học tập, không khí lớp học sẽ được thân thiện, gần gũi hòa đồng hơn.

Bây giờ tôi đã quên câu hỏi cửa miệng “Hôm nay con được mấy điểm?” khi con vừa đi học về tới nhà hoặc đón con ở cổng trường. Thay vào đó, tôi sẽ xem nhận xét của GV trong vở để biết con mình học hành ra sao, từ đó có biện pháp phối hợp với GV dạy bảo cho con mình. Để làm việc này tôi thấy PH tiểu học bây giờ phải lo lắng, quan tâm nhiều hơn bằng cách đọc kỹ những lời nhận xét chu đáo của GV chủ nhiệm hoặc GV môn chuyên để có phương pháp giúp đỡ con em mình học tập.

Quy định mới này giúp HS có thể vừa học vừa chơi, phù hợp với tâm lý lứa tuổi măng non. Các em không phải lo điểm thấp bị thầy cô phê bình, cha mẹ la rầy, phạt đòn. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, cách đánh giá bằng lời nhận xét sẽ rất trừu tượng, bởi qua nhận xét của GV thì điểm 8 và điểm 10 (theo đánh giá trước đây) bây giờ gần như nhau, PH không định lượng được khả năng con mình đến đâu. Chẳng hạn như điểm 10 nhưng mắc phải lỗi nhỏ thì giáo viên cho là 10- hoặc có điểm hay thì cho 10+ rõ ràng HS sẽ thích thú hơn, PH cũng rõ ràng hơn.

Vợ tôi cũng là GV tiểu học nên tôi biết, thực hiện quy định này GV sẽ vất vả hơn so với cách đánh giá bằng điểm số nhanh gọn chính xác. Bởi lẽ, trong một lớp học có 30 - 40 HS, GV phải cố gắng ghi lời nhận xét cho HS càng nhiều càng tốt để về nhà PH có thể nắm bắt cụ thể tình hình học tập của con em mình. Song để có lời phê một cách chính xác, đánh giá đúng thực chất, GV phải tranh thủ mọi thời gian có thể hoặc phải mang tập vở HS về nhà để ghi lời nhận xét. GV phải tư duy trong từng lời nhận xét sao cho không rơi vào tình trạng sáo rỗng, công thức, lặp đi lặp lại như “học chăm”, “học giỏi”, “cần cố gắng hơn”, “có tiến bộ”... Bởi vậy, GV phải mất thời gian ghi lời phê dành riêng cho mỗi em không giống nhau và phải thay đổi linh hoạt hằng ngày. Với HS khá giỏi thì lời phê, nhận xét còn dễ, nhưng với những em học hành tụt dốc, yếu, kém, việc nghĩ ra lời phê để các em không tự ti mặc cảm, có hướng phấn đấu hơn trong học tập và PH không hoang mang lo lắng là một việc làm vất vả đối với GV. Do vậy, GV phải tranh thủ đến lớp sớm hơn, về muộn hơn để có nhiều thời gian gặp gỡ trực tiếp với PH hoặc trao đổi qua điện thoại, thư điện tử về tình hình học tập của HS nhằm có sự phối hợp giáo dục, đem lại sự tiến bộ cho các em.

Trong bước đầu thực hiện Thông tư 30 vẫn còn nhiều băn khoăn lo lắng giữa PH, HS và GV, nhưng với mục tiêu tăng cường kết nối giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong một môi trường giáo dục sáng tạo, thân thiện tôi nghĩ kết quả giáo dục sẽ theo hướng thực chất hơn. (PHAN QUANG)

Động lực đổi mới

Thực hiện Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT, Phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ đã tổ chức tập huấn, sinh hoạt chuyên đề, triển khai thực hiện một cách hiệu quả việc đánh giá học sinh (HS) theo hướng tích cực.

Cô giáo Phạm Thị Huy Huyền - chủ nhiệm lớp 5B Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (xã Tam Thanh) theo dõi học sinh đánh giá lẫn nhau. Ảnh: Nguyễn Điện Ngọc
Cô giáo Phạm Thị Huy Huyền - chủ nhiệm lớp 5B Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (xã Tam Thanh) theo dõi học sinh đánh giá lẫn nhau. Ảnh: Nguyễn Điện Ngọc

Thông tư 30 là sự hoàn chỉnh của Công văn số 5737 và Thông tư 32 (năm 2009) do Bộ GD-ĐT ban hành về đánh giá HS tiểu học đang theo học các lớp giáo dục kiểu mới (VNEN). Đây là bước tiến lớn trong quá trình cải cách phương pháp đánh giá HS, nhưng đến cuối năm học 2013 - 2014, trên địa bàn Tam Kỳ mới có 3 (trong số 14) trường được tổ chức theo mô hình trường học VNEN. Thực hiện mô hình VNEN từ năm học 2012 - 2013, Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (xã Tam Thanh) đã thu được nhiều kết quả về việc đánh giá HS tiểu học theo phương pháp mới. Hầu hết HS đã quen với cách đánh giá lẫn nhau nên khi triển khai thực hiện Thông tư 30 mọi việc rất thuận lợi và có nhiều ưu điểm. Cô Phạm Thị Huy Huyền - giáo viên (GV) chủ nhiệm lớp 5B Trường Tiểu học Ngô Gia Tự cho biết: “Ưu điểm của việc đánh giá HS theo Thông tư 30 là đối với những em có học lực yếu hơn so với các bạn trong lớp không phải chịu áp lực, tự ti vì thua sút bạn bè, ngược lại các em được khích lệ và động viên rất nhiều. Từ đó, giúp các em có hướng phấn đấu, mặc dù là không bằng các bạn có học lực giỏi nhưng đó là niềm tin để cho các em vươn lên trong học tập”. Cũng theo cô Huyền, khi nhận xét, đánh giá, GV đặc biệt quan tâm động viên, khích lệ, biểu dương, khen ngợi kịp thời đối với từng thành tích, tiến bộ giúp HS yếu tự tin hơn, phấn đấu vươn lên.

Cấm giao bài tập về nhà khi học 2 buổi/ngày

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vừa có chỉ thị yêu cầu các sở, phòng GD-ĐT nghiêm cấm việc giao bài tập về nhà cho học sinh nếu các em đã được nhà trường tổ chức học 2 buổi/ngày. Với học sinh diện này, các em được hướng dẫn hoàn thành nội dung học tại lớp, nhà trường nên tổ chức cho các em để sách vở - đồ dùng học tập tại lớp. Đối với các trường và lớp dạy 1 buổi/ngày, thầy cô chỉ giao lượng bài tập về nhà tối đa bằng số lượng bài tập của học sinh học 2 buổi/ngày và không được giao bài tập ngoài sách giáo khoa.B.T

Trong khi đó, với những trường thực hiện chương trình giáo dục truyền thống như lâu nay, việc triển khai thực hiện Thông tư 30 gặp không ít khó khăn. Cô Nguyễn Thị Mỹ An - GV chủ nhiệm lớp 3A2 Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (xã Tam Phú) nói: “Áp dụng Thông tư 30 là khó khăn rất lớn đối với trường chúng tôi, vì nhà trường đã nhiều năm thực hiện cho điểm số và không được thực hiện mô hình trường học VNEN, nay đột ngột chuyển qua cách đánh giá mới, HS không khỏi bỡ ngỡ và thắc mắc vì sao cô đánh giá em như thế này, như thế kia. Cho nên GV phải mất nhiều thời gian, công sức giải thích cho HS hiểu và phải tư duy suy nghĩ để đánh giá một cách cụ thể, công bằng, khách quan”.

Một cái khó nữa, nội dung đánh giá HS tiểu học phải bao gồm các hoạt động: quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của HS; tư vấn, hướng dẫn, động viên HS; nhận xét định tính về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của các em. Sẽ vất vả cho GV, nhưng theo ông Bùi Tấn Nhã - Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ, Thông tư 30 đánh giá HS một cách toàn diện và sâu sắc hơn, cả về năng lực, phẩm chất; đánh giá theo hướng động viên, khuyến khích các em phấn khởi học tập, giúp khắc phục khó khăn để tiến bộ. Chính vì thế, thực hiện Thông tư 30 sẽ tạo động lực để tiếp tục đổi mới phương pháp dạy - học. Trong quá trình thực hiện sẽ không tránh khỏi những vướng mắc, khó khăn, nhưng ngành GD-ĐT TP.Tam Kỳ quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra nhằm giúp các em hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất như: tự phục vụ, tự quản; giao tiếp, hợp tác; tự học, tự giải quyết vấn đề; chăm học, chăm làm; tích cực tham gia hoạt động của trường, lớp; tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm; trung thực, kỷ luật, đoàn kết… để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. (NGUYỄN ĐIỆN NGỌC)

Cán bộ, giáo viên hưởng ứng

- Cái “thần” của Thông tư 30 là đánh giá thường xuyên dưới 2 hình thức GV nhận xét bằng “lời nói” hoặc “viết” thay vì bằng điểm số. Thông qua đánh giá giúp HS học tập tốt hơn chứ không phải đánh giá để so sánh, phân loại em nào giỏi hơn. Phương pháp đánh giá này có nhiều ưu điểm như không gây áp lực cho HS, giúp các em biết rõ những điểm yếu của mình để sửa chữa, khắc phục. Thế nên, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích rõ mục đích, ý nghĩa của cách đánh giá mới để PH, HS hiểu rằng học không phải vì điểm số mà quan trọng hơn là sự phát triển năng lực, phẩm chất. Vấn đề là làm sao nhận xét cho đúng đối với từng HS để giúp các em biết lỗi mà sửa chữa. Đổi mới cách đánh giá bước đầu sẽ khiến cho GV gặp khó khăn như mất nhiều thời gian viết lời nhận xét nhưng dần dần rồi sẽ quen, và điều này phụ thuộc vào tâm huyết của mỗi GV vì sự tiến bộ của học trò. (Ông Nguyễn Tấn Từ - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD-ĐT)

- Đã quen với việc chấm điểm nên tâm lý của không ít GV tỏ ra lo lắng không thực hiện nổi công việc, lúng túng khi viết  lời nhận xét như thế nào. Đó là chưa kể với những GV bộ môn, giảng dạy hàng trăm HS thì nhận xét, đánh giá lại càng vất vả hơn. Khó khăn nữa là công tác tuyên truyền cho cha mẹ HS hiểu về lợi ích của cách đánh giá mới cũng còn hạn chế vì mới bắt đầu áp dụng. Vừa qua nhà trường đưa lên website của trường và gửi tin nhắn qua điện  thoại nhưng còn hạn chế, dự kiến họp PH cuối học kỳ 1 sẽ thông tin kỹ hơn về thay đổi này. Quan trọng nhất trong việc thay đổi đánh giá lần này là không gây  áp lực cho HS, chống tình trạng dạy thêm, học thêm. (Bà Nguyễn Thị Thanh Hữu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, Tam Kỳ)

- Giảng dạy gần 30 năm nhưng tôi thấy rằng việc đưa ra đánh giá bằng nhận xét thay vì cho điểm đem lại nhiều điều tốt như không tạo ra áp lực cho HS và cả PH; khi cô giáo viết lời nhận xét giúp các em biết lỗi để sửa. Tuy nhiên, thay đổi này cũng làm cho GV vất vả vì nhận xét sẽ mất rất nhiều thời gian dạy trên lớp nên nhiều khi phải mang về nhà, rồi phải tránh nhận xét chung chung. Qua nửa tháng triển khai, thực tế cho thấy có một số HS vẫn thích cho điểm hơn, còn lại rất phấn khởi khi cô viết nhận xét vào bài tập. (Cô Võ Thị Minh Tuyết - GV Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, Tam Kỳ)

Phụ huynh chưa đồng tình

- Tôi không nghĩ thay thế việc cho điểm bằng cách đánh giá, nhận xét HS là cải cách giáo dục, là giảm tải. Bởi cải cách, giảm tải trong giáo dục là cải cách, giảm tải ở chương trình, ở sách giáo khoa. Có điểm số trong vở, HS sẽ phải cố gắng hơn nếu đạt điểm thấp. Nhìn vào điểm số, PH cũng sẽ biết rõ hơn sức học của con mình. Trước đây, mỗi khi được điểm 10 con tôi rất mừng, vội khoe với ba mẹ ngay. Nay được đánh giá tốt, cháu không biết mình được 8, 9 hay 10 điểm. Trong một năm HS tiểu học chỉ có 2 kỳ thi (cuối kỳ và cuối năm) tính điểm để xếp loại như vậy là chưa đánh giá chính xác năng lực thực sự của HS. Vì thực tế, có nhiều em học rất giỏi nhưng đến ngày thi, có thể do tâm lý, do sức khỏe mà làm bài không tốt... (Chị Văn Hồng Dương, Duy Xuyên)

- HS tiểu học, đặc biệt là lớp 1 chưa đọc được chữ, chưa hiểu hết những gì cô giáo nhận xét nên những lời đánh giá, nhận xét dù bằng lời nói hay viết sẽ không có tác dụng và điều này chỉ dành cho phụ huynh mà thôi. Hơn nữa, tâm lý của các em vẫn thích cho điểm hơn; thông qua điểm số phụ huynh mới biết rõ sức học của con em mình chứ qua lời nhận xét chung chung của cô giáo thì chịu. Do đó, tôi cho rằng đánh giá HS tiểu học bằng việc cho điểm vẫn tốt hơn, tạo động lực học tập cho học trò. (Ông Hồ Minh Sơn, Tam Kỳ)

