Nửa sau thế kỷ 19, có người lính từng tham gia kháng Pháp bất thành, sẵn khí chất hảo hán Nam kỳ, giỏi võ nghệ, thích phiêu bạt và học hỏi, đã xuống tàu sang Paris hoa lệ, học nghề cơ khí và tiếng Pháp. Một ngày, nước Pháp bán “trọn gói” một tàu thủy cho Đại Nam và ông về Huế đào tạo chuyển giao cho triều đình nhà Nguyễn.
Sau đó, thấy chí nguyện chưa thành, ông ngao du xứ Quảng, ngược sông Thu Bồn, đến núi Đài ở Hà Tân xin lập nên ngôi chùa để tu đạo, hoằng dương Phật pháp.
Đài sơn tăng truyện
Thời Tự Đức, triều đình rất chú trọng nhu cầu canh tân kỹ nghệ. Tháng 8, năm Canh Ngọ - 1870, triều đình chính thức chọn cử 15 người thợ thuyền trẻ tuổi biết chữ ở các đơn vị Hộ vệ, Cảnh tất, Thần cơ, Đốc công, đưa đến thủ đô nước Pháp, nước Anh học tập các nghề đóng tàu, đúc súng và học ngoại ngữ, trong thời hạn 3 năm hoặc 1 - 2 năm cho tinh xảo được việc, về sẽ cất nhắc công việc hợp lý, không theo thứ bậc (Đại Nam thực lục, Quốc sử quán triều Nguyễn, Nxb. Giáo Dục, 2007, tập 7, tr. 1261).
Trong Quảng Nam tỉnh tạp biên (Mục A.3116a-5, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tài liệu VICAS Huế, Lê Minh Khiêm dịch) có văn bản Đà Sơn tăng truyện, kể lại câu chuyện ly kỳ của một chứng nhân, liên quan tới vấn đề Tây du mà theo Nguyễn Q.Thắng, tác giả là Hà Tân Hậu bổ Lương Thúc Kỳ.
Chuyện kể, một người Gia Định tên là Bùi Chu, từ nhỏ ít có điều kiện học hành, lại đam mê võ nghệ, thích giao du và có thể nói được tiếng Xiêm, Lào và Cao Miên. Khi Pháp đánh Nam Kỳ, ông tòng quân đánh giặc nhưng việc không thành. Sau lại theo quan Pháp đến Hoa Lê (Paris) học nghề cơ khí, tiếng Pháp cùng một số tiếng Tây Âu.
Về sau, ông về đến Hương Cảng rồi “tiện đường về nước lái tàu hơi nước Thuận Tiệp, người ở kinh sư gọi là ông Sáu Máy”. Không rõ vì lý do gì, khi “có việc” thì ông trở về Nam và “trong lòng u uất, bất đắc chí, thường hận cuộc đời không theo chí mình. Những lúc nghĩ quẩn có ý muốn xuất gia nên lang thang đến các danh sơn tìm nơi yên tĩnh để tụng kinh tu thân”.
Đến mùa hè năm Giáp Ngọ (1894) đời Thành Thái thì ông xắn áo, chống gậy đến rồi ở lại Hà Tân (nay thuộc Đại Lãnh, Đại Lộc), khi đó ông ước chừng 50 tuổi, tướng mạo phương phi. Ở trong thôn được chừng 5 - 6 tháng, nhận thấy nhiều người bệnh tật, ông khóc lóc cầu đảo, cho thuốc men và bỗng nhiên phát sinh tâm Phật, mọi vướng mắc trong lòng trước nay chưa được giải tỏa, những giận dữ khi gặp bất bình, bản tướng bất giác lộ ra, từ đó sám hối, kìm nén đau khổ lẫn sự ngạo mạn. Ông bèn lên núi Đài lập thảo am mà ở. “Núi ở phía nam xã Hà Tân, tường đá tiếp nối, cây cối um tùm. Nước khe chảy va vào đá nghe rì rào, vị ngọt mát. Khi người dân ở đây đua nhau lên núi xin thuốc, gặp thầy ngồi xếp bằng niệm Nam vô Phật, Nam vô Phật mấy câu, tiếng vang khắp hang núi, rồi lầm rầm tụng kinh khuyết trì”.
Không chỉ vậy, thầy lấy dao sắc gọt gỗ tùng làm đồ dùng, trông rất tinh xảo, lại khuyên làm người phải giữ cho được cái nghề, rồi chỉ hang đá cạnh am, nói đó là chỗ hậu thân của thầy, đã dọn dẹp sạch sẽ. Thầy ngồi xếp bàn dưới gốc tùng, uống nước suối, hoặc nằm gối đầu lên đá, không vướng chút trần tục. Ngày nọ xuống núi, gặp viên tuần bổ tên Quản Sơn quy thầy là tội phạm với lời lẽ hỗn xược. Thầy nổi giận phóng tấm thân già nua đến đánh, vốn là Cử nhân võ mà Sơn cũng không địch lại được, đành chạy về báo Bùi Chu làm phản. Quan tòa phái lính đang đêm lên núi Đài vây bắt, thầy không sợ nguy hiểm, từ tốn cùng bộc bạch tấm lòng. Quan tòa biết là hiểu lầm, bèn cho đưa thầy về lại núi. Từ đó thầy không tiếp đón ai, ngày ngày ngồi thiền mong giải thoát, ban đầu thì bữa cơm trắng vào đúng ngọ, sau chỉ ăn cháo loãng.
Ở trên núi được 2 năm, thân gầy còm mà tinh thần thanh thoát, bước đi nhẹ nhàng và không lâu sau, thầy tuyệt thực mà chết. Người dân địa phương đặt di hài thầy vào trong hốc đá. Thiền sư Thạch Động có thơ rằng:
Tuyệt thực tìm đường đến cõi tiên
Cổ kính Tùng Sơn bảy lớp liền
Mới biết Trường Sinh đan có thật
Bạch Vân tăng mãi vẫn tham thiền.
Tìm trong sử sách
Sử sách ghi nhận thời Tự Đức, để “đề phòng mặt biển” triều đình đặt mua ba “cơ khí đại đồng thuyền” là Mẫn Thỏa (tháng 8 năm Ất Sửu -Tự Đức thứ 18, 1865), Thuận Tiệp (Bính Dần - 1866), và Đằng Huy (Canh Ngọ - 1870). Thương bạc gửi thư cho phía Pháp nhờ chuyển đến Tòa Lãnh sự Pháp ở Hạ Châu liệu tính, rồi sai Hoàng Văn Xưởng cùng thợ cả nước Pháp là Du-sơ-điu đến Hương Cảng thuê đóng tàu mới. Hoàn tất, thuê ba hoa tiêu, ba người thợ Tây dương coi máy cùng 34 người Thanh, Chà Và. Sau khi thành thục “sẽ không thuê nữa”.
Riêng tàu Thuận Tiệp được mua về tháng 5 năm Bính Dần (1866), thân thuyền bọc đồng 2 tầng, 1 ống khói, 2 cột buồm, cùng khí cụ kèm theo là 6 khẩu đại pháo, 15 khẩu điểu sang, 5 khẩu mã sang và 8 buồng ở. Nguyên giá tiền mua tàu và thuê các lái thuyền, thủy thủ, mua vật liệu phụ tùng lên tới 134.300 đồng bạc. Tất cả giao cho Tham tri Bộ Hộ Nguyễn Chính, Biện lý Bộ Công Lê Văn Phả, Biện lý Bộ Hộ Trần Thiện Chính sang Hương Cảng cùng chủ hiệu Phố Na thương thuyết, thuê người chánh phó hoa tiêu và chánh phó khán tiêu, chánh phó khán cơ (xem máy móc) đều 2 người, trong đó có 1 người Pháp làm chánh hoa tiêu, 3 người Anh cùng 38 người khác, “Hạn trong 1 năm, để dạy bảo lính, thợ tập quen cho thạo nghề thì thôi” (Thực lục, Tlđd, tập 7, tr. 948, 999). Có lẽ ông Sáu Máy Bùi Chu đảm trách một trong các chức vụ chánh phó khán cơ cho máy móc của tàu Thuận Tiệp để chuyển giao cho Thủy quân triều đình Huế ở Thuận An - sông Hương.
Sau năm 1860 - 1962, ông Bùi Chu đã lên tàu sang Pháp học nghề, rồi mùa hè năm 1866 mới có thể tham gia đợt “chuyển giao” tàu thủy hiện đại giữa phía Pháp và triều đình Huế trong vai trò là một thợ máy. Nếu quá trình chuyển giao hoàn thành trong 1 - 3 năm thì sau đó, ông đã có quá trình hành tẩu trên dưới 25 năm, vào ra Nam kỳ, để đến năm 1894 mới ngược dòng Thu Bồn đến Hà Tân, làm nên câu chuyện độc đáo này.
Thượng nguồn sông Thu Bồn nói chung và vùng núi Đài - Hà Tân nói riêng, từ hơi thở của truyền thống độc đáo này, sẽ là chất liệu hiếm có để viết nên những câu chuyện du lịch văn hóa có một không hai, nhất là trong xu hướng du lịch sinh thái - văn hóa tộc người hiện nay.