Thay đổi để thành công

HẠO NHIÊN 26/01/2013 16:29

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng có sức lan tỏa và mang nhiều ý nghĩa trong đời sống, không chỉ thay đổi thói quen và tâm lý tiêu dùng mà còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) Quảng Nam ghi điểm với người tiêu dùng trong cả nước. Từ Hội chợ khuyến mại Quảng Nam 2013 kéo dài cả tuần đã nhận diện được khả năng “ghi điểm” ấy.

Quay về thị trường nội địa

Tại Hội chợ khuyến mại xuân Quảng Nam 2013, gian hàng của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ trầm hương Quảng Nam Ngọc Hân (viết tắt là trầm hương Ngọc Hân) luôn thu hút khách tham quan, mua sắm. Bà Nguyễn Thị Tiến, giám đốc công ty, vui mừng: “Từ sự hỗ trợ của UBND TP. Tam Kỳ để tham gia hội chợ và giới thiệu sản phẩm, chúng tôi không ngờ sản phẩm của công ty được nhiều người biết đến từ trước đó, nên doanh số bán hàng trung bình mỗi ngày hơn 10 triệu đồng”. Công ty Trầm hương Ngọc Hân thành lập hơn 3 năm nay. Thời gian đầu, do lo ngại thị trường trong nước khó tiêu thụ, công ty mở rộng tìm hiểu các thị trường Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan… Tuy nhiên, nhiều lần ngược xuôi chào hàng ra bên ngoài không mấy hiệu quả, lại đúng thời điểm suy giảm kinh tế nên ban giám đốc hội ý và quyết định thay đổi. “Sau  thời gian khảo sát thị trường trong nước, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nên chúng tôi thay đổi chiến lược và phương thức kinh doanh, chú trọng thị trường trong nước vốn đầy tiềm năng, nhiều cơ hội và đang bị bỏ ngỏ” - bà Tiến chia sẻ.

 Sản phẩm  phù hợp  với túi tiền nhưng chất lượng cao đã giúp cơ sở sản xuất đồ gỗ Đạt Tân “giữ” được khách hàng.Ảnh: HẠO NHIÊN
Sản phẩm phù hợp với túi tiền nhưng chất lượng cao đã giúp cơ sở sản xuất đồ gỗ Đạt Tân “giữ” được khách hàng.Ảnh: HẠO NHIÊN

Chiếm vị trí tương đối lớn tại hội chợ, Cơ sở sản xuất đồ gỗ vật tư Đạt Tân (huyện Hiệp Đức) cũng thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Theo lãnh đạo Phòng Công Thương Hiệp Đức, thị trường của cơ sở Đạt Tân không còn bó hẹp trong phạm vi của một huyện trung du mà mở rộng ra Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh… Ông Nguyễn Đình Tùng, chủ cơ sở Đạt Tân, lý giải: “Chúng tôi chịu khó tham gia các hội chợ thương mại tại nhiều địa phương để thêm cơ hội giới thiệu sản phẩm ra bên ngoài. Nhưng thực ra, lý do chúng tôi đã mở rộng được lượng khách hàng từ sự thay đổi cách thức kinh doanh và yếu tố kỹ thuật”.

Ghi điểm

Tại hội nghị sơ kết 3 năm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Ủy ban MTTQ tỉnh vừa tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động thì việc doanh nghiệp tích cực vào cuộc chính là yếu tố đảm bảo niềm tin vững chắc của người tiêu dùng đối với hàng Việt. Bởi kết quả những nỗ lực của cơ quan quản lý cũng chỉ có giới hạn, sự đón nhận của người tiêu dùng cũng có điểm dừng nếu sức ỳ từ phía DN quá lớn, nhất là khi DN không tự “làm mới” mình để theo sát thị trường. Thực tế, các DN đứng vững trong giai đoạn suy giảm kinh tế vừa qua đều có mẫu số chung là nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm và cả cơ hội chinh phục khách hàng nội địa. Trong giai đoạn hiện nay, các DN càng phải tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, thực hiện đúng các cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và chăm lo xây dựng hình ảnh thương hiệu… Mỗi DN có chiến lược kinh doanh, quảng bá sản phẩm khác nhau nhưng tất cả đều xoay quanh một trục: biết cách “ghi điểm” trước người tiêu dùng trong nước.

Trở lại với trường hợp của trầm hương Ngọc Hân. Bà Nguyễn Thị Tiến, giám đốc công ty chia sẻ: “Sau khi quyết định khai thác thị trường trong nước, chúng tôi xác định sản phẩm của mình phải khác với sản phẩm các DN cùng ngành nghề. Đi sâu vào xử lý yếu tố kỹ thuật, các sản phẩm trầm hương làm ra phải “thực”, mùi tự nhiên, không dùng hóa chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”. Lợi nhuận thu lại có thể thấp hơn, nhưng về lâu dài sẽ rất có lợi… Tương tự, Cơ sở sản xuất gỗ Đạt Tân cũng đã thành công khi xác định hướng đi đúng đắn để tồn tại. Theo chủ cơ sở Nguyễn Đình Tùng, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, người tiêu dùng đã không còn mạnh tay chi tiêu mà luôn phải cân nhắc chọn món hàng phù hợp với túi tiền. Sản phẩm giá trị cao thì khách hàng không tiêu thụ, giá trị thấp thì lại bị nghi ngờ về chất lượng. Bởi vậy, sản phẩm phải làm sao đạt cùng lúc 2 yêu cầu: vừa đảm bảo chất lượng nhưng giá cả vừa phải. Bám sát yêu cầu này, nên sản phẩm của cơ sở đồ gỗ Đạt Tân liên tục có đơn đặt hàng từ khắp mọi nơi. DN trên lĩnh vực vật liệu xây dựng duy nhất tham gia hội chợ lần này - kính Đại Dương (Duy Trung, Duy Xuyên) - cũng đã xác định hướng đi mới trong thời gian tới. Đó là tiếp tục nghiên cứu thị trường, đa dạng hàng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện tốt bình ổn giá, xây dựng dịch vụ bán hàng có uy tín và hiệu quả, chăm sóc người tiêu dùng. Qua đó, thể hiện trách nhiệm của DN với khách hàng và xã hội trong cuộc vận động này.

Ông Vũ Trọng Kim (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam):
“Cần phân phối hàng về vùng sâu, vùng xa”

Thông qua cuộc vận động, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực bằng việc sử dụng hàng hóa Việt trong tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện các giải pháp khắc phục suy giảm kinh tế, thúc đẩy sản xuất phát triển, bảo đảm sự ổn định về kinh tế - xã hội của tỉnh. Để cuộc vận động ở Quảng Nam hiệu quả hơn, đề nghị UBND tỉnh quan tâm xây dựng chương trình hành động và có kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành thực hiện. Cần có những hành động cụ thể như rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành các cơ chế chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, lưu thông và tiêu dùng hàng hóa trong tỉnh; có chính sách thúc đẩy hệ thống phân phối hàng hóa tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa... để thường xuyên đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng.
Ông Lê Văn Lai (Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh):
“Mưa dầm thấm lâu”

Quảng Nam đã tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia, nhưng thời gian qua nhiệm vụ này gặp một số khó khăn nhất định. Đó chính là thói quen “sính” hàng ngoại, là bất cập từ chất lượng hàng nội, hàng có chất lượng thì giá thành lại quá cao… Cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đã có những khởi động tích cực song chưa đáp ứng được yêu cầu. Chính vì vậy, cần xác định đây là cuộc vận động đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải tham gia, lộ trình triển khai lâu dài và sử dụng phương châm “mưa dầm thấm lâu” mới có kết quả.
Ông Phan Văn Chín (Phó Giám đốc Sở Tài chính):
“Bắc cầu để người bán - người mua gặp nhau”

Thời gian đến, để cuộc vận động đạt kết quả cao hơn cần có vai trò trọng tâm của công tác Mặt trận các cấp trong việc bắc cầu nối để DN, nhà sản xuất (người bán hàng) gặp người tiêu dùng (người mua). Cần có những cơ chế, chính sách thuận lợi với cả hai chiều bán – mua, bởi đây là một cuộc vận động lâu dài. Điều này chỉ có thể gặp nhau khi có sự quyết liệt vào cuộc từ các cấp, các ngành.
Ông Đặng Văn Chương (Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh):
“Quan tâm thương hiệu sản phẩm”

Tôi cho rằng, doanh nghiệp Quảng Nam chưa tạo được thương hiệu cho sản phẩm để định hướng tiêu dùng cho người Quảng. Việc sản xuất, giới thiệu và vận động mọi người dùng các thực phẩm quen thuộc cũng còn nhiều bất cập. Muốn người dân trên địa bàn tỉnh dùng hàng Việt thì ngay từ bây giờ chúng ta nên kêu gọi các DN đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh các sản phẩm phục vụ chính người tiêu dùng Quảng Nam… Đó cũng chính là đầu tư có chiến lược và phát triển bền vững không chỉ cho các DN mà còn định hướng để hàng Việt giải được các bài toán về vận chuyển, sức mở rộng mạng lưới phân phối.MI SA (lược ghi)

HẠO NHIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thay đổi để thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO