(QNO) - Một cây cầu bê tông cốt thép bắc ngang sông Vu Gia, đoạn qua thôn Phú Lộc (xã Đại An, Đại Lộc) vừa được khởi công thay thế cây cầu phao của "kỹ sư hai lúa" Lê Tất Dũng, tạo điều kiện cho người sản xuất qua lại an toàn.
Cầu phao Phú Lộc sắp được thay thế bằng cầu bê tông cốt thép bắc qua sông Vu Gia. Ảnh: TRIÊU NHAN |
Làm cầu kiên cố
Chỉ tầm hai tháng nữa, cây cầu phao của ông Lê Tất Dũng (trú thôn Phú Lộc, xã Đại An) sẽ kết thúc sứ mệnh nhiều năm nối đôi bờ cách trở, là phương tiện để người dân các xã Đại Cường, Đại An (huyện Đại Lộc) qua lại sản xuất an toàn. Cầu phao được xây dựng hoàn thành từ năm 2013, đã gần 4 năm đưa khách sang sông, trĩu nặng tình người. Bởi lẽ, nếu không có cầu phao của "kỹ sư hai lúa" thì người dân các thôn hai bên bờ Vu Gia vùng này phải qua lại bằng những con đò chòng chành, nhất là mùa nước lớn. Cây cầu phao được hình thành khi ông Lê Tất Dũng chứng kiến khúc sông này cũng từng cướp đi tính mạng của bà con trong vùng. Ngày hoàn thành cây cầu, người dân vui mừng khó tả. Thế nhưng, nay mai, người đi lại sản xuất sẽ từ giã cây cầu tạm này để đi trên cây cầu vững chãi hơn.
Chứng kiến cây cầu mình từng đổ biết bao công sức làm ra "bị" thay thế bởi cây cầu bê tông của một tổ chức thiện nguyện, ông Dũng không buồn, mà trái lại rất vui. Ông nói: “Thật tình, từ khi có cầu phao, bà con đi lại đỡ vất vả hẳn. Nhưng cây cầu phao này hạn chế là phải có người túc trực để tháo rời thân cầu nhường đường cho phương tiện đi dọc sông Vu Gia. Chưa nói là mùa mưa lũ phải tháo dỡ, neo lại nếu không lũ sẽ cuốn trôi đi mất. Đợt lũ muộn năm 2016 vừa rồi, vì không kịp trở tay nên cầu phao bị gãy làm đôi, khắc phục hết sức tốn kém”.
Ông Dũng với đam mê chế tạo máy móc phục vụ sản xuất. Ảnh: TRIÊU NHAN |
Giữa thời buổi này, tìm người "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" như ông Dũng vốn chẳng dễ. Từ khi có tổ chức từ thiện đến xây cầu, ông Dũng hằng ngày túc trực ở nơi bến sông, vừa hỗ trợ phương tiện qua lại theo đò dọc, vừa trông coi vật liệu, phụ giúp tổ chức này trong việc thi công đóng cọc bê tông. "Tôi hưởng ứng 100%, nếu đơn vị từ thiện cần gì, tôi giúp nấy" - ông Dũng quả quyết. Ông cũng cho hay, khi cầu mới làm xong, cây cầu phao này ông sẽ giữ lại để hỗ trợ cho bà con vùng nào chưa có cầu bắc qua sông, suối để xóa đi bao cách trở…
Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Tiết Trí, đại diện Hội Từ thiện Vòng tay Việt Nam (vongtayvietnam.com) cho hay, qua thông tin từ các phương tiện truyền thông, ông biết đến tình cảnh cây cầu phao Phú Lộc của "kỹ sư hai lúa" Lê Tất Dũng đã bị lũ cuốn phăng, gãy làm đôi. Để tạo điều kiện cho nông dân nhanh có cây cầu kiên cố qua lại sông lúc nắng mưa, ông Trí cùng bạn bè đã đứng ra vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm về đây làm cầu bắc qua sông Vu Gia cho bà con đi lại.
Sản xuất thuận lợi
Cầu bê tông cốt thép này rộng 2m, dài 75m, chịu tải trọng 1 tấn, xe 2 bánh, 3 bánh có thể qua lại trung chuyển nông sản dễ dàng. Được biết, cây cầu được thi công trong vòng 2 tháng, sau khi thi công, đóng cọc bê tông, đoàn từ thiện sẽ tiếp tục triển khai các hạng mục còn lại trong tháng 7, dự kiến cây cầu sẽ hoàn thành vào 26.8 này. |
Những ngày này, lòng người vui mừng, rộn rã mỗi khi qua lại nơi khúc sông Vu Gia trên. Ông Lê Toản, một nông dân canh tác nơi bãi biền ven sông tâm sự, con sông Vu Gia vào mùa mưa lũ trở nên dữ tợn. Nhiều năm rồi, bà con nơi đây rất biết ơn ông Dũng đã bỏ công ra làm cầu phao để bà con có phương tiện qua lại, song ngay cả có cầu phao đi nữa thì dòng nước lớn cũng đe dọa sự an nguy khi qua cầu. Đợt lũ muộn vừa rồi đã làm gãy cầu phao, bao công sức và tâm huyết của ông Dũng đã đổ ra trên bến sông này.
"Nay thấy có cầu bê tông, chúng tôi mừng chẳng nói nên lời. Rồi đây, nông sản chúng tôi vận chuyển về sẽ thuận lợi và thương lái cũng dễ dàng tìm tới thu mua. Những xe tải trọng 1 tấn sẽ qua lại được đôi bờ để thu gom những chuyến hàng đi xa. Đầu ra nông sản sẽ không còn bấp bênh, bế tắc như trước" - ông Toản phấn khởi cho biết.
Niềm vui của ông Toản cũng là niềm vui chung của bao người trên bến sông này. Anh Lê Văn Tiệp (thôn Phú Lộc) tâm sự, mỗi ngày, bến sông có cả nghìn lượt người qua lại. Nhất là giữa vụ, thương lái các nơi tìm đến thu mua nông sản cũng rất đông, cầu phao chịu rất nhiều sức ép. Chưa kể, mùa mưa, khi nước sông Vu Gia lên 2m nữa thì buộc phải tháo dỡ cầu để tránh bị cuốn trôi, hư hỏng, nên việc đi lại sản xuất bị gián đoạn. Vậy nên, có được cây cầu bê tông sẽ rất tiện, không chỉ tạo điều kiện cho người dân qua lại, sản xuất, cây cầu bê tông cũng giúp việc lưu thông của bà con thôn 10, xã Đại Cường, vùng bị cô lập lâu nay trở nên thuận tiện hơn. "Cọc đã đóng trên sông cả tháng nay rồi, chúng tôi chờ mong từng ngày để nhìn thấy cây cầu mọc lên" - anh Tiệp nói.
TRIÊU NHAN