Sau 1975, khi tôi trở về với giảng đường đại học, có người thầy là giảng viên tăng viện từ Đại học Tổng hợp Hà Nội, về giảng dạy bộ môn Ngôn ngữ học cho khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Huế, nói rặt giọng Quảng, không chỉ đã hút hồn chúng tôi một cách mê đắm, mà còn tạo nên sự ngạc nhiên, kính phục và ngưỡng mộ vô cùng.
Đó là GS-TS- Nhà giáo nhân dân Hoàng Trọng Phiến, người mà sau này tôi mới biết là người thầy đáng kính của nhiều thế hệ học trò trong và ngoài nước hơn nửa thế kỷ qua. Hành trạng cuộc đời, sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học của thầy Hoàng Trọng Phiến là tấm gương cho thế hệ trẻ ngày nay noi theo.
1. Thầy sinh năm 1932 tại làng Khuê Bắc, nay là phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Vào những năm cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, thầy thoát ly lên chiến khu Trung Mang, vừa học vừa tham gia công tác kháng chiến, sau đó vào học THPT kháng chiến Lê Khiết. Năm 1954 tập kết ra Bắc, thầy được cử sang học ở Khu học xá Trung ương (Nam Ninh, Trung Quốc).
Năm 1956 thầy về học khóa I, khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, làm Bí thư Liên chi đoàn, rồi Bí thư Đoàn trường đầu tiên (1959 - 1962). Năm 1959 thầy tốt nghiệp, được giữ lại trường làm giảng viên.
Năm 1964 thầy đi làm nghiên cứu sinh tại Đại học Tổng hợp Moskva (Liên Xô) và đến 1968 hoàn thành xuất sắc luận án tiến sĩ viết bằng tiếng Nga, trở về nước và trở thành người mở đầu cho việc nghiên cứu và giảng dạy các môn về bán phụ tố, cấu tạo từ, phong cách học, cú pháp học...
Từ 1971 thầy làm Chủ nhiệm bộ môn Ngôn ngữ học, năm 1973 đứng ra thành lập và làm Chủ nhiệm khoa Việt Nam học và tiếng Việt. Giai đoạn 1989 - 1992 thầy giảng dạy tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo, Nhật Bản.
GS. Hoàng Trọng Phiến là tác giả của hơn 100 bài báo khoa học đã công bố trong nước và quốc tế, là người có nhiều công trình nghiên cứu, giáo trình đại học và sau đại học đáng chú ý như: Cách miêu tả hệ thống cú pháp các kiểu câu cơ bản tiếng Việt (1959), Kiến trúc từ phái sinh tiếng Việt (1970), Ngôn ngữ học dẫn luận (1970), Ngôn ngữ học đại cương (1970, 1972), Chức năng của ngôn ngữ (1971, 1972), Phong cách học tiếng Việt hiện đại (1973), Lý thuyết ngữ pháp tiếng Việt (1976), Cú pháp tiếng Việt (1980), Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt (1990), Ngữ nghĩa và cấu trúc ngôn ngữ (1996), Sách dạy tiếng Việt cho người nước ngoài (2001), Tự điển hư từ tiếng Việt (2003).
Những năm trước khi nghỉ hưu (2000), thầy còn chủ trì hai đề tài nhánh cấp Nhà nước (1996 - 1999) có ý nghĩa thực tiễn đối với việc khẳng định chủ quyền và lãnh thổ đất nước là Địa danh biên giới tự nhiên và Địa danh biển đảo Việt Nam.
Thầy đến với ngôn ngữ như một cơ duyên. Thầy từng kể: “Vào đại học văn khoa, ai cũng mơ được đọc tiểu thuyết, được thưởng thức, khám phá những tác phẩm đồ sộ... nhưng cuối cùng tôi lại đi vào ngôn ngữ học, một lĩnh vực khô khan, khó hiểu. Nay nhìn lại, hóa ra mình đã sống trọn với thứ mà thoạt đầu mình nghĩ như thách đố. Được sống và làm việc với các giáo sư tài năng, tâm huyết như Nguyễn Tài Cẩn, Cao Xuân Hạo... là may mắn lớn.
Các bậc đàn anh không chỉ cho tôi những kiến thức ngôn ngữ, mà trên hết là niềm đam mê. Đi theo con đường của các giáo sư, tôi bắt đầu chuyên tâm tìm hướng đi, hứng thú của riêng mình. Với tiếng Việt, một ngôn ngữ phong phú trên nhiều phương diện ngữ pháp, ngữ âm, cú pháp... mặc sức khám phá và cả thưởng thức, như một lĩnh vực nghệ thuật đặc thù nữa”.
2. Và, bằng sự nỗ lực và cần mẫn học hỏi, thầy đã trở thành một trong những chuyên gia đầu ngành. Là người làm chủ nhiều lĩnh vực ngôn ngữ tiếng Việt, thầy có thể giảng dạy nhiều môn học với tất cả sự tự tin và lòng say mê, dẫn dụ người nghe tiếp cận chân lý đầy sức thuyết phục, bằng chất giọng xứ Quảng như một nhà hùng biện.
Dù là người sống nơi đất khách quê người hơn nửa thế kỷ, nhưng thầy vẫn phát âm đặc sệt giọng Quảng, một kiểu giọng Quảng “thứ thiệt” nhưng vẫn phổ đúng với âm chuẩn của tiếng Việt phổ thông. Đặc biệt, sức hấp dẫn của “nhà thuyết giáo” không dừng lại ở chất giọng, mà còn ở lối tư duy của người Quảng: hay lật ngược vấn đề, hỏi nhiều hơn trả lời và luôn thể hiện khát vọng phát hiện ra những vấn đề mới mẻ, để đi đến khẳng định cái mới.
Kiểu tư duy này không chỉ thể hiện trong lúc nói chuyện, trong giảng dạy, mà còn phô diễn trong cả các công trình khoa học. Là người con của mảnh đất “chưa mưa đà thấm”, trong con người thầy, luôn có khát vọng nồng nàn đầy nhạy bén với cái mới, hướng đến cái tốt đẹp và tự tin với giọng Quảng của mình, có sự thăng hoa và đủ khả năng đánh thức sức biểu hiện phong phú của ngôn từ tiếng Việt, có thể diễn tả mọi cung bậc tình cảm của con người.
Sức thu hút người học, có lúc đến mê đắm trong từng trang sách, từng tiết dạy đầy thăng hoa của thầy cũng chính là ở chỗ đó. Người học không chỉ tiếp thu ở thầy những kiến thức chuyên môn mà còn có cả tri thức, kỹ năng sống để làm người.
Nhớ về người thầy đáng kính của mình, TS.Thái Duy Bảo nói rằng: “Thầy đã rót vào tôi luồng sinh khí, niềm lạc quan và đôi chút “can đảm” để vượt qua mọi khốn khó. Tôi tin tưởng người thầy kính yêu đã có một cuộc đời nghề nghiệp viên mãn, đào tạo thế hệ học trò biết làm việc tốt và cố gắng sống tử tế như thầy”.
PGS-TS. Nguyễn Thiện Nam - cũng là học trò của thầy, còn khẳng định rằng: “Ở cương vị nào thầy Phiến cũng luôn thể hiện trách nhiệm của một nhà giáo nhân dân và người con ưu tú của xứ Quảng”.
Và có lẽ, ở lĩnh vực nào thầy Phiến cũng là thủ lĩnh, và trước hết là thượng tôn chủ nghĩa nhân văn. Là người có cuộc sống giản dị, gần gũi, sôi nổi và chân tình với mọi người, trong các mối quan hệ với học trò, đồng nghiệp, thầy luôn hòa đồng, thân ái, với mái tóc bạc vuốt ngược về phía sau, nụ cười luôn nở trên môi và câu nói cửa miệng đầy tự hào: “Tôi là người xứ Quảng...”.
Cũng khó mà tính hết thầy đã hướng dẫn bao nhiêu luận án tiến sĩ, bao nhiêu luận văn thạc sĩ và bao nhiêu cử nhân, kể cả người nước ngoài; trong đó có cả các nhà ngoại giao (có đến 8 đại sứ các nước từng làm việc ở nước ta, đã từng là học trò của thầy). Nhiều người thành đạt, trở thành phó giáo sư, giáo sư, các nhà khoa học đầu ngành đang hành nghiệp trong và ngoài nước.
Tôi là người học trò nhỏ của thầy, vì là đồng hương, cũng từng được thầy yêu quý, nhưng không đủ khả năng đi theo con đường ngôn ngữ học. Tôi học tập được ở thầy cái lớn nhất là nhiệt huyết của con người xứ Quảng.
Còn cái tệ nhất không học được từ thầy là cho đến nay đã gần cuối đời tôi còn viết sai chính tả! Dường như đời tôi làm việc gì cũng chậm, ngay cả tin thầy mất từ ngày 16/7/2022, đến nay tôi mới biết. Trong niềm tiếc thương vô hạn của người từng được thọ giáo thầy đến nay đã gần nửa thế kỷ, xin viết những dòng này như nén tâm nhang dâng lên người thầy mà mình yêu kính.