Hàng chục tỷ đồng từ tiền ngân sách nhà nước và huy động sức dân để thay thế toàn bộ hệ thống lát nền vỉa hè tại một số tuyến đường làm khởi điểm ở trung tâm TP.Tam Kỳ. Phố đẹp, sang hơn nhưng nhiều người vẫn chưa hài lòng về đồng tiền đầu tư trong thời buổi khó khăn, nhất là còn nhiều công trình khác của đô thị cần thiết phải ưu tiên xây dựng.
Lát gạch mới trên vỉa hè nội thành Tam Kỳ.Ảnh: TRẦN HỮU |
Thay mới gây lãng phí
Từ tháng 6.2016, TP.Tam Kỳ đã có phương án xã hội hóa xây dựng, nâng cấp vỉa hè các tuyến đường nội thành trên địa bàn. Đến nay, từ nguồn hỗ trợ ngân sách của tỉnh và huy động sức đóng góp của nhân dân, chính quyền thành phố phân bổ hơn 20 tỷ đồng để thay mới vỉa hè toàn bộ ở đường Huỳnh Thúc Kháng, đường Đặng Dung nối dài (đoạn nối Trưng Nữ Vương đến Nguyễn Dục), đường dọc kênh N24, Trần Quang Khải, Hùng Vương (đoạn từ Huỳnh Thúc Kháng đến Trần Cao Vân), đường Phan Bội Châu (đoạn Nguyễn Hoàng đến Hùng Vương), đường Ngô Thì Nhậm. Toàn bộ vỉa hè các tuyến đường trên đều được thay lát bằng gạch mới. Vỉa hè sau khi hoàn thành nhìn rất khang trang, sạch sẽ. Một số tuyến người dân chấp nhận mất đất để mở rộng, đơn cử như đường Đặng Dung nối dài (đoạn Trưng Nữ Vương đến Nguyễn Dục), đường dọc kênh N24, Trần Quang Khải người dân đóng góp bằng hình thức không nhận tiền bồi thường về đất, vật kiến trúc khi mở rộng đường với kinh phí gần 2 tỷ đồng.
Vỉa hè Tam Kỳ hiện nay lát gạch terrazzo với ưu thế chịu lực tốt, không phai màu. Song, với tình trạng đào bới liên tục để lắp đặt hệ thống cáp điện, nước, cáp quang... sẽ làm ảnh hưởng đến tuổi thọ, chất lượng công trình. Nhiều chuyên gia khuyên nên sử dụng gạch con sâu để giảm thiểu hư hao trong quá trình đào bới, tiết kiệm được chi phí đầu tư. |
Tuy chỉ là một hạng mục rất nhỏ trong hệ thống đường sá, nhưng vỉa hè cần đầu tư đồng bộ, khớp nối với các bộ phận chức năng khác để tăng hiệu quả sử dụng, vừa tạo mỹ quan đô thị. Đường Phan Châu Trinh, Trần Hưng Đạo... thay mới vỉa hè từ nguồn tài trợ vốn vay Ngân hàng Thế giới của dự án thoát nước và xử lý nước thải. Dù đã làm mới vỉa hè nhưng một số người dân sống dọc đường Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu than thở về bó vỉa có độ dốc lớn, gây khó cho việc đi lại. Bó vỉa nơi thẳng đứng, chỗ hạ thấp cũng gây mất mỹ quan. Một cán bộ hưu trí ở phường Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ) nói: “Tôi thấy một số đường gạch block con sâu còn rất tốt, nhưng bóc ra thay mới bằng gạch vuông bóng loáng thì chẳng hợp lý. Chỉnh trang vỉa hè là chủ trương đúng nhưng chính quyền phải cân nhắc hợp lý, chứ đâu phải cái gì bỏ tiền tỷ ra làm mới cũng đẹp, bền chắc đâu”.
Toàn bộ tiền ngân sách nhà nước và người dân đóng góp đều sử dụng vào việc lát gạch mới và cải tạo bó vỉa đường. Theo người dân, thực tế có tình trạng một số đoạn trên các tuyến đường gạch block con sâu, hoặc lát bằng đúc xi măng tại chỗ đã xuống cấp, nên chỉ cần sửa chữa, cải tạo, chứ bỏ cũ thay mới hoàn toàn là lãng phí. Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Nguyễn Minh Nam thừa nhận: “Kết cấu hạ tầng đô thị như điện, nước, cáp quang đầu tư không đồng bộ dẫn đến làm vỉa hè nhiều lần gây khó khăn trong sinh hoạt, buôn bán và bất bình cho người dân”.
Liệu sức dân?
Theo phương án xã hội hóa xây dựng, nâng cấp vỉa hè các tuyến đường nội thành trên địa bàn TP.Tam Kỳ, đến năm 2020 sẽ triển khai xây dựng vỉa hè trên 10 tuyến đường được xem là bộ mặt của đô thị loại 2 với tổng kinh phí hơn 68 tỷ đồng. Theo đó, nhân dân đóng góp 25%, vận động doanh nghiệp hỗ trợ ít nhất 35%, ngân sách phường 10%... Ông Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư - xây dựng TP.Tam Kỳ cho biết, xuất phát từ việc gạch block con sâu, lát bằng xi măng đúc tại chỗ bong tróc, sụt lún nên thành phố chủ trương thay mới bằng gạch terrazzo vuông, đồng thời cải tạo bó vỉa lắp ghép. Trước đây cửa thu nước làm bằng kim loại gang giờ đúc bê tông xi măng để ngăn ngừa trộm cắp. Nguồn vốn cho cải tạo vỉa hè không phải nhỏ nhưng đầu tư có lộ trình và huy động từ đóng góp của dân. Ví dụ, ở vỉa hè 6m, lát gạch mới dân đóng góp bình quân 55 nghìn đồng/m2. Theo ông Nguyễn Minh Nam, với số gạch block cũ sau khi bị thay thế, thành phố sẽ bàn giao về cho các địa phương để có thể sử dụng vào lát nền các công trình khác. Theo phương án của thành phố thì chỉ trừ đối tượng hộ nghèo, cận nghèo thuộc diện miễn giảm đóng góp kinh phí xây dựng vỉa hè, còn lại đều phải có trách nhiệm với Nhà nước. Nếu không tự nguyện tham gia đóng góp theo sự thống nhất chung của tập thể khối phố sẽ bị xử lý.
Khảo sát một số vỉa hè trên các tuyến đường nội thành, chúng tôi nhận thấy không phải người dân nào cũng vui vẻ bỏ tiền lát gạch mới. Những hộ dân có nhà mặt tiền thì rất phấn khởi tham gia vì lợi ích thiết thực đem lại cho gia đình họ, ngược lại hộ sống trong hẻm sâu thì phàn nàn phân bua thiệt hơn. Một số vỉa hè thành phố chủ trương không được sử dụng làm nơi buôn bán nên người dân không mặn mà đóng góp. Ở các thành phố lớn trong nước, thường lát gạch vỉa hè hay một số loại đá đắt tiền khác ở những khu vực có hạ tầng tương đối ổn định, nhất là hệ thống điện - nước - cáp quang được đầu tư đồng bộ. Nói cách khác, trong điều kiện hiện nay không cần lát bằng đá, gạch terrazzo mà có thể sử dụng xi măng, gạch con sâu, miễn là xây dựng đẹp, đảm bảo chất lượng. Nói huy động mọi nguồn lực, nhưng chung quy vẫn là tiền của dân. “Trong vô vàn cái khó của thành phố, để xây dựng tuyến phố văn minh tại sao không bỏ tiền ra xây nhà vệ sinh công cộng?” - một kiến trúc sư thắc mắc. Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đức nêu quan điểm: “Trong hoàn cảnh “thắt lưng buộc bụng”, bất cứ hình thức đầu tư nào cũng cần cân nhắc được - mất, lợi - hại. “Trang điểm” cho phố, vỉa hè thì tốt quá, nhưng sẽ rất hợp lý nếu chính quyền thành phố có phương án cụ thể khi sử dụng lại số gạch cũ nhằm tránh lãng phí. Huy động sự hỗ trợ của toàn xã hội, trong đó phải lấy ý kiến tham gia từ nhân dân và đóng góp phải vừa sức dân chứ không thể cưỡng ép được”.
TRẦN HỮU