Thiếu tá Nguyễn Văn Hiệp (SN 1966) được bà con đồng bào Cơ Tu ở A Nông (Tây Giang) yêu quý hết mực. Anh được gọi với cái tên rất gần gũi: “Alăng Hiệp”.
Bà đỡ
Sau 2 năm nhập ngũ và được cử đi học sơ cấp y, anh Nguyễn Văn Hiệp về công tác ở Đội Trinh sát ngoại biên, Đồn Biên phòng 645 (xã A Nông, huyện Tây Giang). Lúc này, chỉ có một mình anh là quân y ở đồn. Điều kiện khó khăn, bốn bề rừng núi bao phủ, ngày đó Tây Giang chưa có xã A Nông như bây giờ. Cả 3 xã A Tiêng, Bha lêê và xã Lăng chỉ có duy nhất Trạm xá A Tiêng nên bà con ít có điều kiện được chăm sóc sức khỏe. Do vậy, ngoài việc là quân y ở đồn, anh còn là “của hiếm” đối với đồng bào Cơ Tu lúc bấy giờ. Anh Hiệp cho biết, ngoài chăm lo sức khỏe cán bộ, chiến sĩ ở đồn, anh thường xuyên băng rừng, lội suối kết hợp với cán bộ y tế ở Trạm xá A Tiêng khám chữa bệnh và tuyên truyền chăm sóc sức khỏe cho người dân. Sự nhiệt tình, tận tụy trong công việc cộng với tính tình dí dỏm, hòa đồng của anh khiến bà con rất quý mến. Tiếng lành đồn xa, không lâu sau đồng bào truyền tai nhau về anh y sĩ tốt bụng. Mỗi khi có người ốm, người dân đều đến Đồn Biên phòng tìm y sĩ Hiệp giúp đỡ. “Ngày trước đường sá không thuận lợi như bây giờ. Nhưng một khi người dân đã tin tưởng và cần đến mình thì dù khó khăn đến mấy mình cũng không ngại mà cắt rừng, lội suối đến với họ” - anh Hiệp chia sẻ.
Y sĩ Hiệp và Blinh Thị Họ - cháu bé mà 20 năm trước anh đã cứu sống. Ảnh : VINH ANH |
Phải kể tới những ca đỡ đẻ mà y sĩ Hiệp cho rằng “có một không hai” trong cuộc đời làm nghề y của anh. Bởi thế, anh em cán bộ chiến sĩ và bà con Cơ Tu còn gọi anh với biệt danh “bà đỡ”. Sau 20 năm, chị Bnước Thị Hằng và bà con hàng xóm ở thôn A Rớt vẫn không quên cái ngày chị sinh hạ cháu Bling Thị Họ. Nếu không có y sĩ Hiệp thì có khi cả hai mẹ con đều đã chết. Chị Hằng kể, năm 1994, chị khó đẻ. Đến lúc kiệt sức, toàn thân tím tái thì người nhà mới chạy đi tìm y sĩ Hiệp. Khi đến nơi, nhận thấy tình trạng sản phụ nguy kịch, không còn thời gian đưa lên tuyến trên nên y sĩ Hiệp đã cố gắng hết sức để cứu chữa. May mắn thay, cuối cùng chị cũng sinh hạ thành công bé gái đầu lòng an toàn. Nhớ lại phút giây hạnh phúc đó, chị Hằng xúc động: “Lúc đó tôi chẳng còn biết gì, người như muốn ngất lịm đi, và không biết sống chết thế nào; may sao còn có y sĩ Hiệp đến kịp…”. Còn với y sĩ Hiệp, anh cũng không bao giờ quên được phút giây hạnh phúc khi cứu sống cả hai mẹ con trong gang tấc Tôi chưa gặp trường hợp nào tương tự nên chỉ biết cố gắng hết sức. Cuối cùng may mắn là cả hai đều an toàn. Bồng đứa bé trên tay mà tim tôi đập mạnh vì quá hạnh phúc” - y sĩ Hiệp tâm sự.
Rồi cũng năm đó, y sĩ Hiệp tiếp tục là ân nhân cứu mạng của gia đình người Cơ Tu khác tại thôn Ahnoonh, xã A nông. Đó là việc cứu sống đứa con thứ 14 của một phụ nữ chuyển dạ lúc đang đi rẫy. Đã có hơn chục cháu bé Cơ Tu được đỡ đẻ bởi “Alăng Hiệp”.
Chỉ tin vào y sĩ Hiệp
Đồng bào Cơ Tu từ xưa vốn tin vào việc cúng bái mỗi khi có bệnh tật, đau ốm. Với y sĩ Hiệp, việc lặn lội đường xa là chuyện đơn giản, khó nhất là việc chữa “bệnh tư tưởng” cho người dân. Thói quen gọi “thầy” ở trong vùng đến cúng bái của người dân mỗi khi mang bệnh khiến nhiều ca khi tới cứu thì đã trễ. Bệnh nặng hay bệnh nhẹ đều làm lễ cúng trước, cúng không khỏi mới chạy tìm bác sĩ.
Với những cống hiến của mình, anh Hiệp đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của nhiều cấp ở trung ương và địa phương. Trong đó phải kể đến 2 lần được nhận bằng khen của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên Phòng; 1 lần nhận bằng khen của Bộ Y tế (năm 2008) khi anh được vinh danh 1 trong 20 gương thầy thuốc trẻ tiêu biểu của cả nước. |
Có lần tới chữa bệnh cho một ca thương hàn ở thôn Arớ, xã Lăng (Tây Giang), anh thấy bệnh nhân nằm lịm trên chiếu, bên cạnh là một thầy mo với hình ảnh quái dị đang… múa trước bàn cúng. Một chiếc hòm đã đặt bên cạnh bệnh nhân vì nghĩ không qua khỏi, người thân cũng tất tả lo chuẩn bị chôn cất. Vừa đến nơi, biết bệnh nhân trong giai đoạn nguy hiểm nhưng vẫn còn có thể kịp cứu chữa, y sĩ Hiệp đã truyền dịch, tiêm thuốc, ở lại theo dõi 2 ngày cho tới khi bệnh nhân tỉnh lại. Từ hôm đó, người dân thôn Arớ và những thôn, bản xa gần đều tin vào y sĩ Hiệp, đau ốm đều gặp y sĩ Hiệp để xin thuốc uống. Từ khi được y sĩ Hiệp cứu sống, gia đình chị Bnước Thị Hằng đã bỏ luôn việc gọi thầy cúng tới chữa bệnh như trước. Nhiều gia đình khác cũng vậy, bây giờ mỗi khi đau ốm, họ lại lên đồn xin thuốc ở y sĩ Hiệp, hoặc xuống trạm xá. “Bây giờ đồng bào không tin vào thầy cúng nữa, chỉ tin vào y sĩ Hiệp thôi. Đau ốm gì cứ lên trạm xá hoặc gặp y sĩ Hiệp là khỏi ngay” - chị Hằng tâm sự.
Hiện nay, anh Hiệp đã lập gia đình và đưa vợ con lên ở hẳn trên vùng cao để thuận tiện công tác. Giữa cộng đồng người Cơ Tu tại xã A Nông, gia đình anh Hiệp sống chan hòa, gần gũi với đồng bào. Cái tên “Alăng Hiệp” mà đồng bào gọi anh hàng ngày cũng chính là tình cảm quý mến mà bà con nơi đây dành tặng cho anh.
VINH ANH