Nhu cầu huy động vốn tăng vào những tháng cuối năm âm lịch đã trở thành thông lệ. Tuy nhiên, tốc độ cuộc đua lãi suất ngày càng nóng sẽ dẫn đến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ gia tăng là điều đáng lo ngại không chỉ từ phía doanh nghiệp mà cả hệ thống ngân hàng.
Nóng cuộc đua huy động vốn
Như một quy luật, nhu cầu vốn tăng đột biến khi hoạt động thanh toán, dự trữ hàng hóa của doanh nghiệp diễn ra với nhịp độ tăng nhanh trong những ngày cận tết. Doanh nghiệp hay người dân cũng phải rút tiền để trả lương, thưởng, mua sắm, chi tiêu… chuẩn bị tết. Nhu cầu vốn tăng nhanh đã buộc ngân hàng phải tăng lãi suất huy động nhằm thu hút tiền nhàn rỗi từ khu vực dân cư. Thị trường tiền tệ đã ghi nhận kể từ cuối tháng 12.2015, hầu hết ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất, bao gồm cả khối nhà nước lẫn cổ phần, ít nhất tăng 0,1 - 0,3%. Lãi suất tiếp tục nhích lên trong cuộc đua huy động giữa các ngân hàng. Trước áp lực cạnh tranh, các ngân hàng đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi với quà tặng, cho khách hàng nhận lãi trước, tặng tiền gửi tiền… tùy theo nhu cầu và khả năng của ngân hàng để vừa cạnh tranh với các ngân hàng khác, vừa thu hút khách hàng và cũng vừa giữ được khách hàng truyền thống. Tâm lý chung của nhiều ngân hàng là sợ thiếu thanh khoản, sợ mất khách…, chính điều này đã dắt dây lãi suất huy động. Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, mối quan tâm hàng đầu hiện nay của khách hàng là tiền gửi nên hầu hết ngân hàng đều tận dụng triệt để công cụ lãi suất. Một giám đốc ngân hàng thương mại cổ phần tại Quảng Nam cho biết, dù không thiếu thanh khoản nhưng ngân hàng này vẫn không thể đứng ngoài cuộc đua huy động vốn. Bởi một điều đơn giản là ngân hàng phải giữ chân khách hàng và cạnh tranh thị phần.
Các ngân hàng đang bước vào cuộc đua huy động vốn. (ảnh chỉ có tính minh họa) |
Cuộc đua huy động đã buộc Ngân hàng Nhà nước phải phát đi công văn chấn chỉnh các tổ chức tín dụng huy động vốn. Theo Ngân hàng Nhà nước, những chương trình khuyến mại, tặng quà, tặng lãi suất, chuyển lãi suất tiền gửi qua lãi suất cho vay... làm tăng chi phí hoạt động, ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất thị trường. Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng chấp hành đúng quy định về mức lãi suất huy động, không áp dụng các biện pháp kỹ thuật để lách, vượt trần lãi suất huy động. Nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong cuộc đua huy động vốn. Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về lãi suất huy động đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm…
Hệ lụy kéo theo?
Không thể phủ nhận chính nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh đang phục hồi là yếu tố quan trọng tác động đến lãi suất. Khả năng tín dụng cải thiện cũng là lý do để các ngân hàng tăng chuẩn bị nguồn. Tuy nhiên, những tín hiệu hiện tại trên thị trường tiền tệ đã khiến nhiều người lo ngại khả năng lãi suất cho vay sẽ không thể tiếp tục hạ mà trái lại sẽ gia tăng khi các ngân hàng đã bước vào cuộc đua lãi suất, cho dù không ít khuyến cáo rằng lãi suất huy động tăng phần lớn là do cạnh tranh tiền gửi huy động giữa các ngân hàng chứ không phụ thuộc vào các yếu tố kinh tế vĩ mô. Nhìn vào con số huy động vốn trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2015 khoảng 25.706 tỷ đồng và dư nợ đến 33.924 tỷ đồng và việc xảy ra cuộc đua lãi suất ngân hàng cho thấy cơ cấu giữa cho vay và huy động của các ngân hàng đã thiếu hợp lý. Có vẻ như các ngân hàng thương mại đang cho vay và đầu tư ở những kỳ hạn chưa hợp lý và lệch pha với nguồn huy động nên rất dễ rơi vào trạng thái thiếu thanh khoản.
Có thể hiểu rằng cuộc đua lãi suất của các ngân hàng là điều hoàn toàn không mong muốn. Dự báo lãi suất cho vay sẽ tăng trong những ngày tới là điều không thể tránh khỏi vì ngân hàng sẽ không chịu lỗ. Theo nhận định của các nhà tài chính, với tất cả biến số đặc biệt về tài chính hiện tại, việc hạ lãi suất cho vay năm 2016 là rất khó khăn. Mặt bằng lãi suất dự báo sẽ tăng khoản 0,6 - 1% trong năm 2016 do tăng trưởng tín dụng được nới rộng hơn. Tín dụng tăng trưởng mạnh trong năm 2015 sẽ buộc các ngân hàng phải điều chỉnh tăng lãi suất huy động để có thể thu xếp đủ vốn cho vay năm 2016, năm mở đầu của kế hoạch tăng trưởng 5 năm (2016 – 2020). Những biến động của lãi suất trên thị trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của doanh nghiệp. Hiện Quảng Nam có đến 4.800 doanh nghiệp, nhưng hầu hết có tỷ lệ vốn chủ sở hữu thấp. Một khi các kênh huy động vốn từ bạn bè, gia đình, người thân hay từ những mối quan hệ quen biết hạn chế, khả năng huy động vốn khó nên con đường “quen thuộc” khiến doanh nghiệp lựa chọn vẫn là tìm đến ngân hàng.
Theo thống kê, sau 4 năm liên tục giảm, lãi suất huy động trên thị trường ngân hàng đang tăng trở lại. Liệu đây có phải là một xu hướng mới trên thị trường tiền tệ hay chỉ là hiện tượng thường thấy ở mỗi dịp cao điểm trước tết. Ông Nguyễn Văn Diện - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho hay xu hướng tăng lãi suất tại các ngân hàng chủ yếu là do yếu tố mùa vụ, mang tính chất tạm thời để đáp ứng nhu cầu thanh toán và dự phòng chi trả trong dịp tết. Hiện dù có đua lãi suất của các ngân hàng nhưng tỷ lệ vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Diễn biến cho thấy mức tăng lãi suất huy động của các ngân hàng gần đây không đáng kể. Vì vậy, cơ bản mặt bằng lãi suất huy động bằng VNĐ vẫn tiếp tục ổn định. Mức tăng lãi suất này không bắt nguồn từ áp lực cân đối vốn của các tổ chức tín dụng mà chỉ phản ánh yếu tố mùa vụ, tạm thời, giống như quy luật của các năm trước. Điều này chưa thể tạo áp lực đến lãi suất cho vay. Cuộc đua lãi suất huy động hiện là khá bình thường, một chút cạnh tranh. Còn thực tế, cả hệ thống ngân hàng không thiếu thanh khoản. Không đáng lo về một cuộc đua lãi suất huy động. Vì hiện tại đã qua thời doanh nghiệp vay vốn ngân hàng với mọi mức lãi suất. Cung cầu thị trường và thực tế kinh doanh đã khiến doanh nghiệp thận trọng hơn trong việc tính toán khả năng hấp thụ vốn.
TÙY PHONG