Thay đổi cách tính phí tham quan Cù Lao Chàm: Doanh nghiệp phản ứng

VĨNH LỘC 12/03/2015 10:10

Hơn 10 ngày qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Cù Lao Chàm đã làm đơn kiến nghị gửi lên các cơ quan của tỉnh và TP.Hội An phản ánh việc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thu phí tham quan và lặn biển ngắm san hô không rõ ràng.

Phát triển du lịch Cù Lao Chàm đã phát sinh nhiều vấn đề từ phía Nhà nước và doanh nghiệp.                                      Ảnh: T.V.LỘC
Phát triển du lịch Cù Lao Chàm đã phát sinh nhiều vấn đề từ phía Nhà nước và doanh nghiệp. Ảnh: T.V.LỘC

Cần tách các khoản thu

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, ngày 11.12.2014 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 131/2014/NQ-HĐND trong đó có quy định về việc thu phí tham quan và tham gia hoạt động lặn biển tại Cù Lao Chàm. Tiếp đến, ngày 2.2.2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 415 về việc thực hiện quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Căn cứ quy định trên, mức phí tham quan và tham gia lặn biển không khí tài đối với mỗi khách là 40 nghìn đồng/lượt; mức phí tham quan và tham gia lặn biển có khí tài là 60 nghìn đồng/người/lượt. Trên cơ sở Quyết định 415, ngày 1.3.2015, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã triển khai việc thu phí mới, tuy nhiên điều này đã gây ra phản ứng từ phía các công ty du lịch vì theo lý giải của những doanh nghiệp, nội dung quy định thu phí trên được hiểu gồm 2 vế riêng biệt là phí tham quan và phí tham gia lặn biển ngắm san hô nên việc khách không tham gia hoạt động lặn ngắm san hô nhưng cũng phải bỏ tiền ra đóng phí là điều vô lý.

Tại buổi đối thoại doanh nghiệp vừa diễn ra chiều 10.3 có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Phòng Thương mại - du lịch, Phòng Tài chính TP.Hội An…, hầu hết ý kiến doanh nghiệp đều cho rằng nên tách phí tham quan Cù Lao Chàm thành 2 phần riêng biệt là tham quan và lặn biển ngắm san hô để những khách không có nhu cầu lặn biển không phải tốn phí cho dịch vụ này. “Khách thắc mắc rằng vé tham quan và lặn biển có giá 40 nghìn đồng, vậy nếu không lặn biển thì giá là bao nhiêu vì không phải ai cũng biết bơi hay thích lặn biển ngắm san hô nên thành phố cần nghiên cứu đề xuất với các cấp cao hơn để phân biệt rạch ròi” - ông Dương Văn Chiến, Giám đốc Công ty Du lịch Cù Lao Xanh phát biểu. Còn theo ông Phan Hưng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Ngân Hà, việc gộp 2 loại phí tham quan và lặn ngắm san hô vào một giống như ép buộc khách tắm biển để lấy tiền. “Đâu phải khách nào cũng ra đảo du lịch, có người ra thăm người thân, có người ra đi chùa, có người ra thăm bộ đội…, ta phải tách ra từng loại phí nhưng đằng này lại cứ thu đủ, giống như ép họ xuống nước để lấy tiền vậy” - ông Hà gay gắt.

Ngoài ra, việc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thực hiện việc thu phí nhưng chưa phát hành vé mà chỉ phát phiếu tạm thu cho các doanh nghiệp hay thái độ và cách soát vé của đội ngũ nhân viên Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đối với người dân và du khách ra đảo khi yêu cầu phải xuất trình giấy tờ trước khi xuống thuyền… cũng đều được doanh nghiệp phản ánh tại buổi đối thoại. “Dân Cù Lao Chàm nói rằng bây giờ muốn trở về nhà phải xin phép mới được ra đảo, điều này giống như ngăn sông cấm chợ, đây là điều không nên” - ông Trần Hưng, Giám đốc Công ty Du lịch Sông Hội nói.

Sẽ kiến nghị điều chỉnh

Giải đáp những phản ánh tại buổi đối thoại, đại diện Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho rằng, nguyên nhân mà doanh nghiệp thắc mắc là vì câu chữ trong nghị quyết HĐND tỉnh không rõ ràng dẫn đến doanh nghiệp hiểu nhầm vì mức phí tham quan Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm 40 nghìn đồng là trọn gói, bao gồm nhiều dịch vụ như khách được tham quan khu bảo tồn biển, tắm biển, lặn không có khí tài ngắm san hô tại bãi biển nông, xem thắng cảnh trên rừng, tham quan các di tích cấp quốc gia… Tương tự như vậy, mức giá 60 nghìn đồng cũng sẽ được hưởng tất cả dịch vụ trên chỉ khác là lặn biển có khí tài ngắm san hô tại vùng biển sâu. “Trong tờ trình khi chúng tôi đưa lên là hoàn toàn dựa vào ý kiến của doanh nghiệp và được sự thống nhất của rất nhiều bên, kể cả đồng chí Nguyễn Sự (Bí thư Thành ủy Hội An) nhưng có một sự nhầm lẫn trong câu từ của nghị quyết HĐND tỉnh. Nên thay vì mở ngoặc ghi ra các dịch vụ miễn phí bên trong thì lại ghi một câu vắn tắt là phí tham quan khu sinh quyển và điểm nhấn là lặn biển có khí tài và không khí tài. Chúng tôi đã làm tờ trình xin ý kiến của UBND thành phố để trình lại UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh có văn bản giải thích câu từ, hiệu đính lại câu chữ để doanh nghiệp hiểu, chứ không phải là phí tham quan riêng, phí lặn biển riêng” - bà Trần Thị Hồng Thúy, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm giải thích.

Theo bà Đinh Thị Thu Thủy - Trưởng phòng Thương mại và du lịch Hội An, những bất cập khi ban hành một quy định văn bản mới là điều hiển nhiên, vì vậy các bên phải cần phối hợp để cùng giải quyết. Bà Thủy cho rằng, trong quyết định của UBND tỉnh ghi rất rõ, đối tượng nộp phí là khách tham quan du lịch tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm chứ không hề nói người dân, cán bộ, chiến sĩ công tác tại Cù Lao Chàm nên chắc chắn người dân Cù Lao Chàm không bao giờ phải nộp phí và soát vé. Riêng với chuyện phí tham quan, bà Thủy nêu quan điểm, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm trong đó có cả mặt đất, mặt nước, cả rừng, cả con người sinh sống và cả tài nguyên văn hóa gộp lại nên với mức giá 40 nghìn đồng để khách đi tham quan tất cả những điểm này là không đắt. Ngoài ra, khi chào bán tour, doanh nghiệp cũng đã giới thiệu bao gồm tất cả dịch vụ tắm biển, lặn ngắm san hô… nên việc khách dùng hay không là quyền của khách. “Tóm lại thành phố tạo một sản phẩm, trong đó doanh nghiệp bán cho khách một cái tour gồm các tài nguyên trên đảo nếu khách có đủ sức thì xài hết để làm sao trải nghiệm tất cả giá trị tài nguyên thiên nhiên Cù Lao Chàm, và cái này phụ thuộc vào doanh nghiệp chứ không thể nói tách ra từng điểm được” - bà Thủy nói.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thay đổi cách tính phí tham quan Cù Lao Chàm: Doanh nghiệp phản ứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO