Thay thế vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem

TUỆ LÂM 03/04/2018 08:27

Ngày 27.3, Bộ Y tế ra thông báo, nhà sản xuất Berna Biotech đã ngừng sản xuất vắc xin Quinvaxem, số vắc xin Quinvaxem còn lại dự kiến sẽ sử dụng đến hết tháng 5.2018 trên quy mô toàn quốc. Loại vắc xin được lựa chọn để thay thế là DPT-VGB-Hib.

Việc thay thế vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem sẽ không ảnh hưởng đối với việc tiêm phòng cho trẻ.
Việc thay thế vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem sẽ không ảnh hưởng đối với việc tiêm phòng cho trẻ.

Theo thông báo của Viện vệ sinh dịch tễ trung ương, năm nay chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ tiêm vắc xin DPT-VGB-Hib thay thế cho vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem. Đây là loại vắc xin thay thế có thành phần tương đương vắc xin Quinvaxem, lịch tiêm không thay đổi (tiêm cho trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi).  “Loại vắc xin mới này được sản xuất từ Hàn Quốc với các yếu tố tương đương nhau, không có gì khác biệt. Hiện nay, lượng vắc xin Quinvaxem vẫn còn nên tiếp tục triển khai tiêm đến hết tháng 5 sẽ nhập loại vắc xin mới này về” - ông Trần Văn Hoàn - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết. Cũng theo ông Hoàn, trong thời gian tới, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông, cơ sở y tế địa phương để thông báo rộng rãi những thay đổi này đến với người dân, tránh tình trạng không biết gây thắc mắc, hiểu nhầm cho phụ huynh đưa con đi tiêm chủng.

Chị Huỳnh Thu Thảo (trú tại phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ) cho biết, hiện vẫn chưa nghe thông báo gì về việc thay đổi này. “Tôi nghĩ làm thế nào để trẻ được tiêm phòng an toàn, hiệu quả là điều quan trọng nhất. Tôi sẽ đưa con đi tiêm đúng lịch như các bác sĩ đã ghi ở sổ khám” - chị Thảo nói. Tương tự, chị Phương Thị Ngọc Nga (trú tại khối phố Mỹ Thạch Tây, TP.Tam Kỳ) cũng chưa nghe thông báo về việc thay thế vắc xin Quinvaxem trong thời gian tới. “Bình thường cũng nhìn vào sổ khám để biết thời gian và đợt tới con mình tiêm loại thuốc gì. Không biết loại thuốc mới được thay thế này có thay đổi gì hay không để biết cách chăm sóc trẻ” - chị Nga thắc mắc. Giải thích về điều này, ông Trần Văn Hoàn cho biết, vốn dĩ, loại vắc xin nào cũng đều tốt cho sức khỏe và sức đề kháng của trẻ. Và tất cả loại dược phẩm đều có thể phản ứng với cơ thể con người, mức độ nặng nhẹ tùy theo cơ địa của mỗi người. “Trên thế giới hiện nay có 2 loại vắc xin là vô bào và tế bào. Loại tế bào được dùng phổ biến, ví dụ như vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem có toàn nguyên tế bào ho gà nên sẽ gây sốt; nhưng cũng có loại vắc xin loại 5 trong 1 vô bào là Pentaxim sẽ ít gây phản ứng hơn. Nếu bên kia tỷ lệ 15 - 30% thì bên vô bào chỉ 3%. Loại này có tiêm dịch vụ chứ không được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng” - ông Hoàn thông tin.

Một thay đổi nữa trong chương trình tiêm chủng năm 2018 là sẽ bổ sung loại vắc xin sởi - rubella cho trẻ em 18 - 24 tháng tuổi. Đây là loại vắc xin được sản xuất ở trong nước. Theo đó, được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, Việt Nam đã sản xuất thành công vắc xin sởi - rubella. Trong tháng 3.2018, vắc xin sởi - rubella được đưa vào sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng, bước đầu kết quả thu được cho thấy tính an toàn tương tự như vắc xin sởi - rubella đã sử dụng như giai đoạn 2014 - 2016. “Trẻ em trong độ tuổi 18 - 24 tháng tuổi sẽ được tiêm thêm mũi sởi - rubella thay vì chỉ có sởi và DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) như trước đây, nhằm phòng bệnh sớm hơn cho trẻ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền về những thay đổi cụ thể hơn cho người dân được biết và đưa con đến các cơ sở y tế để tiêm phòng đúng lịch” - ông Hoàn nói.

TUỆ LÂM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thay thế vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO