Thầy giáo hơn 20 năm cắm bản

DUNG THÙY 11/05/2016 08:42

Hơn hai mươi năm nay, thầy giáo Nguyễn Văn Ân (giáo viên Trường Tiểu học Trà Vinh, huyện Nam Trà My) hàng ngày vẫn miệt mài đi bộ, trèo đèo lội suối bám các thôn bản vùng cao để gieo chữ cho nhiều thế hệ học trò người Ca Dong.

Thầy giáo Ân bên học trò ở điểm trường thôn 4, xã Trà Vinh.  Ảnh: DUNG THÙY
Thầy giáo Ân bên học trò ở điểm trường thôn 4, xã Trà Vinh. Ảnh: DUNG THÙY

Một lần chúng tôi cùng đoàn từ thiện ở TP.Đà Nẵng “cuốc bộ” hơn 3 giờ từ trung tâm xã Trà Vinh trên con đường đất lầy lội vào làng Tapyeu (thôn 4, xã Trà Vinh). Theo đoàn còn có nhiều giáo viên dạy ở các điểm trường thôn 3, thôn 4 cùng đi bộ gùi quà từ thiện giúp đoàn, nhưng hình ảnh làm chúng tôi nhớ mãi là một người đàn ông tuổi ngoài ngũ tuần với mái tóc muối tiêu, vẫn cùng với những giáo viên trẻ băng rừng, lội suối dạy học cho trẻ vùng cao. Thầy Ân quê ở thị trấn Phú Thịnh (huyện Phú Ninh), năm 1984 tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, sau một thời gian bôn ba, đến năm 1995 thầy tình nguyện xin lên xã Trà Leng dạy học. Sau 5 năm công tác, thầy Ân được chuyển về xã Trà Vinh, rồi luân chuyển lần lượt nhiều điểm trường ở các thôn 2, thôn 3, thôn 4 là các thôn xa xôi, hiểm trở của xã để dạy học. Thầy Ân kể, ngày trước từ trung tâm huyện Nam Trà My đến xã Trà Leng mất 35km, phần lớn là đi bộ, có khi gần một ngày trời. “Đường sá lúc đó quá xấu, chỉ toàn đường rừng hiểm trở, mùa mưa nước suối dâng chia cắt, tôi phải đi bộ hàng giờ đồng hồ. Cuộc sống bà con còn quá khó khăn, dạy học ở đó thầy cô phải ăn sắn thay cơm” - thầy Ân nhớ lại.

Dù bây giờ được chuyển về dạy học ở xã Trà Vinh, gần hơn Trà Leng ngày trước nhưng mỗi tuần thầy vẫn đi bộ từ trung tâm xã vào các thôn 3, thôn 4 để dạy học. Ô tô, xe máy chưa vào được các thôn bản, chỉ có đi bộ và phải mất gần 4 giờ đồng hồ. Ấy thế mà tuần nào thầy cũng đi ra, đi vào như không biết mỏi mệt khiến nhiều giáo viên trẻ nể phục và noi gương. Điểm trường thôn 4 ở làng Tapyeu có ba giáo viên dạy học, một mình thầy đảm nhận hai lớp. Dù thầy và các giáo viên khác đều ở bán trú tại điểm trường nhưng mỗi tuần vẫn đi bộ nhiều lần ra trung tâm xã mua dụng cụ dạy học, thức ăn lên cho dân bản và về thăm nhà rồi lại “cuốc bộ” vào bản. “Những ngày lễ hay có ma chay thì học sinh tự ý bỏ lớp. Mình phải đi bộ đến tận từng nhà của các em vận động đi học trở lại” - thầy Ân chia sẻ. Không chỉ dạy học trò, mà lúc rảnh thầy còn tập hợp dân làng đến để dạy chữ.

Dân bản vùng cao dường như ai cũng quý mến thầy Ân và coi thầy là người con của bản làng. Bởi bao thế hệ con em của họ đều là học trò, được thầy dìu dắt, nâng niu trên con đường tìm kiếm con chữ. Ông Nguyễn Thanh Chiêm - Trưởng thôn 4 (xã Trà Vinh) tâm sự: “Là thôn xa xôi nhất xã, hoàn cảnh học sinh nơi đây quá thiếu thốn. Để tiếp cận con chữ không phải dễ. Dân làng chúng tôi quý mến thầy Ân vì tấm lòng thương yêu học trò vùng cao hết mực. Nhiều lúc thấy thầy đi bộ mấy giờ liền để vào bản dạy học cho mấy đứa trẻ, dân làng chúng tôi xót cái bụng lắm”. Thầy giáo Thái Khắc Dũng - Hiệu phó Trường Tiểu học Trà Vinh bộc bạch: “Thầy Ân là một giáo viên tận tâm với học trò vùng cao. Dù tuổi đã cao nhưng vẫn quyết tâm bám bản dạy chữ cho trẻ em Ca Dong, đó là một điều đáng quý của nghề giáo”.

DUNG THÙY

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thầy giáo hơn 20 năm cắm bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO