Thay đổi kế hoạch sử dụng đất

HỮU PHÚC 06/08/2018 02:09

Bản đồ quy hoạch đất trồng cây cao su được vẽ với diện tích “khủng” từ hơn 10 năm trước nhưng đã bị phá vỡ do nhiều địa phương trong tỉnh không triển khai hoặc cắt giảm phần lớn diện tích quỹ đất. Ngược lại, nhiều nơi đã có cuộc hoán đổi, mở rộng diện tích đất cho phát triển cây dược liệu.

Nguồn lực đất dành để phát triển dược liệu khá dồi dào ở miền núi. TRONG ẢNH: Vùng trồng cây quế ở xã Trà Leng (Nam Trà My).Ảnh: H.P
Nguồn lực đất dành để phát triển dược liệu khá dồi dào ở miền núi. TRONG ẢNH: Vùng trồng cây quế ở xã Trà Leng (Nam Trà My).Ảnh: H.P

Xóa sổ vùng cao su trên giấy

Thời vang bóng của cây cao su, các huyện Thăng Bình, Tiên Phước và Phú Ninh ban hành cả nghị quyết phát triển loại “vàng trắng” này. Nhưng từ hơn 5 năm trở lại đây, giá cao su tiếp tục lao dốc, các địa phương trên hầu như không còn mơ màng đến.

Tại Tiên Phước, việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp của huyện gắn với thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh và các quy hoạch ngành, lĩnh vực. Chính quyền đang vận động hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp thực hiện mô hình vườn đặc trưng vùng quê Tiên Phước bằng cách đổi thửa và khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn, liên vùng liên vườn trong nông nghiệp.

Ngoài ra, hỗ trợ người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong nội bộ ngành nông nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất; triển khai kế hoạch vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên chân ruộng 1 vụ giai đoạn 2018 - 2020 là 300ha.

Theo ông Lê Trí Hiệu – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, địa phương sẽ chuyển đổi toàn bộ quy hoạch trồng cây cao su trên địa bàn huyện giai đoạn 2014 - 2020 là 2.137ha sang mục đích phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại.

Theo quy hoạch dự kiến ban đầu vào năm 2011, đến năm 2020, cả tỉnh sẽ có 48.593ha cao su thuộc địa bàn 8 huyện Núi Thành, Phước Sơn, Tây Giang, Nông Sơn, Nam Giang, Hiệp Đức, Đông Giang và Bắc Trà My.

UBND tỉnh từng điều chỉnh quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng theo hướng đưa khoảng 43.000ha ra khỏi quy hoạch đất rừng sản xuất để trồng cao su. Trong 43.000ha này, thì diện tích đã trồng cao su chiếm khoảng 9.500ha.

Tại Quyết định số 120 năm 2017 về điều chỉnh Quyết định 2462 năm 2013 của UBND tỉnh, diện tích quy hoạch trồng cao su đã giảm rất nhiều. Với những khu vực khe, suối, địa hình hiểm trở, xa xôi mà doanh nghiệp không có điều kiện, khả năng để trồng cao su, thì loại ra. Còn với những khu vực có điều kiện thuận lợi để phát triển rừng sản xuất giao cho dân trồng.

Tại huyện Bắc Trà My, tình trạng bỏ đất hoang hóa kéo dài từ năm này sang năm khác. Theo Nông trường Cao su Bắc Trà My, từ năm 2013 xã Trà Đốc đã quy hoạch 1.400ha cho cao su, nhưng thực tế chỉ thực hiện gần 40ha. Ở xã Trà Nú, quy hoạch diện tích hơn 1.000ha nhưng cũng chỉ thực hiện hơn 500ha. Tổng diện tích trồng cao su của huyện Bắc Trà My hiện hơn 2.000ha. Không thực hiện đúng lộ trình cam kết, có nơi quy hoạch “treo” trồng cao su, vì thế đất nương rẫy cũng trong tình trạng hoang hóa.

Tương tự, tại huyện Đông Giang, hiện trạng “đất chết” do quy hoạch cho doanh nghiệp trồng cao su trở thành mối quan tâm hàng đầu của chính quyền địa phương.

Ngành nông nghiệp tỉnh thống nhất chủ trương, với những diện tích dù đưa vào quy hoạch trồng cao su nhưng doanh nghiệp chậm tiến độ, thì cũng đưa ra khỏi quy hoạch. Hiện nay, diện tích cao su thực tế của tỉnh là hơn 10.000ha, dự kiến phát triển thêm đến năm 2020 chỉ khoảng 2.000ha nữa. Đối với cao su tiểu điền thì vận động người dân cố gắng duy trì diện tích hiện nay, chứ không phát triển thêm. Quy hoạch đất trồng cao su trước đây chỉ dựa vào vài tiêu chí đơn giản như đất chưa có rừng, đất chưa sử dụng, rừng nghèo, độ dốc, lượng mưa…

Dồi dào đất trồng thuốc quý

Nhiều địa phương chưa từng dành nguồn lực đất đai canh tác các loại cây dược liệu, song thực tế cây thuốc quý đã mọc tự nhiên và trồng phân tán ở nhiều vùng.

Tại huyện Hiệp Đức, qua rà soát có 724ha đất thích hợp trồng các loài cây như cà gai leo, ba kích tím, đinh lăng, nghệ và lan kim tuyến. Ông Huỳnh Đức Viên - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hiệp Đức cho biết, cây dược liệu trên địa bàn chủ yếu mọc tự nhiên và nhân dân trồng phân tán. Diện tích cây dược liệu dân trồng chưa nhiều và do Hợp tác xã Bình Sơn thu mua.

“Với gần 20ha cây đinh lăng trồng phân tán trên địa bàn như hiện nay, nếu doanh nghiệp đặt hàng, cam kết thu mua, người dân sẽ rất phấn khởi, thậm chí sẵn sàng hợp tác chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang thâm canh cây dược liệu” - ông Viên nói.

Tương tự, nhiều héc ta đất cát vốn quen với canh tác rau màu ở xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ) đã chuyển sang trồng cây đinh lăng.

Theo ông Nguyễn Văn Thân – Trưởng thôn Phú Đông (xã Tam Phú), đã có hàng chục hộ dân của thôn chuyển đổi đất trồng màu, lúa sang phát triển cây dược liệu. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay vẫn là tâm lý dân còn e dè chưa quyết liệt mở rộng diện tích. Trong khi đó, ngành nông nghiệp địa phương chỉ mới khuyến cáo, hỗ trợ cây giống, kỹ thuật; còn đầu ra cho dược liệu hàng hóa, giá cả ra sao thì vẫn còn bỏ ngỏ!

Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp đầu tư trồng các loại dược liệu như ở huyện Tây Giang có 48ha ba kích; Tây Giang và Nam Trà My có 296ha đảng sâm; 2 huyện Nam Trà My và Bắc Trà My quy hoạch 153,5ha sa nhân và đương quy.

Đầu năm nay, UBND tỉnh phê duyệt đề án bảo tồn, phát triển và ổn định vùng nguyên liệu 9 loại cây dược liệu (đảng sâm, ba kích tím, sa nhân, đương quy, giảo cổ lam, lan kim tuyến, nghệ, cà gai leo và đinh lăng).

Theo đó đến năm 2025, diện tích cây dược liệu quy hoạch là 39.505ha (Trồng mới là 37.034ha và 2.471ha hiện có). Trong đó, tiểu vùng núi cao trồng mới 31.931ha, diện tích hiện có 2.042ha; tiểu vùng trung du trồng mới 3.900ha, diện tích hiện có 292ha; tiểu vùng đồng bằng trồng mới 1.203ha, diện tích hiện có 137ha. Mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng, trồng thuần, trồng xen canh, trồng luân canh… đang được triển khai tại các địa phương miền núi.

Theo ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, tìm quỹ đất cho cây dược liệu không khó, bởi phần lớn loại cây này được quy hoạch ở miền núi - nơi có nguồn lực đất đồi, đất rừng dồi dào. Nhiều địa phương xác định, sẽ chuyển đổi diện tích đất cây trồng kém hiệu quả sang cây dược liệu nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa; đưa ngành nghề trồng cây dược liệu tại các vùng quy hoạch trở thành một nghề có thế mạnh trong sản xuất nông lâm nghiệp, góp phần nâng cao sinh kế, giảm nghèo bền vững.

HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thay đổi kế hoạch sử dụng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO