Doanh nghiệp - Doanh nhân

Thấy gì qua Chỉ số năng lực cạnh tranh 2023 Quảng Nam?

TRỊNH DŨNG 17/05/2024 10:34

Quảng Nam tăng điểm, nhưng không nằm trong tốp 30 tỉnh, thành có Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tốt nhất Việt Nam năm 2023.

lanh-dao-quang-nam.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết (thứ tư bên trái) thăm hỏi, động viên doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì sản xuất, mở rộng kinh doanh, đầu tư.

Tăng điểm, nhưng không được xếp hạng

Kế hoạch Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2023) đứng vào tốp 20 tỉnh, thành không thể đạt được. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Quảng Nam tăng điểm, nhưng đã lọt khỏi tốp 30 tỉnh, thành có chỉ số PCI tốt nhất Việt Nam.

Tổng điểm 10 chỉ số của Quảng Nam năm 2023 là 67,04 điểm, tăng 0,42 điểm so với năm 2022.

Tuy nhiên, có đến 6/10 chỉ số thành phần giảm điểm, bao gồm: tiếp cận đất đai (6,83/7,23 điểm), tính minh bạch (5,45/6,35 điểm), cạnh tranh bình đẳng (5,95/5,98 điểm), tính năng động của chính quyền tỉnh (6,76/6,90 điểm), chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (5,70/5,90 điểm), thiết chế pháp lý & an ninh trật tự (7,40/7,74 điểm).

Trong buổi làm việc với Sở KH-ĐT ngày 24/4, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nói, không xem các chỉ số là điều kiện tối ưu để đánh giá năng lực điều hành của địa phương. Nhưng dù sao, sự sụt giảm các chỉ số này tác động vào tâm lý của doanh nghiệp, nhà đầu tư, nên chính quyền các cấp cần rà soát, khắc phục ngay những điểm yếu, tụt hạng. Chuyển từ quản lý sang phục vụ là chuyện đáng chú ý, không nhũng nhiễu, không làm khó doanh nghiệp. Hỗ trợ, chăm lo cho doanh nghiệp cũ bên cạnh thu hút doanh nghiệp mới bằng đạo đức công vụ, trách nhiệm và lương tâm của cán bộ, công chức viên chức vì sự phát triển của địa phương là điều quan trọng.

Có 4 chỉ số thành phần tăng điểm, bao gồm: gia nhập thị trường (7,27/7,19 điểm), chi phí thời gian (8,1/7,61 điểm), chi phí không chính thức (7,60/7,03 điểm) và đào tạo lao động (5,98/5,35 điểm).

Phân tích dữ liệu PCI cho thấy, tiếp cận đất đai và nguồn lực kinh tế khác đang là điểm nghẽn của địa phương (không riêng gì Quảng Nam).

Tỷ lệ doanh nghiệp không gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh đã liên tục giảm từ 55,2% năm 2021 xuống 48% năm 2022 và xuống 40,7% năm 2023.

Các rào cản liên quan đến thủ tục đất đai bao gồm thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính dài hơn so với thời gian quy định (64%); cán bộ tiếp nhận hồ sơ không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ (46%); quy trình, thủ tục giải quyết không đúng với nội dung được niêm yết hoặc văn bản quy định (46%).

chinh-tri-3-.jpg
Doanh nghiệp lạc quan về sự tăng trưởng của thị trường, kéo theo sẽ thu hút lượng lớn lao động vào các doanh nghiệp.

Điều đáng lưu tâm là gần 73% doanh nghiệp cho biết họ đã phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính đất đai.

Con số này cao hơn đáng kể so với mức 42,9% năm 2022 và 53,9% năm 2021. Đó là lý do, rất nhiều dự án đầu tư tư nhân tại địa phương phải liên tục xin điều chỉnh dự án hoặc kéo dài thời gian đầu tư.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) mong muốn môi trường kinh doanh bình đẳng hơn. Khảo sát ghi nhận mức độ bình đẳng trong môi trường kinh doanh có dấu hiệu giảm sút.

Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết tỉnh ưu tiên giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp lớn so với các DNNVV năm 2023 là 61,3%, gia tăng từ con số 58,8% năm 2022 và 52,6% năm 2021.

Có khoảng 56,5% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết chính quyền cấp tỉnh ưu tiên doanh nghiệp lớn, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, gây tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các DNNVV.

Tuy nhiên, theo Phó Tổng thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn, nếu nhìn vào con số 96,6% khi lần đầu tiên đo lường chỉ tiêu “Hợp đồng mua sắm của cơ quan nhà nước, đất đai và các nguồn lực kinh doanh khác chủ yếu rơi vào tay các doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với cán bộ chính quyền” vào năm 2013 đã giảm liên tục còn 61,1% vào năm 2021 xuống 57,7% vào năm 2022, thì 55,3% của năm 2023 thực sự là con số ấn tượng.

Tính năng động, tiên phong của bộ máy chính quyền địa phương có dấu hiệu giảm sút. Chỉ 40,8% doanh nghiệp quan sát thấy “chủ trương, chính sách của tỉnh, thành phố đối với việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động là ổn định và nhất quán” vào năm 2023. Giảm đáng kể từ con số 50% năm 2022 và 53,4% năm 2021...

Nhận diện lực cản

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký VCCI nói điều chính yếu nhất là chất lượng thực thi từ cơ sở đã không thể đáp ứng đúng mức các yêu cầu của doanh nghiệp.

Việc thiếu thông tin, thiếu những sáng kiến, giải pháp cụ thể từ các sở, ban, ngành, địa phương, nên chính quyền tỉnh không dễ (hay rất khó) để đưa ra chương trình hay kế hoạch thay đổi cụ thể đúng trọng tâm, trọng điểm.

4.-gia-cong-khuon-voi-may-phay-giuong-5-truc.jpg
THACO là một trong những doanh nghiệp lớn lạc quan về sự phát triển của nền kinh tế.

Đánh giá của ông Tuấn tương ứng 51,5% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “các sở, ngành, địa phương không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố” khi khảo sát PCI 2023. Trong khi đó điểm số này năm 2022 là 50,4%.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh thừa nhận sự thiếu quyết liệt, sâu sát, thiếu năng động của chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu cơ quan đơn vị, địa phương.

Thiếu hoặc phối hợp lỏng lẻo, đùn đẩy, né tránh, thiếu ràng buộc trách nhiệm; chưa xử lý nghiêm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có biểu hiện tiêu cực, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp ... đã trở thành lực cản lớn.

Không có sự đồng lòng hỗ trợ, đồng hành; không phân định, phân công rõ ràng các mục tiêu cho đội ngũ công chức, viên chức thực hiện trong việc tạo dựng niềm tin, tạo thuận lợi cho dân chúng, doanh nghiệp.... thì khó có được kết quả cải cách hay tăng trưởng kinh tế địa phương như ý muốn.

Lần đầu tiên trong lịch sử tham gia vào “cuộc chạy đua điểm số và thứ hạng PCI”, Quảng Nam không lọt vào tốp 30 tỉnh, thành có năng lực cạnh tranh, điều hành kinh tế tốt nhất Việt Nam. Liệu điều này có phải là bước lùi của việc cải thiện môi trường đầu tư địa phương?

Đã có không ít tranh biện hay nghi vấn khi nhìn các cuộc điều tra, khảo sát PCI thường niên, chỉ dựa vào cảm nhận của 0,02 doanh nghiệp địa phương để đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền địa phương, e rằng chưa đủ tính xác thực, tin cậy. Tuy nhiên cuộc chạy đua PCI vẫn thu hút sự quan tâm chú ý của tất cả tỉnh thành và cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký VCCI nói, PCI là một công cụ cải cách. Tại phiên công bố PCI 2023 ngày 9/5/2024, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng nhiệm vụ của VCCI là cung cấp thông tin cụ thể cho địa phương thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh địa phương dựa trên những bằng chứng thực chứng. Thứ hạng PCI chỉ là một phần.

Tuy nhiên, có một thực tế là các địa phương quá quan tâm đến thứ hạng PCI, mang tới tác động không mong muốn. Đó là lý do VCCI đã bỏ bảng xếp hạng các địa phương trong báo cáo PCI. Chỉ công bố tốp 30 tỉnh, thành có chỉ số PCI tốt nhất Việt Nam để chia sẻ với chính quyền địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thấy gì qua Chỉ số năng lực cạnh tranh 2023 Quảng Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO