Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) - EVFTA được ký kết trên tinh thần hợp tác toàn diện, cân bằng lợi ích giữa hai bên. Đây là một trong những hiệp định được kỳ vọng mang lại lợi ích chiến lược thông qua sự phát triển quan hệ thương mại - đầu tư với một trong những đối tác lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam.
Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực vào ngày 1.8.2020, Chính phủ Việt Nam cùng các bộ, ngành liên quan đã ban hành loạt văn bản hướng dẫn và kế hoạch thực hiện. Sau một năm hiệp định có hiệu lực, đã có 19 bộ, ngành và 57 tỉnh, thành phố trên cả nước ban hành kế hoạch thực hiện EVFTA.
Mặc dù hệ thống pháp luật Việt Nam đã có những điều chỉnh quan trọng ngay từ trước khi hiệp định được ký kết, nhằm đáp ứng những yêu cầu của EVFTA, cho đến nay vẫn còn một số bất cập liên quan đến các luật chuyên ngành và vấn đề thực thi pháp luật. Trong đó, đáng lưu ý nhất là những vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn môi trường do còn tồn tại nhiều khác biệt trong các quy định cũng như cách hiểu giữa hai bên.
EVFTA mở ra cho doanh nghiệp trong nước cơ hội tiếp cận với công nghệ hiện đại và tiên tiến đến từ các nước EU. Trong bối cảnh mô thức thương mại có thể thay đổi theo chiều hướng giảm thặng dư thương mại với EU, việc tăng cường nhập khẩu máy móc, thiết bị hiện đại sẽ không chỉ giúp cho hàng hóa sản xuất trong nước đạt chất lượng và đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn mà còn tăng khả năng cũng như cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp trong nước.
Doanh nghiệp trong nước vì thế cần phải tự làm mới mình, nâng cao kỹ năng và khả năng tiếp nhận công nghệ mới, cải thiện sản phẩm cả về mẫu mã lẫn chất lượng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, để tránh mất lợi thế ngay trên sân nhà.
Trong một tương lai dài hơn, tác động kết hợp của đại dịch Covid-19 và căng thẳng thương mại giữa phương Tây và Trung Quốc có thể thúc đẩy quá trình tái cấu trúc các chuỗi giá trị toàn cầu diễn ra nhanh và mạnh hơn dự kiến.
Cấu trúc của chuỗi giá trị toàn cầu có thể thay đổi theo hướng tích hợp xuôi nhiều hơn và tích hợp ngược ít hơn trước đây. Việt Nam chỉ có thể tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu rủi ro từ quá trình này nếu tái định vị thành công vị thế của mình trong giai đoạn hậu Covid-19.
Nhưng điều này đòi hỏi Việt Nam phải có những giải pháp chính sách mạnh mẽ và chủ động hơn, để có thể xây dựng năng lực sản xuất và xuất khẩu ở cấp cao hơn theo hướng ưu tiên giá trị gia tăng và công nghệ cao.
Việt Nam đang là nước dẫn đầu trong thương mại hai chiều với EU, có thể coi như một cửa ngõ của EU vào ASEAN và có thể là cả Trung Quốc. Nhưng lợi thế này không phải là mãi mãi. Hiện EU cũng đang đàm phán FTA với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia (sau thương vụ đàm phán FTA với khu vực ASEAN sụp đổ).
Đây đều là các quốc gia cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng hóa sang khu vực EU. Do đó, Việt Nam cần tận dụng tối đa lợi thế và cơ hội của người đi trước để duy trì và phát huy lợi thế sẵn có trong quan hệ thương mại với EU.
Để có thể đạt được những lợi ích lâu dài và bền vững từ EVFTA, thay vì những lợi ích trước mắt từ tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu hay dịch vụ, Việt Nam cần hiểu rõ sự hạn chế của chiến lược “hái quả dưới thấp”.
Nói cách khác, nếu chỉ dừng lại ở những cải cách đơn giản, mà né tránh hoặc trì hoãn những cải cách mạnh mẽ - và khó khăn hơn - thì những lợi thế hiện có của Việt Nam như một trong những thành viên đầu tiên của ASEAN (chỉ sau Singapore) ký FTA với EU, sẽ phai nhạt nhanh chóng.