Thực hiện chiến lược dân số - sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 - 2020 góp phần nâng cao chất lượng dân số, những năm gần đây, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh đã thực hiện việc thay đổi thông điệp truyền thông từ “Mỗi cặp vợ chồng chỉ có từ 1 đến 2 con” thành “Mỗi cặp vợ chồng hãy nên sinh đủ 2 con”...
Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh thực hiện chiến dịch tuyên truyền.Ảnh: C.NỮ |
Vì mục tiêu chung
Bác sĩ Phan Đình Nhân - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho biết việc mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con mang lại nhiều lợi ích. Đó là kéo dài thời gian cơ cấu dân số vàng, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh và làm chậm quá trình già hóa dân số. Tuy nhiên, cần phải hiểu thông điệp “Mỗi cặp vợ chồng hãy nên sinh đủ 2 con” không có nghĩa là nới lỏng cho việc sinh con thứ ba trở lên. Đây cũng chính là một trong những vấn đề khó khăn của người làm công tác DS-KHHGĐ hiện nay. Nếu như trước đây, người làm công tác dân số chỉ cần khuyến khích người dân chỉ nên sinh từ 1 đến 2 con; thì hiện nay, nhiệm vụ của cán bộ dân số là phải tư vấn người dân sinh đủ 2 con đối với những người không muốn sinh con hoặc chỉ sinh 1 con. Đối với những người đã sinh đủ 2 con, hướng tư vấn chính vẫn là không nên sinh con thứ 3 trở lên.
Theo số liệu thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, số con bình quân của một phụ nữ (TFR) ở Quảng Nam hiện nay là 2,23. Tuy nhiên, tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, người dân có nhận thức cao, TFR thấp hơn hẳn so với địa bàn khó khăn. Chẳng hạn, TFR của Hội An chỉ có 1,47; Tam Kỳ, Điện Bàn cùng 1,5; Đại Lộc, Quế Sơn cùng 1,6... Trong khi đó, TFR ở Bắc Trà My lên đến 2,89, Nam Trà My 2,8; Phước Sơn 2,6... Một cán bộ của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, việc vận động người dân ở các vùng có điều kiện kinh tế phát triển sinh thêm con nhiều khi còn khó hơn vận động người dân không sinh con thứ 3. Đối với nhiều phụ nữ ở TP.Hội An, cán bộ dân số phải tư vấn, thuyết phục, phân tích những lợi ích khi thực hiện đúng chiến lược dân số nhưng có người vẫn “nại” rằng “không có thời gian chăm sóc con cái do bận kinh doanh, làm ăn”.
Thực hiện tốt Chiến lược dân số sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Điều đáng mừng ở Quảng Nam là tỷ lệ này vẫn đang ở mức độ vừa phải. Tính trong 6 tháng đầu năm nay, tổng số trẻ ra đời trong toàn tỉnh là 9.183 trẻ và tỷ lệ giới tính khi sinh là 107,8 bé trai/100 bé gái. Đồng thời số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên chiếm 15,36%, giảm 1,02% so với cùng kỳ.
Nỗ lực truyền thông
Bác sĩ Phan Đình Nhân cho biết, những năm qua, ngành dân số đã có nhiều cách truyền thông như truyền thông chiến dịch, truyền thông lồng ghép, truyền thông nhóm nhỏ, tư vấn trực tiếp... và luôn được đông đảo bà con quan tâm. Trong chiến dịch đợt 1 năm 2017 này, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phối hợp với UBND huyện Thăng Bình tổ chức lễ phát động “chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình đến vùng đông dân có mức sinh cao, vùng khó khăn” tại xã Bình Triều, thu hút hàng nghìn người dân tham gia. Xin nói thêm: là địa phương đồng bằng nhưng số con bình quân của phụ nữ Thăng Bình vẫn còn ở mức cao (bình quân 2,1 con) so với các địa phương khác. Do kinh phí khó khăn, nên bên cạnh tiếp tục duy trì cung cấp vòng tránh thai miễn phí 100% cho các đối tượng hay que cấy tránh thai, thuốc tiêm tránh thai đảm bảo cung cấp miễn phí cho 50% đối tượng, Chi cục DS-KHHGĐ còn triển khai phương tiện tránh thai tiếp thị xã hội và xã hội hóa, chẳng hạn như bán bao cao su, vỉ uống tránh thai. Tương tự, để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, bên cạnh việc tư vấn trực tiếp, ngành dân số đã xây dựng và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ phụ nữ không có người sinh con thứ 3 trở lên giúp nhau phát triển kinh tế gia đình...
Trong bối cảnh mới, nhất là trước sự thay đổi về thông điệp truyền thông, những người làm công tác dân số đã và đang nỗ lực chuyển hướng chiến lược từ việc tập trung giảm sinh sang duy trì vững chắc mức sinh thay thế. Tiếp tục vận động người dân thực hiện “dừng ở hai con để nuôi dạy cho tốt” ở khu vực có mức sinh cao. Đồng thời từng bước điều chỉnh mục tiêu vận động phù hợp ở các khu vực có mức sinh thấp. “Thay đổi thông điệp truyền thông để thay đổi nhận thức cho người dân nhằm giải quyết tốt những vấn đề cơ cấu dân số, nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là mục tiêu của ngành dân số” - bác sĩ Nhân khẳng định.
CHÂU NỮ