- Đọc những lời nhận xét trong vở của con, tôi không biết sức học con mình như thế nào để có hướng nhắc nhở. Dù biết rằng, được nhận xét “tốt” đồng nghĩa với việc con đạt 8 - 10 điểm, khá nghĩa là 6 - 7 điểm... Tóm lại, cho điểm sẽ kích thích được HS phấn đấu học tập, PH cũng biết được thực lực của con em mình. Theo tôi, GV vừa cho điểm vừa đánh giá thì tốt hơn. (Chị Đinh Thị Hiền, Đông Giang)

- Cách đây 9 năm, khi con tôi còn học lớp 1 Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP.Tam Kỳ), cô giáo Nguyễn Thị Tâm Khánh - giáo viên chủ nhiệm lớp con tôi lúc đó (hiện nay cô Tâm Khánh là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, Tam Kỳ) đã áp dụng cho điểm kết hợp đánh giá. Lúc ấy, ngoài việc cho điểm được thực hiện thường xuyên theo quy định, cô còn đánh giá những khi xét thấy cần thiết. Khi cháu viết chữ xấu, cô cho 5 điểm và nhận xét “Em cần cố gắng rèn thêm chữ viết nhé”; khi cháu có tiến bộ, cô cho 8 điểm với lời nhận xét “Em đã tiến bộ nhiều, cần cố gắng hơn nữa để đạt kết quả tốt hơn”; khi cháu được 10 điểm, cô khen “Em rất giỏi. Nhớ luôn luôn cố gắng em nhé”… Thử hỏi, có PH nào không cảm động trước lời nhận xét thể hiện sự quan tâm, tình cảm và trách nhiệm của cô giáo như thế. Bây giờ ví dụ bỏ những điểm số ở trên đi, chỉ còn lời nhận xét, thật tình tôi sẽ không biết khả năng của con đến đâu, và chỉ còn cách liên hệ với cô giáo để hỏi “lời nhận xét đó tương đương với mấy điểm”. Nên theo tôi, vừa cho điểm, vừa đánh giá bằng nhận xét sẽ phù hợp hơn. (Chị Phan Lê, Tam Kỳ)

- Tôi nhận thấy tình hình giáo dục của Việt Nam (về cơ sở vật chất, về sỉ số học sinh, môi trường giáo dục...) chưa phù hợp với phương pháp đánh giá HS tiểu học bằng cách nhận xét. Bởi lẽ, việc nhận xét đánh giá đến 30 - 40 HS trong một lớp học rất mất thời gian, chưa kể GV phải “nghiên cứu” câu chữ đánh giá sao cho hợp lý, khách quan, không lặp lại. Còn nữa, GV phải làm nhiều loại sổ sách và như thế sẽ không còn thời gian đầu tư nhiều hơn vào công tác chuyên môn, ít có thời gian quan tâm đến những HS yếu, bồi dưỡng HS giỏi. Mấy tuần qua, con tôi được đánh giá “Học tốt, cô khen”, “Hiểu bài, cô khen”, “Làm bài tốt, cô khen”. Đây là những câu đánh giá hết sức chung chung. Tôi không thể biết sức học thật sự của con mình như thế nào, cần phải phấn đấu, nỗ lực ra sao... Những ngày đầu cháu cũng háo hức với những lời nhận xét như vậy, nhưng sau một tuần, cháu đã hết vui. Dù không muốn chạy theo thành tích nhưng tôi vẫn thích nhìn điểm 10 trong vở con hơn là đọc được lời nhận xét chung chung và đầy cảm tính... (Phụ huynh em P.Y.N., Đại Lộc)X.PHÚ - CHÂU NỮ (ghi)
____________________________

Giáo viên sẽ phải làm gì và nên làm gì để thực hiện Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT? Báo Quảng Nam rất mong tiếp tục nhận được những ý kiến góp ý của các bậc phụ huynh, chia sẻ sáng kiến kinh nghiệm áp dụng hiệu quả của giáo viên để việc đánh giá bằng nhận xét sát đúng thực chất nhưng có được sự thuận lợi, không trở thành áp lực cho giáo viên, nỗi lo của phụ huynh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học: Làm sao vẹn toàn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO