Thấy gì từ vụ cưỡng chế đất ở xã Tam Anh Nam?

HỮU PHÚC 22/05/2017 09:25

Sáng 15.5, có mặt tại hiện trường khu vực cưỡng chế thu hồi đất để triển khai dự án khu tái định cư (TĐC) nhà ở công nhân tại xã Tam Anh Nam (huyện Núi Thành), chúng tôi ghi nhận không khí thi công diễn ra bình thường. Tuy nhiên, trước đó, ngay sau khi xảy ra việc cưỡng chế thu hồi đất tại đây vào ngày 11.5, trên các mạng xã hội đã xuất hiện nhiều thông tin, bình luận, hình ảnh phản cảm từ hiện trường. Vì vậy, PV Báo Quảng Nam đã đến địa phương gặp gỡ người dân và các ngành chức năng để nắm bắt và phản ánh toàn diện về sự việc.

Khu vực thi công dự án khu tái định cư nhà ở công nhân Tam Anh Nam.  Trong ảnh: Gia đình bà Phượng và ông Hữu chỉ vào chỗ đất của mình đã bị san lấp.Ảnh: HỮU PHÚC
Khu vực thi công dự án khu tái định cư nhà ở công nhân Tam Anh Nam. Trong ảnh: Gia đình bà Phượng và ông Hữu chỉ vào chỗ đất của mình đã bị san lấp.Ảnh: HỮU PHÚC

Để thực hiện dự án TĐC nhà ở công nhân Tam Anh Nam thuộc 2 thôn Nam Định và Mỹ Sơn (xã Tam Anh Nam, từ năm 2013, UBND huyện đã thực hiện công tác  thu hồi đất, bồi thường - hỗ trợ (BT-HT), giải phóng mặt bằng (GPMB). Tuy nhiên, vẫn còn 2 hộ dân là Trần Thị Kim Phượng và Phạm Văn Hữu (cùng ở thôn Mỹ Sơn, xã Tam Anh Nam) không chịu bàn giao mặt bằng nên ngày 11.5 lực lượng chức năng địa phương tiến hành cưỡng chế, bảo vệ hiện trường thi công.

Ý kiến của 2 hộ dân

Ngày 10.9.2013, UBND huyện Núi Thành ban hành Quyết định số 4449/QĐ-UBND công nhận quyền sử dụng đất và đồng thời thu hồi đất với diện tích 1.207,1m2 gồm đất trồng cây lâu năm và đất nuôi trồng thủy sản đối với hộ bà Trần Thị Kim Phượng. Cùng ngày, UBND huyện cũng ban hành Quyết định 4463/QĐ-UBND thu hồi 1.353,9m2 đất nuôi trồng thủy sản cũng của bà Phượng. Từ đó cho đến nay, chính quyền, đoàn thể các cấp nhiều lần vận động giải thích, tổ chức nhiều cuộc họp nhưng bà Phượng vẫn cương quyết không nhận đủ tiền BT, bàn giao mặt bằng. Bà Phượng cho rằng, tổng diện tích đất thu hồi của gia đình bà là 3.000m2 nhưng cơ quan chức năng chỉ áp giá BT  2.661m2, với tổng giá trị BT-HT hơn 327,8 triệu đồng là không thỏa đáng vì quá thấp.  “Loại đất của tôi theo hồ sơ là loại đất lúa tại 2 thửa nhưng tại sao BT là đất nuôi trồng thủy sản? Gia đình tôi đã bỏ tiền bạc, công sức đắp bờ nuôi tôm nhưng Nhà nước không BT phần diện tích đất đắp bờ. Đất sản xuất các thửa nằm xen kẽ trong xóm làng sao không công nhận là đất nông nghiệp trong khu dân cư. Giải thích vì sao phải thay đổi thực tế sử dụng từ đất lúa sang đất nuôi trồng thủy sản, gia đình bà Phượng cho rằng, lỗi là do chính quyền địa phương trước đó đã không quản lý tình trạng ồ ạt phát triển ao nuôi tôm, nước mặn đổ vào ruộng đồng nên không thể canh tác lúa được. Cũng theo bà Phượng, khi dự án triển khai BT đã bộc lộ sự cẩu thả của cán bộ trong đo đạc, cấp nhầm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ); rồi trả lời thiếu trách nhiệm nên gia đình dần đánh mất niềm tin.

Một trường hợp khác bị cưỡng chế là hộ ông Phạm Văn Hữu (SN 1978, trú thôn Mỹ Sơn). Gia đình ông Hữu bị thu hồi toàn bộ diện tích 1.223m2 đất ở và đất nông nghiệp, trong đó đất ở nông thôn 150m2 và 1.073m2 đất trồng cây lâu năm với tổng giá trị BT-HT hơn 293 triệu đồng, trong đó BT về đất ở 150m2 là hơn 11 triệu đồng (theo đơn giá 75 nghìn đồng/m2). Gia đình ông Hữu hiện sống chung với cha mẹ ruột và được cha tặng cho đất ở trên, phần vì vướng quy hoạch phần không có tiền xây dựng nhà trên đất ở nên ông Hữu tạm xây hạng mục móng. “Gia đình tôi không có chỗ ở nào khác phải ở nhờ cha mẹ ruột nên tôi có yêu cầu xin được bố trí đất TĐC để ổn định cuộc sống nhưng không được giải quyết. Nhà nước chỉ BT số tiền hơn 10 triệu đồng cho 150m2 đất ở, điều kiện kinh tế gia đình tôi làm sao có đủ tiền mua đất ở mới. Không phải tôi chống đối nhưng BT như vậy quá bất công, chẳng khác nào đẩy gia đình tôi vào cảnh không miếng đất cắm dùi” - ông Hữu giãi bày.

Giải thích của cơ quan chức năng

Đại diện cơ quan kiểm kê, chi trả BT là Trung tâm BT-GPMB (thuộc Công ty CP Đầu tư và phát triển Kỳ Hà Chu Lai) và UBND huyện Núi Thành đều khẳng định, UBND huyện ban hành quyết định thu hồi loại đất nuôi trồng thủy sản của bà Phượng là đúng với hiện trạng sử dụng đất của hộ dân. Việc gia đình bà Phượng yêu cầu BT phần diện tích đất đắp bờ là không có cơ sở giải quyết vì phần diện tích đất đó đã được tính khối lượng đắp bờ đối với loại đất nuôi trồng thủy sản. Ông Nguyễn Phụng - Giám đốc Trung tâm BT-GPMB cho biết,  phần diện tích thiếu mà bà Phượng khiếu nại là không có cơ sở để giải quyết vì khi kiểm kê áp giá BT, cơ quan chức năng đã đo đếm căn cứ BT theo hiện trạng chứ không theo hồ sơ. Sự chênh lệch con số giữa hồ sơ giấy tờ và thực tế, UBND huyện đã có văn bản giải thích rõ ràng. “Kinh phí BT giữa đất lúa và đất nuôi trồng thủy sản thực tế chênh lệch chẳng là bao. Cơ quan áp giá theo các quy định của Nhà nước nên không thể bảo là thấp được” - ông Phụng khẳng định.

Còn vì sao không bố trí đất TĐC cho hộ ông Hữu, ông Phụng giải thích, theo quy định tại Quyết định số 23/2010/QĐ-UBND ngày 30.9.2010 và Quyết định 14/2013/QĐ-UBND ngày 26.6.2013 của UBND tỉnh thì hộ ông Hữu có đất ở nhưng không có nhà ở trên đất (không di chuyển chỗ ở) nên không đủ điều kiện bố trí TĐC. Cơ quan chức năng đã thực hiện đúng theo quy định của UBND tỉnh.

Theo UBND huyện Núi Thành, quá trình thu hồi đất, BT, GPMB đối với các hộ bà Phượng, ông Hữu diễn ra trong thời gian dài, chính quyền, đoàn thể ở địa phương và cơ quan chức năng đã nhiều lần vận động, giải thích rõ các chính sách của Nhà nước, nhưng  các hộ dân đều không đồng thuận, khiếu nại kéo dài. Sau khi vận động, thuyết phục không được, đến ngày 10.4.2017, Chủ tịch UBND huyện mới ban hành các quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với 2 hộ dân. Sau đó, Ban cưỡng chế tiếp tục vận động, thuyết phục nhưng không thành công. Vì vậy, đến ngày 11.5.2017,  lực lượng chức năng huyện mới tổ chức cưỡng chế thu hồi đất.

Thay lời kết

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hộ bà Phượng và hộ ông Hữu đều bị thu hồi toàn bộ diện tích đất sản xuất, đất trồng cây lâu năm và đất ở, cuộc sống sau này sẽ rất khó khăn. Chuyện khiếu nại dai dẳng của công dân cũng có nguyên nhân từ việc cán bộ, chính quyền địa phương đã thiếu chặt chẽ, để xảy ra sai sót trong thực thi các chính sách pháp luật về đất đai. Đơn cử, năm 1997, bà Phượng kê khai đất sử dụng của mình là loại đất lúa; đến năm 2007 bà Phượng đã chuyển mục đích qua đất nuôi trồng thủy sản. Năm 2009, UBND huyện cấp GCNQSDĐ là loại đất lúa. Theo đại diện Phòng TN-MT huyện Núi Thành, đây là sai sót trong việc đề nghị cấp GCNQSDĐ ở cấp xã vì đề nghị không đúng thực tế. Cơ quan này cũng lập luận rằng, thu hồi đất nuôi trồng thủy sản đối với bà Phượng là đúng pháp luật vì theo Quyết định 23/QĐ-UBND của UBND tỉnh thì thu hồi theo hiện trạng sử dụng đất khi việc sử dụng đất trên hiện trạng có thay đổi so với giấy tờ về đất.

Một sai sót nữa, UBND huyện Núi Thành cấp GCNQSDĐ số AK 934640 ngày 25.8.2009 cho hộ bà Phượng tại thửa đất số 377, tờ bản đồ số 29 diện tích 828m2 loại đất lúa là không đúng đối tượng sử dụng (thực tế đất này do ông Nguyễn Ngọc Thạnh sử dụng). Ngược lại, năm 2004 UBND huyện cấp GCNQSDĐ cho hộ ông Thạnh tại thửa đất số 374 và 375, tờ bản đồ số 29 với tổng diện tích đất 906m2 loại đất lúa cũng không đúng đối tượng sử dụng đất (thực tế do hộ bà Phượng đang sử dụng). Tuy nhiên, qua nhiều năm, đến ngày 19.5.2016 UBND huyện mới sửa sai sau khi có kết luận thanh tra của Thanh tra huyện. Chính sự chậm trễ trong xử lý bất cập nêu trên của chính quyền địa phương càng tạo ra phản ứng tiêu cực của người dân.

Ngoài ra, liên quan đến việc không bố trí đất TĐC cho ông Hữu, theo  ông Nguyễn Xướng - Chủ tịch UBND xã Tam Anh Nam, Nhà nước cũng cần xem xét, điều chỉnh lại chính sách bố trí TĐC bởi thực tế quy định không hợp lý. Trong khi đó, đại diện lãnh đạo Chi cục Đất đai (thuộc Sở TN-MT) cho rằng, theo chính sách hiện hành, trường hợp đất có nhà ở bị thu hồi toàn bộ thì được bố trí TĐC; đất không có nhà ở chỉ BT bằng tiền. Tuy nhiên, tùy tình hình thực tế địa phương có thể xem xét bố trí TĐC nhưng không được HT tiền sử dụng đất.

HỮU PHÚC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thấy gì từ vụ cưỡng chế đất ở xã Tam Anh Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO