Văn hóa

Thầy Phan Đăng vừa đi xa…

TRUNG VIỆT 01/11/2024 08:51

Nhà nghiên cứu Phan Đăng (sinh năm 1949, quê Quảng Trị) nguyên là giảng viên, Trưởng Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế) là người thầy đáng kính của nhiều thế hệ sinh viên trên dải đất miền Trung - Tây Nguyên. Tối qua lúc 23h45 ngày 31/10, thầy rời cõi tạm.

thầy Phan Đăng và Trung Việt
Thầy Phan Đăng (bên trái) và học trò Trung Việt. Ảnh của tác giả.

Lần nói chuyện với thầy Phan Đăng gần nhất của tôi, là đâu chừng đầu tháng 9/2023.

Tôi bí một chữ Hán trong một câu thơ cổ mà tra sách thì thấy dịch không ưng ý, bèn điện thoại thầy. Ông cười, vẫn giọng rất… "u mua", trầm tĩnh: “Hắn nghĩa là ri chứ có chi, mà mi đang làm chi hả?”. Tôi hỏi thêm thầy đang làm chi, ông nói: “Thầy đang dịch lại Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán”. “Viện Đại học Huế trước 1975 đã dịch mà thầy?”. “Ừ, nhưng tau chưa ưng ý. Nhiều vấn đề rất hay liên quan đến chủ quyền quốc gia trên biển Đông, cần phải nói lại một cách tường minh em nờ…”.

Cuối năm 2022, tôi ra Huế xin gặp hỏi ông vài câu cho bài phỏng vấn báo Xuân Quý Mão trên báo Quảng Nam, khi bộ "Hoàng Việt nhất thống dư địa chí" thuộc hạng mục sách khoa học xã hội là tác phẩm duy nhất được trao giải A Sách quốc gia 2022. (Tác phẩm "Hoàng Việt nhất thống dư địa chí" của tác giả Lê Quang Định, do nhà nghiên cứu Phan Đăng dịch và chú giải, NXB Thế Giới và Công ty CP sách Thái Hà xuất bản).

Bộ sách đồ sộ này được giới nghiên cứu đánh giá, nhiều vấn đề lớn của quốc gia như đường đi lối lại, luật pháp, chế độ đo lường, tiền tệ, phong tục tập quán lễ nghi, ăn mặc… đã được thể hiện rõ ràng, cho thấy khát vọng thống nhất đất nước được thể hiện mãnh liệt. Ông gật đầu đồng ý ngay, nhưng dặn: “Mi gởi câu hỏi nghe, tau nhiều việc lắm, tranh thủ coi lại trả lời em, bởi phải trích từ sách ra cái chi liên quan Quảng Nam”.

Tôi hỏi thầy việc dịch cuốn này, khó nhất là chi? Ông nói vừa chữ Hán vừa chữ Nôm, rồi địa danh, nhân danh, sản vật vùng miền khác nhau, có khi cùng loại mà mỗi nơi gọi mỗi khác, đòi hỏi vốn văn hóa phải lớn phải làm cho tốt mới được.

Thầy Phan Đăng - ảnh chụp năm 2022. ảnh TRUNG VIỆT
Thầy Phan Đăng - ảnh chụp năm 2022. ảnh TRUNG VIỆT

Vốn văn hóa cổ, rồi khả năng chữ Hán, chữ Nôm của ông, thì miễn bàn. Ông dạy văn học Trung Đại, nhưng thi thoảng phóng bút vài chữ trên bảng. Nếu chữ của thầy Nguyễn Đình Thảng như đóng triện, thì chữ của thầy Phan Đăng như đường bay hào hoa, khác hẳn chất trầm tĩnh, nghiêm nghị thường thấy ở ông. Nhưng có lẽ, các thế hệ khoa văn Đại học Tổng hợp Huế ấn tượng với ông, là sự tinh tế, hóm hỉnh thi thoảng ông chen vào trong lúc giảng.

Tôi nhớ hoài ông dạy Truyện Kiều, đề cao tài năng phát hiện những tế vi từ Nguyễn Du, bất ngờ ông hỏi: “Tôi hỏi các anh chị, ở quê các anh chị, khi ăn cơm thì người ta hay nói cái chi?”. Cả lớp im re. Ông nói: “Quê tôi Quảng Trị, lúc ăn cơm chỉ nói một câu “mi gắp nhanh để tau gắp”. Các anh chị học văn, phải luyện quan sát, đời sống lắm thú vị, những chi tiết đời thường chính là vàng khi các anh chị viết văn, rồi ứng xử. Tôi đi tàu lửa từ Huế vô Sài Gòn, để ý miết, không thấy ai xấu như Thị Nở, mới thấy ông Nam Cao tài tình”.

Một lần khác, không biết ông bực chi, mà đang giảng đụng đến gốc gác, quê hương, ông dằn giọng: “Lắm người mở miệng là chửi đồ nhà quê. Ai mà chẳng có quê”.

Thế hệ ở ký túc xá 27 Nguyễn Huệ lúc đó, đói vàng mắt, nên mới có tình trạng “sửa ti vi”. Huế, rằm, mùng Một, người ta cúng đầy đủ, thành kính, rồi các dịp cúng khác cũng không thiếu. Đám sinh viên "canh me", người ta bày biện xôi, chuối, gà vừa quay lưng, là bay vô hốt và chạy. Một bữa ông lên giảng đường, giọng nghiêm trọng: “Sửa tivi là mấy anh khoa mình chứ ai vô đây! Đêm qua tôi vừa mang nải chuối ra cúng, vừa quay vô, là mất. Mấy ông đói, tôi biết, nhưng làm cái việc đó là không nên, phản cảm lắm”.

Nói về ông, mỗi khóa, mỗi người, đều có kỷ niệm. Bữa đó tôi ngồi với ông, xoay quanh câu chuyện đại học, ông lắc đầu, rằng bây giờ đi dạy không vui như hồi tụi bay học. Khổ nên đứa nào cũng ráng học, ráng đọc, người dạy có động lực, rồi tình thầy trò nồng ấm. Biết làm sao bây chừ em!

Thầy Phan Đăng (hàng đầu, thứ 4 từ phải qua)
Thầy Phan Đăng (hàng đầu, thứ 4 từ phải qua) chủ nhiệm Lớp văn K10 dẫn sinh viên năm nhất dã ngoại tham quan các di tích cố đô Huế năm 1986. (Ảnh tư liệu của Phan Quang Mười)

Bất ngờ ông hỏi: “Mi còn uống rượu nhiều không?”. Tôi gật. Ông cười “Tau từ ngày nghỉ hưu, vẫn làm việc như lúc đang đi dạy. Hãy làm việc đừng để não đơ, trượt”. Lúc đó, tôi hỏi ông đang làm chi, thì ông cho hay đang dạy Học viện Phật Giáo. “Này em, thầy đang dịch lại Kinh Phật thời Lý -Trần, lắm thứ cực kỳ hấp dẫn chưa được công bố”.

Biết con tôi đang theo nghiên cứu văn hóa Đông Nam Á, có thể sẽ được nhà trường cho về Việt Nam tìm hiểu, ông nói ngay: “Mi nói hắn, có làm văn học văn hóa Phật Giáo thì ra gặp tau, thầy bày cho”.

Tôi cảm động vô cùng.

Anh Phan Quang Mười, lớp Văn K10, kể rằng đời anh có kỷ niệm ghi ơn thầy. Khi ra trường, thầy nói, nhiều khóa rồi, thầy chưa thấy ai có hoàn cảnh khó khăn như em. Hoàn cảnh em, chắc xin việc không dễ dàng. Thầy chẳng có chi để giúp, thôi để thầy bàn với khoa, trường, giữ em lại, bố trí một việc gì đó, giáo vụ chẳng hạn. Dù anh không ở lại, nhưng cái tình của thầy, anh nhớ hoài.

Bây giờ thầy vừa đi xa. Có lẽ trên bàn viết của ông, những công trình dịch thuật đang dở dang. Thi thoảng nhớ ông cười kèm theo cái nghiêng đầu, nói một câu chi đó rất hay và hóm, mà ẩn tàng trong đó cốt cách không ít kiêu bạc của người hiểu được lắm thứ ở đời.

Xin cúi đầu tiễn biệt thầy!

(7) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thầy Phan Đăng vừa đi xa…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO