Nông dân là chủ thể rất quan trọng trong hành trình phát triển của ngành nông nghiệp Quảng Nam. Thời gian qua nhiều nông dân linh hoạt thay đổi phương thức, dần hình thành “phong cách” mới trong sản xuất nông nghiệp.
Dám nghĩ, dám làm
Tôi biết đến mô hình kinh tế của ông Phan Quang Tám (hay còn gọi là Tám Râu) qua báo chí, nhưng vẫn hẹn gặp để được nghe ông chia sẻ về động lực và “phong cách” làm nông của mình.
Khoảng 3 phút sau cuộc gọi của tôi, ông gọi lại với giọng ôn tồn rằng “nếu có thể thì con nên đến trước 8 giờ sáng, bởi lúc đó súng sen đều nở, chụp hình, quay phim mới đẹp...”. Tôi ấn tượng ngay cái tinh thần của một người am hiểu công việc như ông, nên từ sáng sớm đã có mặt, ngồi cùng ông với ấm trà dưới bóng cây dịu mát.
"Nông nghiệp được xem là một “trụ đỡ” hết sức quan trọng của đời sống xã hội; trong đó vai trò của nông dân rất quan trọng. Điều đáng ghi nhận là bước đầu nông dân trên địa bàn tỉnh đã chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”.
(Bà Lê Thị Minh Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân Quảng Nam)
Mảnh đất đang cho quả ngọt này (thuộc xã Điện Phước, Điện Bàn), ông bảo không phải là nơi chôn nhau cắt rốn của mình, nhưng nhà nông trước hết phải biết yêu quý đất đai, dù ở đâu cũng vậy.
Nhà ông Tám ở thôn Phong Thử (xã Điện Thọ), năm 2005 ông qua đây thuê 7.000m2 đất, pha cát, là nơi tập trung các lò gạch.
Ông kể về quá trình cải tạo mảnh đất này nghe như những công đoạn tôi luyện một loại vật liệu chuyên dụng, mà ở đây là vật liệu dùng cho những ao cá cảnh rộng hàng trăm mét vuông, “bởi tôi muốn nó không rút nước như thủng đáy và phải tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho đàn cá” - ông nói.
Mô hình ương nuôi cá cảnh của ông Tám thành công chỉ sau thời gian ngắn. Theo lời ông, “lúc đó ít có người địch nổi bởi nguồn cung của mình quá lớn, thị trường được mở rộng trong Nam ngoài Bắc, mỗi năm thu về tiền tỷ... Nhưng, chỉ có trời hại mới hư, trong 4 năm liên tiếp, trang trại cá cảnh phải hứng chịu đến 5 đợt lũ lụt, cá mắm trôi sạch, thiệt hại không tính nổi”.
Bỏ nghề cá cảnh, ông Tám chuyển qua trồng cây ăn trái. Hiện khu vườn dịch vụ du lịch sinh thái với diện tích 1,1ha của ông được trồng các loại cây chủ lực mít, ổi, bưởi, loại nào cũng sum sê quả.
Đặc biệt, những loại quả này đã có thương hiệu với người tiêu dùng vì được sản xuất sạch và mùi vị khác biệt, nên giá bán lúc nào cũng cao hơn thị trường. “Tính tôi thích làm cái gì là phải ra cái đó, làm lớn, không lem nhem. Tôi đã tích lũy được kinh nghiệm ở một số công việc cụ thể nên tự tin làm, chấp nhận thất bại” - ông Tám chia sẻ.
Tinh thần dám nghĩ dám làm của ông Tám, được xem là một “tố chất” nổi bật của nông dân trong quá trình thay đổi phương thức sản xuất theo xu hướng hiện đại, bền vững. Thực tế, thời gian qua nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã linh hoạt thích ứng với xu hướng sản xuất mới.
Nông dân đã mạnh dạn đầu tư để sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa giống hay rau màu; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở mỗi địa phương; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp... Đặc biệt, người dân đã chú trọng sản xuất gắn với đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và sản phẩm theo nhu cầu của thị trường...
Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng tăng (hiện toàn tỉnh có 81.880 hộ), có thể minh chứng một phần về sự đổi thay của nông dân với “phong cách” sản xuất mới.
Tư duy kinh tế nông nghiệp
Theo bà Lê Thị Minh Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân Quảng Nam, mặc dù tỷ trọng nông nghiệp đóng góp không nhiều trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, nhưng được xem là một “trụ đỡ” hết sức quan trọng của đời sống xã hội thời gian qua; trong đó vai trò của nông dân rất quan trọng. Điều đáng ghi nhận là bước đầu nông dân trên địa bàn tỉnh đã chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Thời gian vừa qua, Trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, mới đây nhất là Nghị quyết số 35 ngày 29.9.2021 của HĐND tỉnh quy định cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy nông dân hình thành phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và tạo ra sản phẩm mới...
Tuy nhiên, “khoảng trống” đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển của nông nghiệp là thị trường bấp bênh, giá vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp tăng cao. Cơ chế chính sách ưu đãi nhiều nhưng việc tiếp cận, thụ hưởng của nông dân còn hạn chế do quy định, thủ tục rườm rà, do tâm lý của người dân ngại tiếp cận cơ chế...
Theo bà Tâm, nông dân rất mong muốn được lao động, sản xuất trong môi trường nền nông nghiệp thịnh vượng, với quy mô sản xuất theo hướng hiện đại, đáp ứng thị trường. Song do vẫn còn thiếu các điều kiện về vốn, khoa học kỹ thuật, liên kết trong sản xuất… nên phần lớn nông dân vẫn sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, thị trường bấp bênh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Bên cạnh đó người dân cũng so sánh việc làm nông nghiệp có thu nhập không bằng các ngành nghề khác, nên nhiều người có tư tưởng làm nông nghiệp chỉ để giữ đất, được chăng hay chớ.
“Với vai trò đại diện bảo vệ quyền lợi cho hội viên nông dân tỉnh, tôi đề nghị khi đã có quy hoạch thì cần phải ưu tiên thực hiện những cơ chế đầu tư phát triển nông nghiệp theo đúng quy hoạch.
Cần có sự phối hợp quản lý chặt chẽ giữa các đơn vị kinh doanh để giá cả đúng với chất lượng hàng hóa; giúp người tiêu dùng không bị nhầm lẫn giữa sản phẩm chất lượng và sản phẩm trôi nổi” - bà Tâm nói.
Loại bỏ tư duy “heo hai chuồng”, “rau hai luống”
Theo Hội Nông dân tỉnh, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh đã tập trung tuyên truyền đến hội viên, nông dân theo hướng dự báo thị trường và vận động nông dân sản xuất theo nhu cầu thị trường, theo định hướng, quy hoạch của tỉnh chứ không nên sản xuất ào ạt theo kiểu năm nay thấy cây trồng con vật nuôi này có giá thì năm sau đổ xô đầu tư lên gấp nhiều lần mà không nghĩ đến đầu ra sản phẩm. Đặc biệt chú trọng sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, loại bỏ tư duy “heo hai chuồng”, “rau hai luống”.
Hội Nông dân tỉnh cũng đặt ra những mục tiêu góp phần nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân: Xác định được hiện trạng các loại cây trồng trên địa bàn để lựa chọn những sản phẩm chính, chủ lực, có giá trị kinh tế và tính cạnh tranh cao nhằm tuyên truyền vận động nông dân đầu tư phát triển.
Mở các lớp tập huấn, hướng dẫn và đào tạo cho nông dân về kiến thức, kỹ thuật, quy trình trồng, chăm sóc các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao để làm ra những sản phẩm đạt chất lượng sản phẩm OCOP và có thể xuất khẩu...