Thay đổi tư duy để thoát nghèo

MỸ HẠNH 02/03/2020 12:51

Giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi xưa nay luôn là bài toán khó. Công cuộc giảm nghèo bền vững cho khu vực này lại còn khó khăn gấp bội, bởi không ít hộ thoát nghèo sau một thời gian lại tái nghèo. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tái nghèo ở khu vực này như: trình độ thấp, thiếu tư liệu sản xuất, thiếu vốn đầu tư, đông con, các yếu tố thiên tai, dịch bệnh,… Song, cái khó nhất vẫn là nguyên nhân chủ quan, do “căn bệnh ỷ lại” vẫn ăn sâu, bám rễ trong nhận thức của nhiều hộ nghèo.

Đàn heo của chị Trần Thị Giàu ở thôn 1, xã Trà Dơn cũng như nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã đã có chuồng trại kiên cố. Ảnh: M.H
Đàn heo của chị Trần Thị Giàu ở thôn 1, xã Trà Dơn cũng như nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã đã có chuồng trại kiên cố. Ảnh: M.H

Trong buổi nói chuyện với hội viên phụ nữ xã Trà Dơn, bà Vũ Thị Như Thuyên - Chủ tịch Hội LHPN huyện Nam Trà My chia sẻ, những năm qua, rất nhiều gia đình, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở các làng, xã trong huyện đã vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững bằng nỗ lực của bản thân và gia đình.

“Nếu không chịu lao động, cứ thụ hưởng, ỷ lại vào các chính sách bảo trợ của Nhà nước thì khó mà thoát nghèo được. Bà con mình phải thay đổi tư duy, học hỏi cách làm ăn và chăm chỉ mới cải thiện được đời sống kinh tế của gia đình. Ngay tại Trà Dơn này cũng có nhiều điển hình vươn lên thoát nghèo để bà con học tập” - bà Thuyên nói.

Một trong những điển hình tại Trà Dơn mà bà Thuyên kể đến là gia đình chị Trần Thị Giàu - ở thôn 1. Theo lời chị Giàu, trước đây chị lập gia đình với tài sản vỏn vẹn chỉ có 1 con bò của bố mẹ cho làm vốn, vợ chồng chị xoay xở đủ nghề để sinh nhai nhưng cũng không thoát khỏi cảnh ăn bữa sáng lo bữa tối. Chị bàn với chồng phải nghĩ cách vươn lên để có cái ăn và lo chuyện học hành cho các con.

“Năm 2013, tôi bán bò lấy tiền đầu tư làm chuồng trại nuôi heo thịt, nuôi gà thả vườn; tận dụng đất xung quanh nhà để trồng rau sạch cải thiện bữa ăn. Đến cuối năm, việc bán heo đã mang lại thu nhập cho gia đình hơn 30 triệu đồng. Cứ thế, chúng tôi dần có vốn để làm ăn, phát triển kinh tế. Sau này, để việc chăn nuôi thực sự hiệu quả, tôi tìm tòi, học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật như tiêm vắc xin phòng tránh bệnh cho con vật nuôi, chú trọng làm chuồng trại cố định, không thả rông, vệ sinh sạch sẽ,… Nhờ đó, đến nay, đàn heo nhà tôi phát triển với số lượng trung bình 18 - 20 con heo thịt. Trừ các khoản chi phí, trung bình mỗi năm, đàn heo mang lại nguồn thu cho gia đình khoảng 40 triệu đồng, vợ chồng tôi có điều kiện sửa sang lại nhà cửa, mua thêm 2ha đất để trồng keo” - chị Giàu chia sẻ.

Từ con đường thoát nghèo của mình chị Giàu cho rằng, quan trọng nhất vẫn là nghị lực vươn lên, bởi nếu người nghèo không tự mình nỗ lực, vượt khó thì sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng không phát huy được tác dụng, người nghèo sẽ không thoát được nghèo.

Tại xã Trà Vân, ngồi trong ngôi nhà tiện nghi của mình, chị Hồ Thị Xiêng, ở thôn 2, cho biết, trước đây nhiều hộ trong thôn vẫn có tư tưởng “đến đâu hay đó”. Có tiền thì rượu chè suốt ngày. Đến khi hết tiền, nhà không còn cái gì đổi bán thì đợi chế độ trợ cấp. Cái nghèo cái đói dắt dây nhau không bao giờ ngẩng mặt lên được. Gia đình chị Xiêng lúc đó cũng không phải ngoại lệ.

“Không thể tiếp diễn mãi tình trạng này trong khi mình có đất, có sức khỏe”, nghĩ vậy nên vợ chồng chị Xiêng quyết định vay Ngân hàng CSXH huyện số tiền 30 triệu đồng để mua 2 con trâu, số tiền còn lại đầu tư vào cây chuối mốc và trồng thêm quế.

Năm sau, vợ chồng chị Xiêng bán 2 con trâu được 40 triệu đồng, tiếp tục mua 2 con bò cái, 1 con trâu. Đến nay, gia đình chị đã có 3 con trâu, 5 con bò, 200 con gà, 2.000 cây quế to, 3.000 quế 10 tuổi, 400 gốc chuối mốc, 20.000 cây keo. Không những đầu tư chăn nuôi và trồng cây lâu năm, gia đình chị Xiêng còn trồng lúa nên không còn lo thiếu gạo ăn.

Nhờ chăm chỉ làm ăn, đến nay gia đình chị Hồ Thị Xiêng đã có nhà cửa kiên cố, đầy đủ tiện nghi như xe máy, ti vi và các vật dụng khác phục vụ sinh hoạt trong gia đình.

Ông Võ Như Sơn Trà - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Trà My cho biết, từ những nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong toàn huyện, theo kết quả rà soát cuối năm 2019, hộ nghèo của huyện giảm từ 3.326 hộ năm 2018 xuống còn 2.753 hộ, chiếm tỷ lệ 37,37% tổng số hộ dân cư. Như vậy, kiên trì, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để từng người dân hiểu rõ về chính sách giảm nghèo bền vững, giúp bà con từng bước thay đổi nếp nghĩ, có tinh thần thi đua sản xuất, vươn lên thoát nghèo đang là hướng đi mang lại hiệu quả trong công tác giảm nghèo ở địa phương.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thay đổi tư duy để thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO